Giới luật sư vào cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (ảnh), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam, kiêm Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý biển Đông và hải đảo, vừa có cuộc gặp gỡ, làm việc với ông Jim Webb, thượng nghị sĩ Mỹ. Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Nghĩa cho biết:
“Tôi được lãnh đạo LĐLS cử gặp và làm việc với ông Jim Webb với tư cách là phó chủ tịch LĐLS VN. Nội dung cuộc trò chuyện hôm ấy chủ yếu xoay quanh vấn đề tranh chấp biển Đông và chủ quyền biển, đảo của VN”.
Không có chuyện trao tài liệu
. Thưa ông, cụ thể nội dung cuộc trao đổi ấy là gì?
. Thái độ của ông Jim Webb như thế nào trước đề nghị này?+ Tôi thông báo một số hoạt động của LĐLS liên quan đến chủ đề này, trong đó có việc thành lập Ban Nghiên cứu pháp lý biển Đông và hải đảo. Đồng thời, thông qua cá nhân ông Jim Webb, tôi đề nghị nghị viện Mỹ và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ LĐLS trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ pháp lý cũng như hỗ trợ đào tạo, huấn luyện luật sư VN các kỹ năng, kinh nghiệm tranh tụng quốc tế.
+ Tất nhiên ông Jim Webb rất quan tâm đến chủ đề biển Đông nên mới có cuộc gặp gỡ này. Ông bày tỏ quan điểm ủng hộ giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông theo nguyên tắc đa phương, không sử dụng bạo lực. Ông hứa sẽ nỗ lực hết mình để tìm cách hỗ trợ VN thu thập những tài liệu, chứng cứ liên quan đến chủ quyền biển, đảo của VN ở biển Đông (từ tài liệu, thư tịch gốc ở thư viện, bảo tàng nước ngoài). Ngoài ra, ông Jim Webb cũng hứa sẽ cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ VN trong việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến kỹ năng tranh tụng quốc tế về lĩnh vực biển, đảo. Với tư cách cá nhân, ông Jim Webb bày tỏ tình cảm chia sẻ đối với VN trong quá trình giải quyết tranh chấp biển Đông và ông nói sẽ tiếp tục lên tiếng cũng như thực hiện các bước đi cần thiết để thể hiện lập trường, quan điểm này.
. Có thông tin cho rằng tại buổi gặp mặt, ông đã trao một số tài liệu về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa cho ông Jim Webb. Ông có thể nói rõ đó là những tài liệu gì?
+ Ồ không, làm gì có chuyện đó. Chỉ là những câu chuyện trao đổi xã giao, thân mật chứ làm gì có chuyện trao tài liệu.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người dân Việt. Trong ảnh: Nhà giàn DK1, biểu tượng chủ quyền Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam.
Văn phòng luật sư không thể đứng ngoài
. Thưa ông, việc hỗ trợ huấn luyện, đào tạo (nếu có) của phía Mỹ chỉ trong khuôn khổ với các thành viên trong Ban Nghiên cứu pháp lý biển Đông và hải đảo hay cho cả Liên đoàn luật sư?
+ Trước hết tôi cần nói sơ về việc thành lập ban này. Xuất phát từ tình hình thực tế, Liên đoàn luật sư nhận thấy giới luật sư không thể đứng ngoài cuộc mà phải có trách nhiệm chung tay đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Vì vậy, Liên đoàn luật sư quyết định thành lập ban này do tôi làm trưởng ban, phó ban là luật sư Phạm Hồng Hải (Phó Chủ tịch Liên đoàn) và tổng thư ký là luật sư Đỗ Ngọc Thịnh. Ban có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề pháp lý, thực tiễn về biển Đông, về chủ quyền và quyền chủ quyền của VN đối với vùng biển và hải đảo để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo liên đoàn khi cần thiết, đồng thời giúp Liên đoàn luật sư tổ chức các hoạt động liên quan… Nói chung, ban là cơ quan giúp việc thường trực của Liên đoàn luật sư trong vấn đề chủ quyền biển, đảo.
. Nói vậy thành phần của ban không chỉ là luật sư?
+ Hiện tại ban có 12 thành viên, trong đó có luật sư và các chuyên gia, nhà nghiên cứu (như TS Nguyễn Nhã, Th.S Hoàng Việt (Trường ĐH Luật TP.HCM), nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc…). Quá trình hoạt động, chúng tôi sẽ huy động thêm các cộng tác viên là các luật sư, chuyên gia nghiên cứu, nhà sử học trong nước và nước ngoài cùng tham gia.
. Sau hai tháng thành lập, tổ chức này đã làm được gì rồi, thưa ông?
+ Nói chung bước đầu chỉ mới xây dựng được một số cơ chế phối hợp làm việc, xác định các nhiệm vụ chính yếu để theo đuổi thực hiện. Ban Nghiên cứu pháp lý biển Đông và hải đảo cũng sẽ phổ biến những kiến thức, cứ liệu về chủ quyền biển, đảo trên trang web của Liên đoàn luật sư. Có thể chúng tôi sẽ cho đăng tải cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa trên trang này để tạo thêm kênh thông tin cho bạn bè quốc tế, từ đó tìm kiếm sự ủng hộ của họ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của VN. Chứ nếu chỉ dùng tiếng Việt không thì chỉ có “ta đọc mình rồi mình hiểu ta” không mà thôi.
. Xin cám ơn ông.
Nhiệm vụ chính của ban nghiên cứu
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết nhiệm vụ chính của Ban Nghiên cứu pháp lý biển Đông và hải đảo bao gồm:
1. Tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ và những cơ sở pháp lý liên quan và lập thư mục, hệ thống hóa các tài liệu, chứng cứ ấy.
2. Thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học liên quan đến chủ đề biển, đảo (dự kiến tháng 10 năm nay sẽ có cuộc hội thảo đầu tiên do LĐLS tổ chức).
3. Tổ chức xuất bản những tài liệu, sách báo liên quan đến chủ quyền biển, đảo nhằm tuyên truyền, phục vụ công chúng. Qua đó có thể tham mưu, đề xuất cơ quan hữu quan đưa một số kiến thức pháp lý về chủ quyền biển, đảo vào bài học ngoại khóa hoặc chính khóa cho học sinh phổ thông.
4. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được sẽ xây dựng những luận cứ pháp lý vững chắc để đấu tranh pháp lý trên các diễn đàn cũng như sẵn sàng tham gia tranh tụng tại tòa án quốc tế (nếu có) khi Chính phủ yêu cầu.
5. Tìm kiếm sự tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức công pháp quốc tế và kinh nghiệm, kỹ năng tranh tụng quốc tế.
Van Phong Luat Su Dragon