0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – Thực hiện trưng mua thay vì thu hồi

Văn phòng luật sư Dragon Hà Nội – Ngày 9-10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn còn quá nhiều hạn chế và không khắc phục những tồn tại. Vì vậy, đất đai sẽ vẫn là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, gây khó người dân và doanh nghiệp.


Bịt kẽ hở tham nhũng

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, việc xác định giá đất quy định trong luật thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành những “liên minh trong bóng tối” giữa một số công chức, quan chức thoái hóa, biến chất với một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm chia nhau phần địa tô chênh lệch. Phân cấp quản lý về đất đai quá rộng dẫn đến có quá nhiều người có quyền giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất nên đã dẫn đến hậu quả là đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế lại đang thuộc “sở hữu” của một nhóm lợi ích.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện nhiều thời gian qua chính là quy định giá đất chưa ổn và thực tế cho thấy, bảng giá đất do Chính phủ quy định luôn thấp hơn giá thị trường, dẫn đến đền bù thấp cũng là nguồn gốc tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc định giá đất khi thu hồi cần phải xác định trên cơ sở tính toán theo phương pháp thu nhập để tính tương đối đầy đủ những thiệt hại mà người bị thu hồi đất bị ảnh hưởng. Cùng với đó, phải có cách để người sử dụng đất được hưởng lợi ích từ sự phát triển trong tương lai, theo hình thức như góp vốn.

Hạn chế thu hồi đất

Theo ông Vũ Xuân Tiền, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã áp dụng một cách tràn lan cơ chế thu hồi đất bằng những quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước. Tại Điều 15 của dự thảo quy định: “Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế…”. Đó là quy định mâu thuẫn với Luật Dân sự và Hiến pháp năm 1992. Chính vì vậy, thu hồi đất bằng quyết định hành chính là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc và vô lý trong trường hợp người có đất bị thu hồi không vi phạm pháp luật. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra một bộ phận “công bộc của dân” bỗng nhiên trở thành “quan phụ mẫu” trong không ít cấp chính quyền hiện nay. Do vậy, ông Tiền cho rằng, việc sử dụng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất thay cho thu hồi đất sẽ tạo điều kiện để người có đất bị thu hồi xóa bỏ tâm lý “bị tước đoạt”. Việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ thực hiện trong những trường hợp như: do vi phạm pháp luật đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện…

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chia sẻ, cần thay “chế độ thu hồi đất” bằng “chế độ trưng mua đất vì lợi ích công cộng” và xác định rõ nội hàm của lợi ích công cộng.

Ngọc Quang (SGGP)

Công ty luật Dragon