Điều 315 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
Chi tiết Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Điều 315 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
Chi tiết Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
“Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:
– Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này là người có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế nêu trên.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện tội này với lỗi cố ý.
– Khách thể của tội phạm:
Hành vi nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý về dịch vụ y tế của Nhà nước, đồng thời xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Đối tượng tác động của tội phạm này là các quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bênh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi khách quan
Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là hành vi vi phạm, nhưng tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội vi phạm các quy định khác nhau, có người chỉ vi phạm quy định về khám bệnh, có người vi phạm quy định về chữa bệnh, có người lại vi phạm quy định về sản xuất, về pha chế thuốc, về cấp phát thuốc, về bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Một người có thể chỉ vi phạm quy định về một lĩnh vực, nhưng có thể vi phạm quy định về nhiều lĩnh vực khác nhau như vừa vi phạm quy định về khám bệnh, vừa vi phạm quy định về chữa bệnh. Đây là tội phạm mà nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Vì vậy, khi định tội danh cần chú ý người phạm tội vi phạm quy định nào thì định tội danh theo hành vi vi phạm đó. Vi phạm là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
+ Hậu quả:
Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác.
Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người có hành vi vi phạm chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích. Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác là làm cho người khác bị tổn hại đến sức khỏe có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Vì vậy, trong trường hợp thiệt hại chỉ là sức khỏe thì nhất thiết phải trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật của người bị hại.
Không phải là dấu hiệu bắt buộc trong trường hợp người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Văn bản hướng dẫn:
Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự
Chương 6:
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG VÀ TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
- Tội phạm các quy định về chữa bệnh, chế thuốc gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 196), thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác. Nếu vi phạm mà chưa gây thiệt hại nói trên thì không bị xử lý về hình sự theo tội phạm này.
Tội phạm thể hiện như:
a) Về khám bệnh, chữa bệnh: bất kỳ ai không được phép mà khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của Nhà nước hoặc người có chuyên môn được phép khám bệnh, chữa bệnh, nhưng làm trái với chức năng, nhiệm vụ (như được khám, chữa về chuyên khoa này, lại tự ý khám, chữa về chuyên khoa khác…) hoặc làm trái quy tắc nghề nghiệp (như không thử phản ứng trước lúc tiêm thuốc phải thử phản ứng, không theo dõi trực tiếp người được truyền huyết thanh, mổ xong để quên dụng cụ trong người bệnh nhân) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe bệnh nhân.
Bộ luật hình sự không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phá thai trái phép. Hành vi phá thai trái phép (như phá thai ở ngoài cơ sở y tế) cần được xử lý hành chính. Nếu hành vi đó gây chết người, thì bị xử lý về tội vô ý làm chết người theo Điều 104; nếu gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác thì bị xử lý theo Điều 110.
b) Về sản xuất, pha chế thuốc, bán thuốc;
– Người không được phép mà sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác, thì bị xử lý theo Điều 196.
Nếu chưa gây thiệt hại nói trên, thì hành vi đó chỉ bị xử lý về hành chính mà không xử lý về tội kinh doanh trái phép (Điều 168).
Hành vi mua vét các loại thuốc nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về “tội đầu cơ” (Điều 165); nếu là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh do Nhà nước không thống nhất quản lý, thì áp dụng khoản 1; nếu là thuốc do Nhà nước thống nhất quản lý thì tùy theo tính chất nghiêm.
Hành vi sản xuất thuốc giải bị xử lý về “tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả” (Điều 167) và tùy theo trường hợp mà áp dụng khoản 2 hoặc 3.
– Người được phép sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc hoặc bán thuốc mà làm không đúng quy định (như sản xuất không đúng quy cách, phẩm chất; pha chế không đúng công thức quy cách; cấp phát không đúng chủng loại, liều lượng; bán thuốc mất phẩm chất, đã quá thời hạn sử dụng theo quy định…) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác, thì bị xử lý theo Điều 196.
Hành vi của nhân viên cửa hàng dược phẩm lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút thuốc thật, thuốc tốt đem ra ngoài bán giá cao và thay thế bằng thuốc giả, thì bị xử lý về “tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” (Điều 133) và “tội buôn bán hàng giả” (Điều 167);
– Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (quy định ở khoản 2) là những trường hợp như: làm chết từ 2 người trở lên hoặc gây thương tích nặng, gây cố tật hoặc làm cho bệnh tình thêm trầm trọng khó chữa đối với 3 người trở lên (hay 1 người chết và 2 người bị thương nặng trở lên).
====================================================
Công ty luật Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính Công ty luật Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Công ty luật Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Công ty luật Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long