0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Kháng cáo của Bị Hại và Kiến nghị của Luật sư Nguyễn Trung Tiệp được tòa án tỉnh Hưng Yên chấp nhận tuyên hủy bản án sơ thẩm

Ngày 04/9/2019 Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đưa quyết định vụ án xét xử Phúc Thẩm căn cứ đơn kháng cáo của Bị Hại cũng như kiến nghị của Luật sư bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình.

BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ NGƯỜI BỊ HẠI

(Trong vụ án “Vũ Tuấn Anh giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại

Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015” )

 

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử ! ( HĐXX)

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự phúc thẩm hôm nay!

Chúng tôi là Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon – Thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Nhận đơn mời (thuê) luật sư của vợ chồng anh Lê Văn Thành, Nguyễn Ngọc Ánh – người đại diện hợp pháp của cháu Lê Thị Ngọc và chị Đào Thị Chuyên là mẹ đẻ của cháu Nguyễn Thị Trà. Được sự chấp thuận của TAND tỉnh Hưng Yên, chúng tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai gia đình nạn nhân trong vụ án Vũ Tuấn Anh bị VKSND huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên truy tố theo khoản 1 Điều 264 BLHS 2015.

Qua trao đổi làm việc với hai gia đình nạn nhân, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay. Chúng tôi trình bày bản luận cứ bảo vệ với những nội dung, quan điểm pháp lý như sau:

  1. Về tố tụng
  2. về thực nghiệm điều tra

Căn cứ vào hồ sơ tài liệu trong vụ án và lời khai của đại diện 02 gia đình nạn nhân tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy: vụ án không được tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường. Đây là vi phạm về tố tụng theo quy định tại Điều 204 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

 “1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.

Như vậy, vụ án này không được các cơ quan điều tra, VKS huyện Yên Mỹ tiến hành thực nghiệm, dựng lại hiện trường vụ án nhưng lại kết luận về nguyên nhân cái chết của hai cháu Lê Thị Ngọc và Nguyễn Thị Trà do bị tai nạn giao thông là không có căn cứ và không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

  1. về kết luận giám định.

Thứ nhất: về KLGĐ số 3376A và 3386A/C54  ngày 24/6/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: trong mẫu máu của tử thi Nguyễn Thị Trà, Lê Thị Ngọc có tìm thấy chất ma túy MDMA và Methemphetamine; cùng nồng độ Ethanol của Trà là: 56,8 mg/100 ml; của Ngọc là 304, 1 mg/100 ml.

Chúng tôi nhận thấy: các kết luận giám định trên không phù hợp với lời khai của người thân ruột thịt trong gia đình cũng như bạn bè khi tham dự sinh nhật Hà đều khẳng định: trong khi sinh nhật không có ai sử dụng ma túy. Các kết luận giám định 3421, 3422, 3423, 3424/C54 ngày 26/6/2018 của Viện  khoa học hình sự Bộ Công an kết luận về mẫu máu, nước tiểu ký hiệu 01, 02, 03, 04 của của một số người trong sinh nhật Hà như: Đoàn Thị Phương Anh, Đặng Văn Quyền, Nguyễn Văn Lượng, Vũ Tuấn Anh đều không tìm thấy các chất ma túy và sản phảm chuyển hóa của chúng trong mẫu máu và nước tiểu (tức âm tính với ma túy). Đặc biệt Công an huyện Yên Mỹ đã trích xuất được hình ảnh Camera trong phòng hát và tại quán hát Quy cơ cùng bản “Hóa đơn thanh toán” – Bl 229 cho thấy các đồ ăn, uống trong đám sinh nhật Hà diễn ra tại quán Karaoke ở Từ Hồ không có ai sử dụng ma túy.

Thứ hai: về KLGĐ số 3380 + 3416 ngày 23/6/2018 kết luận: Các dấu vết nghi máu trên các ký hiệu H1, H5, H6, H7 gửi giám định là máu người và là máu của Lê Thị Ngọc;  Các dấu vết nghi máu trên các ký hiệu H2, H4 gửi giám định là máu người và là máu của Nguyễn Thị Trà.

Chúng tôi đánh giá cho rằng với nội dung kết luân trên của giám định vên Dương Thị Thu Thủy và Đàm Thị Huệ là không rõ ràng, cụ thể. Bởi không xác định và làm rõ được máu của hai cháu thuộc nhóm máu nào: A, B hay O..cho nên kết luận trên thiếu tính chính xác, chưa đảm bảo tính khách quan để kết luận các vết máu trên các dải tôn hộ lan đó là máu người và là của 02 nạn nhân.

Thứ ba: kết luận giám định 3645/C54 (P3) ngày 03/07/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an – Bl 154 kết luận: “Mảnh nhựa màu đen ghi thu tại hiện trường không phải là mảnh vỡ của xe mô tô BKS số 36M1- 019.15; trên xe mô tô BKS số 36M1- 019.15 không phát hiện thấy dấu vết va chạm với mặt đường bê tông nhựa và phương tiện khác”.

Như vậy mảnh nhựa đen thu được tại hiện trường không phải là linh kiện, phụ kiện liên quan đến chiếc xe máy. Đồng thời, nếu theo kết luận trên chiếc xe không va chạm với mặt đường bê tông nhựa thì đồng nghĩa với việc chiếc xe của hai nạn nhân không tham gia vào đoạn đường ở cầu Yên Phú đó. Nó còn hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung tại phần 2 của kết luận giám định pháp y bổ sung số 3748, 3749/C54 – TT1 ngày 11/7/2018 (tại các Bl 155-160) của Viện khoa học hình sự Bộ Công an như sau:

“Trong trường hợp cơ thể của Lê Thị Ngọc/Nguyễn Thị Trà và đập vào dải tôn hộ lan và đường bên trái hướng Đồng Than đi Yên Phú trong đoạn cách cột cầu Yên Phú từ 78 – 100 m về hướng Đồng Than, bề mặt phía lòng đường của dải tôn hộ lan và/hoặc mặt đường gây được các tổn thương chấn thương sọ – hàm mặt và các vết sây sát da, tụ máu”.

  1. về khám nghiệm hiện trường.

Một là: Sơ đồ hiện trường tại các Bl 21-22; Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 19-20/6/2018 tại các Bl từ 15- 20; Bản ảnh hiện trường số 17-18 Bl 32-33 thể hiện: “vị trí chiếc xe máy cách xa thi thể 02 nạn nhân là 96,5m, xe mô tô được dựng đứng bằng chân chân trống phụ và ở tình trạng tắt máy”. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05/03/2019, bị cáo Vũ Tuấn Anh và người làm chứng là Vũ Văn Duy trả lời câu hỏi của luật sư như sau: “cháu thấy xe mô tô tư thế ngửa vào thành cầu, gần đối diện với camera còn Ngọc và Trà nằm cách đó khoảng gần 100m, chiếc xe ở tình trạng số 0”

Như vậy, lời khai của bị cáo, người làm chứng phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường và các tài liệu khác. Điều này cho thấy sự rất vô lý là: nếu có va chạm xảy ra thì chiếc xe máy phải đổ ngay sát cạnh thi thể 02 nạn nhân trong bán kính 01- 02 m, hoặc có thể theo quán tính 10 – 20m, không thể có chuyện chiếc xe lao theo quán tính gần 100m rồi tự dừng lại. Vì đó là đoạn cầu dốc theo hướng đi lên.

Hai là: bản ảnh số 01, 02, 28, 29 về chiếc xe máy Sirius BKS 36M1 – 01915 cho rằng chiếc xe bị vỡ đèn pha phía trước. Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm hiện trường lại không thu được mảnh vỡ của chiếc đèn pha là điều rất vô lý. Hơn nữa,  chiều cao chiếc xe máy (được tính từ vị trí bánh xe đến đèn pha là gần 1m) lại cao hơn dải tôn hộ lan (có chiều cao 84cm). Đây là sự tỷ lệ nghịch về chiều cao nên chiếc xe máy cho dù có đâm hay va vào dải tôn hộ lan cũng không thể vỡ đèn pha được. Bởi vậy, KLGĐ số 3386 ngày 23/6/2018 của VKHHS BCA cũng không xác thực và phù hợp với thực tế.

Ba là: bản ảnh giám định số 08 – Bl 60 cùng với biên bản khám nghiệm tử thi tại các Bl 43 – 44, Bản kết luận giám định pháp y tử thi 3376 (Bl 134) của Nguyễn Thị Trà cho thấy: vùng nền cổ – vai trái có vết rách ra 11,5 x 2,4cm, sâu 2cm

Lời khai của bà Nguyễn Thị Hòa tại phiên Tòa sơ thẩm như sau: “Lúc khám nghiệm lại ở Văn Lâm thì tôi có được tham gia quan sát từ đầu đến cuối, ngoài những vết thương trên cơ thể còn vết thương mặt, răng của cháu không còn, cổ mõm ngực có vết thương sâu. Theo tôi là vết thương do bị đâm chứ không phải vết thương do tai nạn” (trích Bl 694, trang 19 biên bản phiên Tòa sơ thẩm ngày 5/3/2019).

Như vậy, lời khai của bà Hòa là người làm chứng và những tài liệu nêu trên cho thấy có đủ cơ sở, căn cứ khẳng định: vết thương của Trà ở cổ, vai là do bị người khác dùng vũ khí đâm chứ không phải do bị va chạm vào dải tôn hộ lan gây lên.

Bốn là: Cơ quan tố tụng kết luận cháu Ngọc và Trà chết do tai nạn, gãy một số răng, nhưng khi khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ thì không có mẫu răng của các cháu. Trong khi đó, lời khai của bố mẹ các cháu khẳng định ngay sau khi nhận được tin báo về việc hai cháu chết đã đến ngay hiện trường, chưa thấy hiện trường có gì thay đổi, xáo động. Như vậy, đây không thể là hiện trường nơi xảy ra vụ án tai nạn giao thông được.

  1. về phân công điều tra viên giải quyết vụ án.

Trong hồ sơ vụ án thể hiện một số lời khai có chữ ký và đóng dấu của ông Nguyễn Văn Giang – phó thủ trưởng CQCSĐT Công an huyện Yên Mỹ nhưng ông Giang không phải là người trực tiếp lấy lời khai. Song, vị đại diện VKSND huyện Yên Mỹ là ông Nguyễn Thanh Phúc khi tranh luận với luật sư tại Tòa sơ thẩm cho rằng: “Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy, CQĐT phải lập tức cử người tham gia kịp thời”. Luật sư nhận thấy, việc ông Giang không tham gia vào việc lấy cung mà tự ý đóng dấu vào các bản ghi lời khai/lấy cung là vi phạm vào  Điều178 BLTTHS 2015. Bởi, theo Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là vào ngày 14/8/2018 và Quyết định số 72 ngày 14/8/2018 về việc phân công Điều tra viên, cán bộ điều tra tiến hành điều tra vụ án hình sự do Đại tá Nguyễn Minh Hiền -Thủ trưởng CQCSĐT Công an huyện Yên Mỹ ký, đóng dấu thì chỉ có các ĐTV  Nguyễn Văn Dự, Lưu Văn Trung, Lưu Văn Phúc là được phân công giải quyết vụ án. Trong khi đó tại các Bl 337-340; Bl 345-348; Bl 351-356; Bl 363-386; 416-449 các ĐTV Nguyễn Hữu Cường, Đỗ Văn Thi, Nguyễn Hải Linh, Nguyễn Anh Hào, Nguyễn Thế Anh, Lê Quang Kiên, Phạm Thế Nam, Nguyễn Tất Quang.. không được phân công điều tra vụ án lại tiến hành lấy lời khai rồi ông Nguyễn Văn Giang đóng dấu vào biên bản.Ý kiến trên của ông Phúc phó viện trưởng VKSND huyện Yên Mỹ là mang tính bảo thủ, bao che cho những sai phạm của Công an cùng cấp.

  1. về lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ tuổi vị thanh niên tại Tòa không có người đại diện/giám hộ.

Trong vụ án này có rất nhiều người làm chứng chưa đủ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi). Nhưng tại phiên Tòa sơ thẩm, chỉ có đại diện của bị cáo Vũ Tuấn Anh là bà Vũ Thị Ánh và bà Vũ Thị Hòa là đại diện của Đoàn Thị Phương Anh có mặt. Còn lại những người khác không có người giám hộ đại diện. Nhưng phiên Tòa sơ thẩm ngày 5/3/2019 vẫn tiến hành xét xử, mặc dù luật sư đã đề nghị phải có đại diện của họ. Như vậy, việc thẩm vấn/xét hỏi công khai tại Tòa đã vi phạm quy định khoản 2 Điều 421 BLTTHS 2015 như sau:

“2.Việc lấy khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự”.

  1. về đưa cơ quan bảo hiểm xã hội làm người có QLNVLQ vụ án.

Theo lời khai của chị Vũ Thị Ánh có trong hồ sơ vụ án và tại phiên Tòa thể hiện: Chị Ánh mua chiếc xe máy Sirius màu trắng xám – BKS 36M1-019.15 của chị Bùi Thị Tố ở khu 4, thị trấn Thường Xuân,  huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Chị Tố có tham gia mua bảo hiểm thời hạn từ ngày 10/01/2018 đến 10/1/2019 của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long, Giấy chứng nhận số XM – BB 0757168.

Như vậy, khi chị Tố đã chuyển nhượng lại xe máy và các giấy tờ liên quan cho chị Ánh thì thuộc quyền sở hữu chị Vũ Thị Ánh. và phát sinh trách nhiệm/nghĩa vụ của Cơ quan bảo hiểm đối với chiếc xe. Luật sư đã đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Cơ quan bảo hiểm là đối tượng chịu trách nhiệm dân sự đối với chiếc xe mô tô do cháu Ngọc điều khiển làm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, để giải quyết vụ án cho khách quan, toàn diện đúng pháp luật. Nhưng đã không được TAND huyện Yên Mỹ chấp thuận. Tại trang 15 bản án sơ thẩm số 16/2019/HSST ngày 5/3/2019 của TAND huyện Yên Mỹ còn nhận định rằng: “Việc CTCP Bảo hiểm Bảo Long vào tham gia tố tụng trong vụ án này là không cần thiết, khi nào một trong các bên tranh chấp thì có quyền khởi kiện thành một vụ án độc lập, nên HĐXX không chấp nhận các ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện của người bị hại và người đại diện của người có quyền lợi NVLQ”.

Như vậy, với quan điểm giải quyết trên của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Yên Mỹ là tách riêng vụ án dân sự và không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Long đã vi phạm nghiêm trọng việc giải quyết bồi thường dân sự làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đại diện gia đình hai nạn nhân.

  1. Về nội dung vụ án

 Việc truy tố tội danh không đúng

Chúng tôi không đồng tình với Cáo trạng số 81/QĐ – VKS – YM ngày 2/11/2018 của VKSND huyện Yên Mỹ truy tố bị can Vũ Tuấn Anh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015. Bởi hành vi của “Vũ Tuấn Anh (tức Mạnh) mặc dù biết rõ cháu Lê Thị Ngọc sinh năm 2004 chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe mô tô, đã sử dụng rượu bia, nhưng Vũ Tuấn Anh vẫn đồng ý đưa chìa khóa cho Ngọc mượn chiếc xe mô tô biển số 36M1 – 019.15 để trở Nguyễn Văn Duy về nhà. Sau đó, Ngọc tiếp tục điều khiển xe chở Nguyễn Hương Trà”  (trích trang 10 Cáo trạng).

Như vậy, trong vụ án này, xuất phát từ việc Vũ Tuấn Anh giao xe trái phép cho người chưa đủ tuổi vị thành niên, không đủ điều kiện tham gia giao thông. Dẫn đến, khi Lê Thị Ngọc điều khiển xe chở Nguyễn Thị Trà xảy ra tai nạn, cả hai đều bị tử vong. Đây là nguyên nhân trực tiếp, có quan hệ nhân quả trong sự việc.

Vì thế, việc VKSND huyện Yên Mỹ chỉ truy tố Vũ Tuấn Anh theo khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 là không thỏa đáng, không đúng người đúng tội. Bởi, hậu quả trong vụ án là 02 nạn nhân đều chết, cho nên phải xử lý trách nhiệm hình sự Vũ Tuấn Anh theo điểm a khoản 2 Điều 264: “a. làm chết 02 người”.

  1. việc đi đường ngược chiều của 02 nạn nhân

Chúng tôi đã khảo sát thực tế tại địa điểm quán hát karaoke nơi 02 cháu cùng các bạn tổ chức sinh nhật. Theo đó, từ quán hát đến cầu Yên Phú có 03 hướng đi, ánh sáng từ đèn đường rất kém. Như vậy, theo tâm lý và hướng thuận lợi nhất, Trà, Ngọc là các cô gái đang lớn sẽ đi theo hướng từ quán hát về cầu Yên Phú là gần nhất. Hơn nữa, lúc đó vào ban đêm, hai cháu không thể đi vào đường nhỏ qua gầm cầu vừa xa vừa tối. Do đó, không thể xảy ra việc hai cháu đi ngược chiều (để lấy chìa khóa) như nhận định của CQĐT Công an. Vậy, căn cứ vào đâu, Công an huyện Yên Mỹ đưa ra kết luận cho rằng Trà, Ngọc đi ngược chiều trên cầu Yên Phú khi không có người làm chứng, không có hình ảnh Camera. Điều này, có đủ sức thuyết phục không, khi các giả thiết đều không có căn cứ chứng minh.

  1. việc giải quyết khiếu nại

Sau khi Công an huyện Yên Mỹ ra kết luận và quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hai gia đình nạn nhân khiếu nại trực tiếp đến VKSND huyện Yên Mỹ và VKSND tỉnh Hưng Yên nhưng hai cơ quan này đều cho rằng Công an huyện Yên Mỹ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo đó, hai gia đình nạn nhân tiếp tục có văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể là ngày 18/09/2018 Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có văn bản số 2067 gửi Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) – VKSND Tối Cao với nội dung:

“Xét thấy đơn trên là khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra chuyển đơn đến Vụ 12 – VKSND tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật./.”

Như vậy, với phiếu chuyển đơn trên của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, việc kiến nghị/khiếu nại của hai gia đình phải có cơ sở, căn cứ mới chuyển đến Vụ 12 của VKSND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

  1. Lập vi bằng về nick facebook

Tại phiên Tòa sơ thẩm Vũ Tuấn Anh có thừa nhận có sử dụng mạng xã hội Fb với nick name là “Tuấn Con”; Người làm chứng Nguyễn Thị Hà sử dụng nick fb là “Hà Bé”, Đoàn Thị Phương Anh dùng nick “Tũn Nô Bi”. Trong biên bản kểm tra nội dung trong nick Fb của Công an huyện Yên Mỹ, Đoàn Thị Phương Anh có khai:

“Nick Fb “Tũn Nô Bi”  tôi sử dụng từ ngày 01/4/2018 đến nay. Trong thời gian tôi sử dụng thì chỉ có mình tôi sử dụng, tôi có đăng  một số bài viết về việc tôi có mâu thuẫn với anh  Hiếu, sinh năm 2000 ở xã Ông Đình – Khoái Châu – Hưng Yên là bạn trai cũ của tôi”.

Ngày 01/7/2019, anh Lê Văn Thành là bố đẻ của cháu Lê Thị Ngọc đã đến Văn Phòng Thừa phát lại quận Hà Đông đã tiến hành lập vi bằng số 361/2019/VB-TPLHĐ về việc ghi nhận sự kiện, hành vi sử dụng điện thoại Iphone 5s để mở ứng dụng Fb với tên tài khoản đăng nhập là “Thành Lê”. Bằng tài khoản fb cá nhân của mình, ông Thành vào mục tìm kiếm gõ từ khóa “Tũn nô bi Hưng Yên”, sau đó nhấn chọn vào một tài khoản cá nhân mang tên “Tũn nô bi”. Tại dòng thời gian ngày 22/6/2018 của trang fb cá nhân “Tũn nô bi” có comentt của tài khoản Ánh Phương như sau:

“Em à ! Lời xin lỗi giá trị nhất của em là em khai ra hung thủ giết người chết bạn e đi. Đòi lại công bằng cho bạn. Em đủ lớn đủ hiểu biết rồi mà phải không. 02 bạn của em cần em lên tiếng lắm. Mong em suy nghĩ kỹ rồi khai ra hung thủ em nhé”.

Tại dòng thời gian ngày 21/7/2018, nick fb “Tũn nô bi” có đăng trạng thái: “Tao vẫn là tao và tất cả đã đi vào dĩ vãng và im lặng”

Tài khoản Đinh Xuân Sinh có tương tác như sau: “Em chạy trốn do bản năng sinh tồn là không xấu. Nhưng im lặng trước linh hồn của hai bạn và sự đau lòng của gia đình 02 bạn ấy là điều vô cùng tàn nhẫn. Nếu hôm đó người chết là em thì em có thấy đau lòng cho cha mẹ và thấy phẫn nộ với đứa nhìn thấy mọi việc nhưng im lặng không? Tin anh đi, em sẽ chẳng bao giờ lặng tâm được cho tới cuối đời nếu im lặng và sau khi vượt qua nỗi sợ hãi. Đừng sợ những kẻ đe dọa em vì chúng có nhiều thứ để mất hơn em đó. Cố lên anh tin là em làm được”.

Như vậy, với việc Đoàn Thị Phương Anh thừa nhận nick Fb của mình là “Tũn nô bi” tại Công an huyện Yên Mỹ và việc anh Thành đã tiến hành lập vi bằng để xác nhận nội dung sự kiện, hành vi về trang cá nhân này. Luật sư cho rằng Phương Anh có liên quan và biết về cái chết của 02 cháu Lê Thị Ngọc, Nguyễn Thị Trà, nhưng chưa được điều tra mở rộng làm sáng tỏ nội dung vụ án. Đây là một tình tiết mới và chứng cứ mới có đủ cơ sở pháp lý để HĐXX cấp phúc thẩm hủy bản án yêu cầu điều tra, xem xét lại.

  • Đề nghị của luật sư:

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: VKSND huyện Yên Mỹ và bản án của tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ chỉ đưa ra truy tố Vũ Tuấn Anh theo khoản 1 Điều 264 BLHS là không đúng người đúng tội. Việc điều tra cấp sơ thẩm là không đầy đủ.Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Vì vậy, Luật sư đề nghị HĐXX tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên cấp Phúc Thẩm xem xét toàn bộ nội dung vụ án một khách quan, toàn diện cùng những phân tích, đánh giá trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm. Qua những phần trình bày nêu trên, luật sư đề nghị như sau:

– Đề nghị HĐXX áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b, c khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại.

 Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư bào chữa:  Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp.

Công ty Luật Dragon