Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc là niềm hân hoan phấn khởi của giới luật sư Việt Nam
Văn phòng luât sư Dragon – Ngày 4-6-2008, Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc ( gọi là Hội đồng lâm thời) đã chính thức ra mắt. Đến dự buổi lễ có Tiến sỹ Luật học Uông Chu Lưu – Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện của các cơ quan TƯ, VP Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, TƯ Hội Luật gia Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Sở Tư pháp Hà Nội, các đoàn Luật sư Đà Nẵng, Vũng Tàu, Khánh Hòa v.v…và đại diện Đại sứ quán Thụy Điển, dự án DADINA.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Tiến sỹ Luật học Hà Hùng Cường – Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban chỉ đạo đại biểu luật sư toàn quốc, nhấn mạnh đây là “ sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử” của giới luật sư Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá việc ra đời Hội đồng lâm thời là “một bước quan trọng cho sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam” vì lần đầu tiên các luật sư Việt Nam “ có một tổ chức toàn quốc, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của đội ngũ luật sư cả nước; tạo bước ngoặt quan trọng trong việc đổi mới về tổ chức, hoạt động luật sư; mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam”. Thay mặt Ban chỉ đạo, Bộ trưởng đề nghị các thành viên trong Hội đồng lâm thời – những luật sư tiêu biểu cho đội ngũ luật sư cả nước – đoàn kết, phát huy đầy đủ trí tuệ và tâm huyết vì sự nghiệp phát triển của luật sư Việt Nam. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ cùng Ban chỉ đạo và Bộ Tư pháp hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cần thiết để Hội đồng lâm thời hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Tiến sỹ Uông Chu Lưu nhấn mạnh, hoạt động luật sư ở nước ta trong những năm qua đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nghề luật sư ở Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi yêu cầu của xã hội ngày càng cao, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng…trong khi còn thiếu về số lượng và một bộ phận còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Vì thế chúng ta cần tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư, trong đó có việc sớm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đó là yêu cầu khách quan và cấp thiết, góp phần hoàn chỉnh và củng cố chặt chẽ hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư. Do đó, nhiệm vụ của Hội đồng lâm thời là rất nặng nề và quan trọng, với khối lượng công việc rất lớn để có thể đưa Liên đoàn Luật sư Việt Nam sớm đi vào hoạt động.
Ngay sau khi ra mắt, Hội đồng lâm thời đã có phiên họp đầu tiên vào ngày 6-6-2008 để ra quy chế hoạt động của hội đồng và tiến hành xây dựng Dự thảo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tiến hành các bước trong công tác chuẩn bị để Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất có thể sớm nhất và cuối quý III, đầu quý IV năm nay.
Hội đồng lâm thời của Tổ chức luật sư toàn quốc đã ra mắt tại Thủ đô Hà Nội. Một luật sư thuộc lớp người cao tuổi đã hồ hởi nói: “ Rằng bây giờ mới thấy đây, Mà lòng mong đợi những ngày từ lâu”. Niềm hân hoan phấn khởi này có thể nói là của cả giới luật sư Việt Nam. Tổ chức luật sư toàn quốc được ra đời là một sự kiện trọng đại của giới luật sư. Và, cũng có thể coi đây là một sự kiện lịch sử của nghề luật sư tại Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc cho đến nay, chưa bao giờ có một tổ chức luật sư trên phạm vi cả nước.
Được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện; nhờ việc hội nhập quốc tế, Việt Nam là một thành viên của tổ chức thương mại thế giới- WTO, đã mở ra cơ hội cho nghề luật sư ở Việt Nam phát triển nhanh mạnh chưa từng thấy. Từ chỗ cả nước chỉ có vài ba trăm luật sư, phần đông số đó là những người già về hưu. Chỉ trong thời gian, dăm bảy năm trở lại đây, số lượng luật sư đã lên tới năm nghìn người, trong số đó có nhiều luật sư trẻ được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã có Đoàn luật sư. Ngày nay Tổ chức luật sư Toàn quốc được thành lập quả thực là một dấu ấn trọng đại của giới luật sư Việt Nam.
Ngày 16 tháng 1 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc. Nội dung Đề án đã chỉ rõ yêu cầu của việc thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc.
– Phải phù hợp với thông lệ nghề luật sư, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
– Phải phù hợp với trình độ phát triển của nghề luật sư, điều kiện kinh tế – xã hội, truyền thống văn hóa và hệ thống tư pháp của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
– Phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các luật sư, bảo đảm tính đại diện cho các Đoàn luật sư đồng thời thể hiện cụ thể nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư.
Để đáp ứng được yêu cầu này, trong những năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo khoa học; nhiều cuộc điều tra xã hội học và nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát ở một số nước.
Quá trình nghiên cứu xây dựng đề án đã diễn ra những cuộc đấu tranh không kém phần gay gắt giữa hai khuynh hướng. Một số người quá thiên về việc quản lý Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư như là việc quản lý một tổ chức hành chính sự nghiệp để dễ bề khống chế sự hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Trái với khuynh hướng này, một số người lại dựa vào đặc thù của nghề luật sư để đòi được độc lập cả với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và không muốn có sự quản lý của Nhà nước đối với Tổ chức XH-NN của luật sư. Cả hai khuynh hướng này đều không thể tồn tại, cuối cùng, một nguyên tắc đúng đắn nhất đã được xác định là “Kết hợp quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của Tổ chức XH-NN của luật sư” như trong Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện nguyên tắc này, Tổ chức XH-NN của luật sư trên phạm vi toàn quốc phải là một cơ quan có tầm cỡ, có đủ uy tín và năng lực để đại diện cho các Đoàn luật sư và các luật sư trong cả nước. Hội đồng luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc. Những người tham gia trong Hội đồng luật sư toàn quốc không chỉ là những người có tâm huyết với nghề luật sư mà còn phải là người có uy tín đối với luật sư, đồng thời là người có vị thế nhất định trong xã hội. Có như vậy tiếng nói của người đại diện cho giới luật sư mới có trọng lượng không chỉ trong nước mà còn cả trong quan hệ quốc tế.
Hội đồng luật sư toàn quốc cũng cần có sự tham gia của nhiều nam, nữ luật sư trẻ có trình độ khoa học pháp lý cao, hiểu biết pháp luật quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, để góp phần vào việc hoạch định phương hướng phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong giai đoạn tới. Có như vậy, đội ngũ luật sư Việt Nam mới từng bước trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đó nâng vị thế của luật sư Việt Nam lên ngang tầm với luật sư các nước trong khu vực và trên thế giới.
Muốn vậy, từ nay đến Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất, các luật sư ở mọi miền đất nước cần dành thời gian, đem hết tâm huyết, trí tuệ của mình tham gia tích cực vào việc chuẩn bị cho Đại hội. Đặc biệt là việc xây dựng Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Điều lệ là một văn kiện có tính chất cương lĩnh của Liên đoàn. Văn kiện này sẽ bảo đảm cho Liên đoàn nói chung, cho các Đoàn luật sư và cho từng luật sư nói riêng hoạt động đúng pháp luật, đúng hướng phát triển lành mạnh và bền vững. Ngoài việc xây dựng Điều lệ, một việc không kém phần quan trọng, đó là việc lựa chọn người xứng đáng, tin cậy có điều kiện để giới thiệu cho Đại hội bầu vào Hội đồng luật sư toàn quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm của Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các ngành các giới trong cả nước, tin tưởng rằng từ nay đến cuối năm 2008, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất sẽ thành công tốt đẹp.
Công ty Luật Dragon