Đi lao động nước ngoài bị xóa tên trong sổ hộ khẩu, Luật sư tư vấn trình tự thủ tục nhập khẩu tại Việt Nam
Rất nhiều trường hợp sau khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, sau khi trở về thì bị xóa tên ở trong sổ hộ khẩu, Để hiểu rõ trình tự thủ tục nhập khẩu tại địa phương, Công ty luật Dragon tư vấn hướng dẫn các quy định pháp luật hiện hành để tháo gỡ và giải quyết.
Câu hỏi gửi Công ty luật Dragon:
Tôi hiện có người em trai đã đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc từ năm 2003. Đến tháng 02/2020 em tôi về nước. Không biết vì lý do gì năm 2015 sổ hộ khẩu của em tôi tại địa phương đã bị xóa tên. Để làm thủ tục nhập khẩu cho em tôi về sổ hộ khẩu của gia đình, gia đình tôi cần phải làm và hồ sơ như thế nào. Cảm ơn luật sư.
Luật sư tại Hải phòng tư vấn:
Căn cứ điều 21 Luật cư trú năm 2006 và Thông tư 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Luật cư trú quy định về thủ tục đăng ký thường trú như sau:
“1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
c) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CPngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên”.
Theo như trường hợp của em trai bạn vì không lấy được giấy chuyển khẩu do đã bị xóa tên trong hộ khẩu nên gia đình bạn cần xin xác nhận của công an phường/xã về việc trước đây em trai bạn đã đăng ký thường trú ở tại địa phương.
Hồ sơ đề nghị xác nhận trước đây có hộ khẩu thường trú tại địa phương được quy định tại Điều 13 Thông tư 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú và Nghị định 31/2014/NĐ-CP như sau:
“Hồ sơ đề nghị xác nhận bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh công dân trước đây có hộ khẩu thường trú (nếu có).
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp không xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nội dung xác nhận bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên, tên gọi khác (nếu có), ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, ngày, tháng, năm đăng ký thường trú, ngày, tháng, năm xóa đăng ký thường trú”.
Trong giấy xác nhận sẽ có ghi rõ việc em trai bạn đã bị xóa khẩu và hiện nay em trai bạn quay lại nơi em trai bạn muốn nhập lại hổ khẩu và cùng với đó là tường trình và cam kết về tình trạng hộ khẩu, cư trú. Sau khi có giấy xác nhận, gia đình bạn sẽ nộp cùng hồ sơ xin nhập khẩu rồi gửi cho công an có thẩm quyền.
Luật sư Khuyến nghị các bạn lưu ý: Phiếu báo thay đổi nhân khẩu phải có xác nhận đồng ý của chủ hộ gia đình bạn.
Trên đây là bản tư vấn sơ bộ của Luật sư Công ty Luật Dragon chúng tôi. Trong trường hợp cần tư vấn chi tiết và cụ thể, vui lòng liên hệ địa chỉ:
—————————————–
Công ty Luật TNHH Dragon
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long
Hotline: 1900599979 / 098.301.9109
Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Văn phòng Luật sư Dragon hân hạnh được mang đến cho Quý khách hàng những dịch vụ pháp lý tốt nhất.