Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định về tội buôn lậu
Chi tiết Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Điều 188. Tội buôn lậu
1.Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:
– Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội buôn lậu là bất kỳ người, pháp nhân nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
– Khách thể của tội phạm:
Hành vi phạm tội buôn lậu xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Về hành vi.
Có hành vi buôn bán trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài các đối tượng sau đây: Hàng hoá; Tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ (như USD, Yên…); Kim khí quý, đá quý (vàng, bạc, kim cương…); Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; Hàng cấm (bị Nhà nước cấm lưu thông).
Việc buôn bán trái phép được thể hiện ở chỗ mua hoặc bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép xuất, nhập khẩu và các quy định khác của Nhà nước về hải quan (ví dụ: Giấy phép nhập khẩu là máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế lại mua bán máy móc sử dụng cho tiêu dùng như tủ lạnh, xe gắn máy, ti vi…)
Trường hợp kinh doanh xuất nhập khẩu đúng giấy phép nhưng khai không đúng số lượng (khai ít hơn số lượng thực nhập) hoặc nhập vượt quá mức mà giấy phép xuất, nhập khẩu cho phép thì cũng bị coi là buôn lậu nhưng chỉ truy cứu trách nhiệm đối với phần chưa khai hoặc xuất nhập khẩu vượt mức cho phép.
Thủ đoạn được thể hiện qua việc khai báo gian dối (nhiều hay ít, mặt hàng này lại khai là mặt hàng khác..), giả mạo giấy tờ, giấu giếm hàng, tiền… hoặc đi vòng tránh khỏi khu vực cửa khẩu để trôn tránh sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.
Thời điểm hoàn thành tội phạm này tính từ thời điểm đưa hàng, tiền qua biên giới một cách trái phép vào Việt Nam. Tuy nhiên nếu là đưa hàng, tiền từ Việt Nam ra nước ngoài (theo chúng tôi) thì không nhất thiết tính từ thời điểm qua biên giới Việt Nam. (Chẳng hạn hàng hoá được tập kết gần biên giới chuẩn bị đưa trái phép qua biên giới thì bị phát hiện).
+ Về giá trị hàng phạm pháp làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hàng hoá, tiền tệ Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý phải có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên.
Trường hợp dưới một trăm triệu đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu hoặc một trong các hành vi sau: vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buốn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, sản xuất buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giông cây trồng, kinh doanh trái phép; đầu cơ; trôn thuế hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều sau đây của Bộ luật Hình sự: Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh …
Đồng thời cho đến thời điểm có hành vi buôn lậu bị phát hiện thì vẫn chưa được xoá án tích đối với việc phạm các tội nêu trên mà còn vi phạm về hành vi buôn lậu và không phải thuộc các trường hợp quy định tại các điều sau đây: Tội sản xuất trái phép chất ma tuý; Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý; Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý …
Đối với hàng cấm thì phải có số lượng lớn (theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu và một trong các hành vi quy định tại các điều trên hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm về hành vi buôn lậu nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các điều như nêu cụ thể ở trên.
Đối với vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá thì điều luật không quy định cụ thể mức tối thiểu giá trị vật phạm pháp, vì những vật phẩm loại này chứa đựng những giá trị tinh thần (vô giá) mà không thể tính được bằng tiền.
Văn bản hướng dẫn:
-Hướng dẫn khoản 1 “…buôn bán qua biên giới…”
+ Luật Biên giới quốc gia 2003
+ Nghị định 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia
+ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền
+ Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/4/2014 về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
+ Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế: “Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu phi thuế quan, là quan hệ xuất nhập khẩu”.
+ Nghị định số 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
+ Luật hải quan năm 2014
+ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 ngày 20/11/2013 quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
+ Nghị định số 90/CP ngày 31/5/2007 quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
+ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
+ Nghị định số 12/CP ngày 23/01/2006 hướng dẫn thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
-Hướng dẫn điểm a khoản 1:
+ Nghị Quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Về tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại một số điều luật của BLHS
6.1. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó.
6.2. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau:
- Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó.
Ví dụ: A đã bị xử phạt hành chính về hành vi đặt chướng ngại vật trên đường sắt để cản trở giao thông đường sắt, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, A lại thực hiện một trong các hành vi (đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt…) quy định tại Điều 209 của BLHS để cản trở giao thông đường sắt.
- Đối với điều luật quy định nhiều tội khác nhau (tội ghép) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một tội tại điều luật đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó (không bao gồm các hành vi được liệt kê trong tội khác cũng tại điều luật đó).
Ví dụ: Điều 164 của BLHS quy định tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả.Trường hợp B đã bị xử phạt hành chính về hành vi làm tem giả, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, B lại làm vé giả thì bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; nếu B chỉ buôn bán tem, vé giả thì không coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
+ Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái pháp pháo nổ và thuốc pháo.
+ Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 Hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán.
+ Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA -VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Bộ tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
- Hướng dẫn điểm b khoản 1 “Vật phạm pháp là di vật, cổ vật”
Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001
- Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
- Hướng dẫn điểm b khoản 2 “Có tính chất chuyên nghiệp”
Nghị Quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS
5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a. Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b. Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS.
====================================================
Văn phòng luật sư Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính văn phòng luật sư Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Văn phòng luật sư Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Văn phòng luật sư cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long
F: www.facebook.com/congtyluatdragon
Y: www.youtube.com/congtyluatdragon
Trân trọng!