0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Công văn số 167/LĐLSVN ngày 07/8/2013 của Liên đoàn luật sư Việt Nam về việc Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư

LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2013

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LUẬT SƯ TOÀN QUỐC

LẦN THỨ II

  1. I. BỐI CẢNH, NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

1. Những thuận lợi, khó khăn

Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ I được tổ chức vào tháng 5 năm 2009. Theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam thì nhiệm kỳ của Liên đoàn luật sư là 05 năm. Do đó Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần II dự kiến sẽ được tổ chức vào quý II năm 2014.

Việc chuẩn bị và tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc diễn ra trong giai đoạn mà công cuộc đổi mới của đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng trong tuyệt đại đa số nhân dân, trong đó có giới luật sư. Trong bối cảnh đó, Liên đoàn luật sư Việt Nam kể từ khi thành lập đã phát huy được vai trò tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ luật sư. Đại đa số các luật sư đã thấy rõ vai trò, vị trí của Liên đoàn luật sư, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng và phát triển Liên đoàn. Mục tiêu xây dựng Liên đoàn luật sư Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của giới luật sư Việt Nam mà Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất đã đề ra đang được thực hiện thành công.

Kể từ khi thành lập, Liên đoàn luật sư Việt Nam nói riêng và giới luật sư nói chung luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ. Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư (trong đó có Liên đoàn luật sư) đã được thực hiện có hiệu quả kể từ khi ban hành. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố đều nhận thấy rõ trách nhiệm và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ kịp thời cho Liên đoàn luật sư và các Đoàn luật sư cũng như hoạt động hành nghề của luật sư. Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc được tổ chức vào thời điểm Chỉ thị 33-CT/TW tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến tổ chức, hoạt động của Liên đoàn luật sư, các Đoàn luật sư và các luật sư.

Đó là những thuận lợi cơ bản trong thời điểm chuẩn bị và tiến hành Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần II. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, thách thức cần được đặc biệt quan tâm.

Trong tình hình hiện nay, một bộ phận nhỏ trong nhân dân, trong đó cá biệt có một số luật sư, do nhận thức sai lệch và dưới tác động, lôi kéo của các phần tử thù địch đã giảm sút sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; cá biệt có hành vi tuyên truyền, kích động tư tưởng chống đối chế độ; một số ít luật sư còn có biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, nặng về cá nhân, thiếu tính xây dựng chung, ý thức chính trị kém, dễ bị thế lực xấu lôi kéo, kích động, đặc biệt là trong dịp đại hội…Tình hình đó, ở mức độ nhất định đã tác động đến tư tưởng của đội ngũ luật sư. Mặt khác, công tác truyền thông của Liên đoàn chưa rộng khắp đến các luật sư, nên một số luật sư chưa nắm được đầy đủ thông tin về hoạt động của Liên đoàn, chưa tin tưởng vào vai trò của Liên đoàn, thiếu trách nhiệm, nhiệt tình trong việc thực hiện nghĩa vụ thành viên và trong việc đóng góp xây dựng Liên đoàn.

Trước tình hình đó, để bảo đảm thành công của Đại hội cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trước, trong và sau Đại hội, đặc biệt là trong công tác lựa chọn các luật sư là đại biểu tham dự Đại hội.

2. Mục đích, yêu cầu đối với việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn luật sư và Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II

Việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn luật sư và Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc cần bảo đảm các mục đích, yêu cầu sau đây:

a) Tổng kết, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành công, những hạn chế và rút ra những bài học sâu sắc của nhiệm kỳ vừa qua, góp phần thực hiện tốt những phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới và sự phát triển bền vững của các Đoàn luật sư và Liên đoàn theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm của đội ngũ luật sư thành viên;

c) Đại hội cần lựa chọn được những luật sư có lập trường tư tưởng vững vàng, có đạo đức, tâm huyết, năng lực và trách nhiệm để bầu vào các cơ quan, các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các Đoàn luật sư và Liên đoàn;

d) Đại hội phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; là một diễn đàn xây dựng, một ngày hội của giới luật sư Việt Nam hướng tới xây dựng ngôi nhà chung của mình; đồng thời hướng tới mục tiêu thực hiện chức năng cao quý của nghề luật sư và sự đóng góp tích cực của giới luật sư cho sự nghiệp chung của đất nước.

II. ĐẠI HỘI NHIỆM KỲ CÁC ĐOÀN LUẬT SƯ

Đại hội Đoàn luật sư là khâu quan trọng bảo đảm thành công của Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc. Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư lần này được tiến hành cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Liên đoàn luật sư Việt Nam, đồng thời vào thời điểm bắt đầu triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Để tổ chức thành công Đại hội, trước hết các Đoàn luật sư cần quán triệt tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội; trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc những kết quả, thành công, hạn chế và những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tiếp theo phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của tổ chức luật sư và nghề luật sư nói chung; lựa chọn và bầu vào các cơ quan của Đoàn những luật sư đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và điều kiện gánh vác trọng trách trong giai đoạn mới.

1. Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư

Để chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư sớm xây dựng Đề án tổ chức Đại hội. Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư gồm những nội dung chính sau đây:

– Mục đích, yêu cầu tổ chức Đại hội;

– Nội dung Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư;

– Nội dung chủ yếu của Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng công tác nhiệm kỳ tiếp theo;

– Cơ cấu, tiêu chuẩn nhân sự bầu vào Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật;

– Kế hoạch, tiến độ chuẩn bị và tiến hành Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư;

– Hình thức tổ chức Đại hội (Đại hội toàn thể hay Đại hội đại biểu); nếu là Đại hội đại biểu thì số lượng đại biểu là bao nhiêu, thành phần như thế nào…;

– Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội;

– Kinh phí tổ chức Đại hội.

2. Nội dung Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư

Đại hội Đoàn luật sư có những nội dung sau đây:

– Thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng công tác của Đoàn luật sư nhiệm kỳ tiếp theo; thảo luận Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật;

– Bầu Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư nhiệm kỳ tiếp theo;

– Thảo luận, góp ý Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I và phương hướng công tác nhiệm kỳ II của Liên đoàn luật sư Việt Nam;

– Thảo luận góp ý Dự thảo Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam;

– Bầu đại biểu tham dự Đại hội luật sư toàn quốc lần thứ II.

3. Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ và phương hướng công tác nhiệm kỳ tiếp theo của Đoàn luật sư

Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ phải nêu một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, họat động hành nghề của luật sư tại địa phương; chỉ ra những thành công, thuận lợi cũng như hạn chế, khó khăn trong quá trình hoạt động, từ đó đề ra phương hướng họat động trong nhiệm kỳ tiếp theo và những đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

4. Bầu Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư

Theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam thì Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật do Đại hội luật sư của Đoàn luật sư bầu. Các thành viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật Đoàn luật sư cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

– Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam;

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, xử lý công việc, có uy tín và tinh thần trách nhiệm, có khả năng đóng góp vào những quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật;

– Có điều kiện về thời gian, sức khỏe và các điều kiện khác để tham gia đầy đủ hoạt động của Đoàn luật sư.

Riêng Chủ nhiệm Đoàn luật sư có thêm tiêu chuẩn sau: Có khả năng tập hợp, đoàn kết các luật sư trong Đoàn; có khả năng xây dựng và giữ mối quan hệ tốt với các cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương.

Những người sau đây không đủ tiêu chuẩn bầu vào Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật:

– Đã có tiền án, tiền sự; đang chấp hành bản án hình sự hoặc quyết định áp dụng các biện pháp hành chính khác;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Đang chấp hành hình thức kỷ luật của Đoàn luật sư về các hành vi vi phạm Điều lệ Liên đoàn và Đoàn luật sư, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Đang có đơn khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật, Điều lệ Liên đoàn và Đoàn luật sư, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư trước ngày tổ chức Đại hội 30 ngày mà chưa có kết luận.

Việc bầu Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư cần đảm bảo tính kế thừa, trẻ hóa, quan tâm thành phần luật sư nữ.

Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư trao đổi với Sở Tư pháp và xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực tỉnh, thành ủy về phương án xây dựng nhân sự Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm báo cáo Liên đoàn luật sư và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Đề án tổ chức Đại hội và Phương án xây dựng nhân sự theo quy định tại Khoản 14 Điều 61 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

5. Về việc bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II

5.1 Tiêu chuẩn của đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II

Luật sư có đủ tiêu chuẩn sau đây thì có thể được bầu là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II:

– Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, Điều lệ Đoàn luật sư và Điều lệ Liên đoàn; Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Có tinh thần trách nhiệm và khả năng đóng góp vào những quyết định của Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc; có khả năng truyền đạt kết quả Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II đến các thành viên của Đoàn mình.

Luật sư thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không đủ tư cách đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II:

– Được bầu là đại biểu không đúng với các tiểu chuẩn nêu trên;

– Đã bị xử lý kỷ luật về các hành vi vi phạm Điều lệ Đoàn luật sư, Điều lệ Liên đoàn, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của luật sư;

– Đang bị tạm giữ, tạm giam;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5.2 Phân bổ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II

Đại biểu dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II gồm đại biểu đương nhiên và đại biểu được Đoàn luật sư bầu.

– Đại biểu đương nhiên dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II gồm các Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc nhiệm kỳ I và các Chủ nhiệm Đoàn luật sư mới được Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư bầu;

– Đại biểu dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II do các Đoàn luật sư bầu được phân bổ như sau:

+ Đối với các Đoàn luật sư có dưới 20 luật sư thì không bầu thêm đại biểu ngoài đại biểu đương nhiên là Chủ nhiệm Đoàn luật sư;

+ Đối với các Đoàn luật sư có trên 20 luật sư thì cứ 15 luật sư tiếp theo được bầu 01 đại biểu;

+ Riêng Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh và các Đoàn luật sư có từ 300 luật sư trở lên thì cứ 35 luật sư được bầu 01 đại biểu.

5.3 Đại biểu dự khuyết

Ngoài việc bầu đại biểu dự chính thức dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II, các Đoàn luật sư phải bầu đại biểu dự khuyết để thay thế đại biểu chính thức vì lý do nào đó không tham dự Đại hội được. Số lượng đại biểu dự khuyết được phân bổ như sau: Đoàn luật sư có số lượng dưới 50 luật sư thì bầu 01 đại biểu dự khuyết; Đoàn luật sư có số lượng từ 50 luật sư trở lên thì bầu 02 đại biểu dự khuyết. Riêng Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh và các Đoàn luật sư có từ 300 luật sư trở lên bầu 10 đại biểu dự khuyết.

6. Về đại biểu dự Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư

Theo quy định của Điều lệ Liên đoàn luật sư, đối với Đoàn luật sư có số lượng thành viên từ 300 luật sư trở lên thì có thể tổ chức Đại hội đại biểu luật sư. Số lượng đại biểu tham dự Đại hội do Đoàn luật sư quyết định.

Về việc lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội: Đại biểu tham dự Đại hội phải bảo đảm tiêu chí là đại diện cho toàn thể đội ngũ luật sư; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư và Đoàn luật sư; nhiệt tình, có trách nhiệm, có khả năng đóng góp cho Đại hội và hoạt động của Đoàn luật sư nói chung.

III. NỘI DUNG, CÔNG TÁC CHUẨN BỊ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LUẬT SƯ TOÀN QUỐC LẦN THỨ II

1. Nội dung Đại hội

Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II gồm có các nội dung chính sau đây:

a) Thảo luận, thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2009 – 2014) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II (2014 – 2019) của Liên đoàn luật sư Việt Nam;

b) Báo cáo kiểm điểm công tác nhiệm kỳ I của Hội đồng luật sư toàn quốc và Ban Thường vụ;

c) Thông qua Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ I và kế hoạch công tác tài chính nhiệm kỳ II của Liên đoàn;

d) Thông qua Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam (áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư);

đ) Bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II.

2. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội

2.1 Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2009 – 2014) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II (2014 – 2019) của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Báo cáo tổng kết phải nêu đầy đủ kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác thể hiện chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn luật sư Việt Nam; đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc và nghiêm túc những thành công, hạn chế, rút ra bài học và đề ra phương hướng công tác đúng đắn, khả thi cho nhiệm kỳ sau. Báo cáo tổng kết cần nêu bật những nội dung sau đây: Bối cảnh và những yêu cầu về chính trị, xã hội của đất nước tác động đến mục tiêu, nhiệm vụ của Liên đoàn luật sư Việt Nam từ khi thành lập; đánh giá đầy đủ kết quả và những hạn chế trong công tác xây dựng tổ chức, cơ chế tự quản của Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư. Đặc biệt, Báo cáo phải phân tích cụ thể, chi tiết thực trạng, những giải pháp và kết quả của công tác xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư về số lượng và chất lượng theo định hướng Chiến lược cải cách tư pháp; nêu đầy đủ và đánh giá sâu sắc những kết quả, thành công, hạn chế trong 05 năm triển khai thực hiện chức năng và những nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư đã được pháp luật và Điều lệ Liên đoàn luật sư quy định. Báo cáo cũng cần nêu được kết quả và đánh giá khách quan những đóng góp của Liên đoàn luật sư, các Đoàn luật sư và giới luật sư nói chung trong việc góp phần thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chung của đất nước.

Cùng với việc đánh giá kết quả xây dựng tổ chức và họat động trong nhiệm kỳ I, Báo cáo cần đề ra được phương hướng và những nhiệm vụ công tác của nhiệm kỳ II đối với yêu cầu nhiệm vụ chung, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức luật sư và mang tính khả thi. Trong đó nhấn mạnh việc xác định rõ vị trí, vai trò của Liên đoàn luật sư Việt Nam; xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, mạnh về chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của luật sư trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ pháp chế XHCN; hỗ trợ và bảo vệ có hiệu quả quyền hợp pháp của luật sư khi hành nghề…

2.2 Dự thảo Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam (áp dụng chung cho Liên đoàn và các Đoàn luật sư)

Căn cứ chủ trương hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp; căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Điều lệ mới của Liên đoàn được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam hiện nay và có những điểm mới sau đây:

– Về phạm vi áp dụng: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Điều lệ mới của Liên đoàn luật sư Việt Nam được áp dụng chung cho Liên đoàn và các Đoàn luật sư (trước đây, mỗi Đoàn luật sư có Điều lệ riêng);

– Tạo cơ sở triển khai có hiệu quả chế độ tự quản của tổ chức luật sư nói chung và quản lý thống nhất của Liên đoàn luật sư Việt Nam; trên cơ sở đó bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động của giới luật sư Việt Nam;

– Mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn (nội dung tự quản) của tổ chức luật sư theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; phân cấp rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của Liên đoàn luật sư và Đoàn luật sư; xác định rõ mối quan hệ giữa Liên đoàn luật sư, Đoàn luật sư với tổ chức hành nghề luật sư nhằm bảo đảm sự nhất quán trong công tác quản lý luật sư, đồng thời thu hút sự tham gia vào tổ chức hành nghề luật sư vào họat động chung của tổ chức luật sư;

– Điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cơ chế họat động của các cơ quan của Liên đoàn và các Đoàn luật sư phù hợp với tính chất của nghề luật sư nhằm bảo đảm tính linh hoạt, năng động và hiệu quả;

– Mở rộng quyền, lợi ích của luật sư với tư cách là thành viên của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam; đồng thời tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư trong việc xây dựng Liên đoàn luật sư trở thành ngôi nhà chung của giới luật sư, đóng góp cho sự phát triển của nghề luật sư;

– Quy định rõ các nguyên tắc trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong, ngoài nước, trong đó có quan hệ cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư; quan hệ với các tổ chức luật sư và tổ chức nước ngoài khác;

– Tạo cơ sở xây dựng và thực hiện chế độ tự chủ về tài chính của Liên đoàn luật sư.

3. Bầu các cơ quan lãnh đạo, điều hành và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn

Việc bầu các cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn luật sư phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

– Thể hiện tính dân chủ, tập trung, minh bạch trong việc giới thiệu nhân sự và bầu cử;

– Xây dựng tinh thần đoàn kết, nhất trí trong đội ngũ luật sư;

– Bảo đảm lựa chọn được các luật sư có đủ phẩm chất, năng lực và điều kiện vào các cơ quan và các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam;

– Bảo đảm cho Liên đoàn luật sư Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định;

Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam, bao gồm: Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng Thư ký của Liên đoàn.

3.1 Hội đồng luật sư toàn quốc

Theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam thì Hội đồng luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam giữa 02 kỳ đại hội.

a)Thành phần Hội đồng luật sư toàn quốc

Thành phần Hội đồng luật sư toàn quốc giữ như quy định của Điều lệ hiện hành bao gồm Chủ nhiệm các Đoàn luật sư là ủy viên đương nhiên (63) và số ủy viên do Đại hội bầu không quá ½ số Ủy viên đương nhiên (31 hoặc 32 ủy viên); số lượng cụ thể Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc do Đại hội quyết định.

b)Tiêu chuẩn của ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc

Những luật sư có đủ tiêu chuẩn sau đây, có nguyện vọng tham gia Hội đồng luật sư toàn quốc thì được giới thiệu hoặc tự ứng cử vào danh sách ứng cử viên bầu ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc:

– Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Có trình độ chuyên môn, năng lực xử lý công việc, đưa ra quyết định, có uy tín và tinh thần trách nhiệm, khả năng đóng góp vào những quyết định của Hội đồng;

– Có điều kiện về thời gian, sức khỏe và các điều kiện khác để tham gia đầy đủ hoạt động của Hội đồng luật sư toàn quốc.

Những người sau đây không đủ tiêu chuẩn bầu vào Hội đồng luật sư toàn quốc:

– Đã có tiền án, tiền sự; đang chấp hành bản án hình sự hoặc quyết định áp dụng các biện pháp hành chính khác;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Đang chấp hành hình thức kỷ luật của Đoàn luật sư về các hành vi vi phạm Điều lệ Đoàn luật sư, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư;

– Đang có đơn khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật, Điều lệ Đoàn luật sư, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư trước ngày tổ chức Đại hội 30 ngày mà chưa có kết luận.

c) Dự kiến phân bổ ủy viên do Đại hội bầu vào các vị trí công tác sau đây

– Các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn là 06 người, bao gồm 01 Chủ tịch và nhiều nhất 05 Phó Chủ tịch, trong đó có 01 Phó Chủ tịch thường trực, có thể có 01 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và 03 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm.

– Có ít nhất là 05-07 ủy viên phụ trách các Uỷ ban của Liên đoàn; có từ 02-03 ủy viên phụ trách các cơ quan giúp việc khác.

– Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh ngoài Chủ nhiệm Đoàn luật sư là ủy viên đương nhiên, mỗi Đoàn luật sư có 04 luật sư là ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc. Đối với các Đoàn luật sư có số lượng thành viên từ 80 luật sư trở lên, ngoài Ủy viên đương nhiên thì có thêm 01 luật sư là ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc.

3.2 Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam

Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư là cơ quan điều hành của Liên đoàn giữa các kỳ họp của Hội đồng luật sư toàn quốc.

a) Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ

Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ giữ như Điều lệ hiện hành gồm 21 Ủy viên do Hội đồng luật sư toàn quốc bầu.

b) Tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Thường vụ

Các Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc có thêm các tiêu chuẩn sau đây thì được giới thiệu hoặc tự ứng cử vào danh sách bầu Ủy viên Ban Thường vụ:

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ và kiến thức vững về pháp luật, tâm huyết với sự nghiệp phát triển nghề luật sư tại Việt Nam;

– Có thời gian và các điều kiện khác để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Uỷ viên Ban Thường vụ.

3.3 Các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn

a) Số lượng Phó Chủ tịch và Tổng thư ký

Lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn luật sư bao gồm Chủ tịch và nhiều nhất 05 Phó Chủ tịch do Hội đồng luật sư toàn quốc bầu, trong đó dự kiến có Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch chuyên trách và 03 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm, trong đó nên có Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội và Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh; 03 Phó Chủ tịch là luật sư kiêm nhiệm được giao phụ trách một số lĩnh vực, công việc chuyên môn. Riêng Tổng thư ký có thể do 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm, có thể do 01 luật sư chuyên trách do Hội đồng luật sư toàn quốc bầu trong số Ủy viên Ban Thường vụ.

b) Tiêu chuẩn Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư

Ủy viên Ban Thường vụ có thêm các tiêu chuẩn sau đây thì được giới thiệu vào danh sách ứng cử viên bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch của Liên đoàn:

– Có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong điều hành, có năng lực quản lý trong lĩnh vực tư pháp, luật sư; có khả năng quản lý ở tầm vĩ mô;

– Có tác phong lãnh đạo, quản lý, điều hành năng động, mềm dẻo và hiệu quả;

– Có năng lực trình độ và uy tín;

– Có khả năng đoàn kết, quy tụ được đội ngũ luật sư;

– Có khả năng phối hợp hợp tác tốt với các cơ quan, tổ chức có liên quan;

– Có thời gian và điều kiện khác để hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chức danh mà mình đảm nhiệm (riêng ứng cử viên Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký phải có điều kiện làm việc chuyên trách);

Riêng đối với chức danh Chủ tịch, ngoài các tiêu chuẩn trên còn phải là người có uy tín lớn, có khả năng làm trung tâm đoàn kết trong Lãnh đạo, Ban Thường vụ, Hội đồng luật sư toàn quốc và tập hợp giới luật sư cả nước; có tầm nhìn xa, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; có khả năng xây dựng, giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

Để đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ của Liên đoàn, việc lựa chọn nhân sự bầu vào các cơ quan của Liên đoàn cần theo hướng bảo đảm tính kế thừa kết hợp với trẻ hóa, có chú ý đến yếu tố luật sư nữ, hội nhập.. thay thế những luật sư không còn đủ điều kiện về sức khỏe và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội

Thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, Đảng đoàn, Lãnh đạo Liên đoàn phối hợp với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, các tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn luật sư và Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc; đặc biệt quan tâm đến phương án nhân sự chủ chốt của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư.

2. Kế hoạch, tiến độ chuẩn bị và báo cáo kết quả Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư

Đại hội nhiệm kỳ của tất cả các Đoàn luật sư thống nhất hoàn thành trước ngày 31/12/2013 để kịp chuẩn bị Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II vào Quý II/2014. Ban Chủ nhiệm các Đoàn luật sư xây dựng kế hoạch cụ thể chuẩn bị tổ chức Đại hội. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm báo cáo kết quả Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư cho Liên đoàn luật sư chậm nhất là 05 ngày làm việc sau khi kết thúc Đại hội.

3. Kế hoạch, tiến độ chuẩn bị và tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II

3.1 Liên đoàn luật sư Việt Nam xây dựng và phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo Đề án tổ chức Đại hội luật sư toàn quốc lần thứ II, phương án các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam để báo cáo Ban Bí thư (Quý III/2013).

3.2 Thành lập Ban tổ chức Đại hội (Quý II/2013).

Ban tổ chức Đại hội do Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam làm Trưởng ban, gồm có 04 Tiểu ban: Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Tổ chức và cơ sở vật chất Đại hội, Tiểu ban Tuyên truyền Đại hội.

– Tiểu ban Nhân sự do Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam làm Trưởng tiểu ban, có nhiệm vụ xây dựng Đề án nhân sự và lập danh sách nhân sự giới thiệu để Đại hội bầu vào các cơ quan của Liên đoàn và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn;

– Tiểu ban Văn kiện do Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn làm Trưởng tiểu ban, có nhiệm vụ chuẩn bị Dự thảo Báo cáo Tổng kết, Dự thảo Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam; tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đoàn luật sư và của các đại biểu Đại hội, hoàn chỉnh Dự thảo Điều lệ trình Đại hội thông qua; xây dựng Nội quy, Quy chế, Chương trình làm việc của Đại hội, các văn bản phục vụ cho công tác bầu cử, Thể lệ bầu cử, Biên bản kiểm phiếu…

Tiểu ban Tổ chức và cơ sở vật chất Đại hội do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn làm Trưởng ban, có nhiệm vụ chuẩn bị danh sách đại biểu, khách mời, chuẩn bị địa điểm, giấy triệu tập, giấy mời, nguồn tài chính và các điều kiện về vật chất khác của Đại hội.

– Tiểu ban Tuyên truyền Đại hội do Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn làm Trưởng ban, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến về Đại hội nhiệm kỳ II và Liên đoàn luật sư Việt Nam

3.3 Chuẩn bị Dự thảo các văn kiện Đại hội luật sư toàn quốc (Quý II, III/2013).

3.4 Tổ chức Đại hội các Đoàn luật sư (Quý IV/2013);

3.5 Hoàn thiện các văn kiện Đại hội luật sư toàn quốc sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp của các Đoàn luật sư (Quý I/2014).

3.6 Thời gian tổ chức Đại hội dự kiến 03 ngày trong Quý II/2014.

– Phiên họp trù bị diễn ra 01 ngày. Nội dung của phiên họp trù bị là thông qua Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam; lập danh sách ứng cử viên bầu vào các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam;

– Phiên họp chính thức diễn ra trong 02 ngày. Nội dung: Thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm I và phương hướng công tác nhiệm kỳ II của Liên đoàn luật sư Việt Nam; bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, sau đó Hội đồng luật sư toàn quốc bầu Ủy viên Ban Thường vụ và chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam; công tác thi đua khen thưởng.

3.7 Địa điểm tổ chức Đại hội: Thủ đô Hà Nội;

3.8 Thành phần tham dự Đại hội:

–         Khoảng 400 đại biểu chính thức;

Khách mời bao gồm đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, đại diện Thường trực thành ủy, Thường trực UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đại diện một số cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam có quan hệ thường xuyên với Liên đoàn luật sư Việt Nam như: đại diện Chương trình đối tác tư pháp ký giữa Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch, Thụy Điển, EU (JPP), đại diện Dự án hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp – Nhật Bản (JICA), đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)…

–         Kính mời Chủ tịch nước dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

  1. 4. Kinh phí tổ chức Đại hội

Kinh phí tổ chức Đại hội đại biểu luật sư lần thứ II được huy động từ các nguồn tài chính sau đây:

– Hỗ trợ của Chính phủ và của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Tài chính tự có của Liên đoàn luật sư Việt Nam; đóng góp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.

Do kinh phí tự có của Liên đoàn luật sư Việt Nam có hạn nên Liên đoàn luật sư đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước (sẽ có Báo cáo dự trù kinh phí xin cấp từ Ngân sách Nhà nước); đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ kinh phí tổ chức Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn luật sư, chi phí đi lại và ăn ở cho các đại biểu của Đoàn luật sư địa phương mình dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II.

Đề án này đã được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua tại phiên họp lần thứ XI.

 

Nơi nhận:

– Các Ủy viên HĐLSTQ;

– Các Ủy viên BTV LĐLSVN;

– Các Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư;

– Lưu VPLĐLSVN.

TM. HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC

CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

 

 

 

Luật sư Lê Thúc Anh