Khánh Trắng
“Trắng”, tên thật là Dương Văn Khánh, là một nhân vật cầm đầu băng đảng xã hội đen gồm 19 tội phạm khét tiếng Hà Nội trong những năm cuối của thế kỷ 20. Khánh bị bắt, đem ra xét xử, bị lãnh án tử hình năm 1997.
Theo bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm thì Khánh “Trắng” phạm 4 tội: giết người, cướp tài sản công dân, trốn thuế và che giấu tội phạm. Khánh phải nhận án tử hình và phải nộp cho Nhà nước gần 3,9 tỷ đồng, trong đó có hơn 3,5 tỷ đồng tiền phạt, 350 triệu đồng tiền thuế, tiền án phí, bồi thường cho các bị hại…[1].
Khánh “Trắng” có vẻ ngoài nho nhã, thư sinh song lại được xem là một sát thủ máu lạnh đội lốt một ông đội trưởng bốc xếp. Với vẻ ngoài hào hoa lịch lãm và làm nhiều công tác từ thiện đều là để che mắt thiên hạ[2].
Tuy nhiên, Khánh “Trắng” từng có lần bị tạt acid cực nặng và vụ này do trùm dao búa Nguyễn Việt Dũng ở Hải Phòng thực hiện. Giới giang hồ đồn đại rằng: theo đơn đặt hàng của trùm Dũng, đàn em của Dung Hà từ Hải Phòng lên Hà Nội tạt acid Khánh Trắng, đội trưởng đội bốc xếp chợ Đồng Xuân. Thế nhưng, sau khi bỏ cả núi tiền chữa sẹo mà không hết, Khánh vẫn không dám dọa hoặc chơi lén lại Dũng[3].
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội (C14), Bộ Công an chính là Trưởng ban chuyên án vụ bắt trùm tội phạm Khánh “trắng” và đồng đảng ở Hà Nội năm 1996[4]. Ông Quắc cho rằng, xét về mặt tổng kết các nghiệp vụ của ngành công an, thì vụ án băng nhóm của Khánh “trắng” vẫn là một cái mốc quan trọng đánh giá sự tiến hóa nguy hiểm của tội phạm hình sự ở Việt Nam, từ chỗ hoạt động theo kiểu các ổ nhóm nhỏ lẻ bắt đầu liên kết với nhau thành những băng nhóm tội phạm quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ với các hoạt động bảo kê, móc nối theo kiểu xã hội đen, đâm thuê chém mướn và đòi nợ thuê.
Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng” (Kỳ 1)
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ở Hà Nội tồn tại một băng tội phạm khét tiếng, gây nhiều tội ác. Cầm đầu băng tội phạm này là Dương Văn Khánh, SN 1956, biệt danh Khánh “trắng”.
Dưới vỏ bọc ông chủ nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân, liên tục từ năm 1991 đến tháng 5-1996, Khánh “trắng” và đàn em đã gây ra nhiều vụ giết người, hiếp dâm, cướp, trốn thuế… Phần lớn các vụ này, Khánh “trắng” giữ vai trò chỉ đạo, đồng thời là kẻ thực hiện tội phạm một cách tích cực nhất. Khánh “trắng” dùng tiền để tạo mối quan hệ khá thân với một số đơn vị, cá nhân để hợp pháp hóa tội ác của mình. Ngày 13-10-1998, bản án tử hình Dương Văn Khánh đã được thi hành tại trường bắn Cầu Ngà. Đã hơn mười năm kể từ ngày “tập đoàn” tội phạm này bị xóa số nhưng tính thời sự của vụ án vẫn còn nguyên.
Kỳ 1: Một “tập đoàn” có… thương hiệu
Đồng Xuân – chợ đầu mối sầm uất nhất Hà Nội, nơi nuôi sống hàng ngàn tiểu thương. Việc buôn bán đang suôn sẻ thì Khánh “trắng” cùng đám đàn em xuất hiện. Kể từ đó, tiểu thương bị chèn ép đủ bề, họ không được phép vận chuyển chính hàng của mình vào chợ mà phải thuê quân của Khánh “trắng” với giá trên trời. Ai muốn bán hàng phải làm đơn “xin phép” Khánh. Ngang ngược hơn, Khánh còn cho đám đàn em bắt, thu tiền phạt của những ai vi phạm Nghị định 36CP của Chính phủ!
Làm trùm một cõi
Bố của Khánh có ba bà vợ, mẹ Khánh cũng có ba ông chồng. Vì vậy anh em nhà Khánh mang ba dòng họ khác nhau. Theo tự khai của Khánh thì bên họ Dương – Khánh có 11 anh chị em cùng bố khác mẹ, Khánh là con út. Anh em cùng mẹ khác cha thì Khánh có tám anh em, y là con đầu. Anh em cùng bố với Khánh đều là những trí thức, làm ăn tử tế. Khi bố Khánh còn sống, dòng họ Dương không thừa nhận y là con trong gia đình. Từ nhỏ, Khánh sống với mẹ và các em cùng mẹ khác cha tại 26B Kim Mã, gia đình khó khăn, thường xuyên phải nhận trợ cấp của nhà nước. Khánh có bốn anh em trai cùng mẹ thì ba trong số đó nhiều lần bị bắt, tập trung cải tạo về các tội trộm cắp, cố ý gây thương tích… Khánh học hết lớp 5 thì bỏ học, năm 1975 đi làm công nhân Nhà máy Cao su Sao Vàng được tám tháng thì bỏ việc. Cái tên Khánh “trắng” đơn giản chỉ bắt nguồn từ nước da quanh năm suốt tháng trắng bủng của y và sau này, trong giới giang hồ, cái tên ấy đi kèm với một loạt những tội ác mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng khiếp sợ. Giang hồ đất Bắc mỗi lần nhắc đến Khánh “trắng” đều ngán ngại.
Sau nhiều lần ra tù vào khám với năm tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xe xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê. Không chỉ liều mạng, đám giang hồ Hà Nội lúc ấy còn biết đến Khánh “trắng” như một tay dao búa thông minh, có tài chỉ huy và đầy tham vọng. Khánh chiêu nạp được một đám đàn em “mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự” như Sơn “lùn”, Đức “chính ủy”, Thành “xăm”, Triệu “con”; Nguyễn Quang Vinh… Ngày 17-7-1991, Khánh làm đơn xin thành lập đội dịch vụ bốc xếp tự quản, số thành viên ban đầu là 140 người, với 50 chiếc xích lô.
Ban đầu, đội dịch vụ bốc xếp này làm ăn khá tử tế, đã từng có ý kiến của lãnh đạo chính quyền sở tại khi ấy rằng, cần phải nhân rộng mô hình tự quản này. Số người xin gia nhập tổ tự quản ngày càng tăng. Đến khi thấy chợ Đồng Xuân vẫn là mảnh đất quá bé để làm ăn, Khánh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra khu vực chợ Bắc Qua và các khu vực khác. Với bản chất lưu manh, lại nắm trong tay khá đông thành phần bất hảo nên tiếng tăm của băng nhóm Khánh “trắng” nổi như cồn, làm cho các băng nhóm khác trên địa bàn Hà Nội, thậm chí ở Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh cũng phải e dè, kiêng mặt. Đến năm 1996, Dương Văn Khánh chính thức trở thành Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân. Khi ấy quân số của nghiệp đoàn bốc xếp đã lên khoảng 500 người. Tiểu thương chợ Đồng Xuân và các chợ lân cận thường thấy hình ảnh một ông chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp đi xe jeep cùng với vài tên vệ sĩ mặt mày bặm trợn lượn vè vè quanh khu vực chợ Đồng Xuân để thị sát. Khánh “trắng” còn tự ý phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng, lề đường, thu lệ phí của những người ở tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên. Khánh cũng đưa ra luật: không ai được phép bốc dỡ hàng hóa của mình, bất kể khối lượng lớn hay bé. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em cũng đều phải nộp lại cho y. Hằng ngày, ngoài tổ trưởng, tổ phó (hầu hết là đám giang hồ cộm cán) phải làm báo cáo cho Khánh thì các “tay trong” do Khánh cài cắm cũng gửi báo cáo bí mật cho y.
Chợ Đồng Xuân – nơi Khánh “trắng” làm mưa làm gió
Tiểu thương nào không chịu cho quân của Khánh “trắng” bốc hàng, y như rằng bị đám tay chân của hắn cà khịa, hành hung. Chính Khánh “trắng” sau này đã thừa nhận, đội quân của mình “vác” thì ít mà “bốc” thì nhiều. Vừa vác hàng chúng vừa tổ chức lấy cắp, thậm chí cướp ngay trước mặt chủ hàng mà không ai dám ho he. Những năm đó, tiểu thương chợ Đồng Xuân bị băng nhóm của hắn o ép đủ đường, ai muốn làm ăn yên ổn thì phải ngoan ngoãn tạo điều kiện cho chúng “làm việc”. Anh Tân ở phố Hàng Cót, có vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Một hôm hàng về, anh Tân tự bốc dỡ giúp vợ. Không ngờ đàn em của Khánh “trắng” ra đòi vợ anh phải thuê chúng bốc vác. Anh Tân không đồng ý nên xảy ra cãi vã. Sáng hôm sau, có kẻ lạ mặt đến trước nhà gọi anh ra. Khi anh vừa xuất hiện trước cửa thì bị kẻ lạ mặt đâm chết. Kẻ thủ ác đã không được tìm ra nhưng sau vụ ấy, bà con tiểu thương xanh mặt khi thấy đội quân của Khánh xuất hiện đòi bốc vác thuê. Không ai bảo ai, họ nem nép bỏ tiền ra thuê bốc vác, dù trong lòng căm hận Khánh “trắng” và đám đàn em của hắn đến tận cùng.
Tiếng tăm Khánh “trắng” được bà con truyền tai nhau kiểu như: Khánh quan hệ với nhiều quan chức, xe lam của Khánh chở hàng được CSGT cho tha hồ chạy, nếu chẳng may bị tuýt còi thì chỉ cần nói “hàng của anh Khánh” là lại ung dung đi tiếp. Có lần công an vây bắt đàn em trong một vụ gây rối, Khánh điềm nhiên nói: “Tao cho chúng mày về vườn hết!”. Điều đó cũng lý giải vì sao cho tới khi được Công an TP. Hà Nội và đơn vị Chống tội phạm có tổ chức mời tới trụ sở để cung cấp thông tin cũng như tố cáo hành vi phạm tội của băng Khánh “trắng”, nhiều nạn nhân vẫn lắc đầu quầy quậy. Họ sợ bị trả thù, và còn có một nỗi lo sợ mơ hồ rằng: “Công an không làm gì nổi Khánh “trắng””. Công an đã “gãy lưỡi” thuyết phục, có nạn nhân mới mạnh dạn bày tỏ: “Băng Khánh “trắng” không khác gì các băng đảng mafia ở nước ngoài. Chúng tổ chức cướp hàng mấy tiếng đồng hồ giữa ban ngày ngay gần trụ sở chính quyền mà có sao đâu”. Cho đến khi xảy ra vụ hắn giết chết anh Đạt, Khánh “trắng” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì hắn đã khẳng định được “thương hiệu” của mình tại chợ Đồng Xuân. Cũng từ đó, hắn thẳng tay bóc lột mọi người. Các hàng quán từ lớn tới bé đều phải nộp tiền bảo kê hàng ngày cho hắn. Khánh và đàn em thích vay của ai bao nhiêu, trả khi nào, cho bao nhiêu lãi, là quyền của hắn. Tiểu thương nào không chịu, lập tức bị quấy phá. Thỉnh thoảng Khánh còn bày trò sắp xếp lại chỗ ngồi, ai muốn có chỗ tốt hơn thì phải chi tiền. Theo tính toán sơ sơ thì từ năm 1993 cho tới khi bị bắt, mỗi tháng Khánh thu không dưới 100 triệu đồng cho riêng mình.
Vào vòng ngắm
Chuyên án triệt phá băng xã hội đen Khánh “trắng” không phải được bắt đầu từ ngày 25-6-1996, ngày hắn tổ chức cướp ở nhà hàng, khách sạn 71D-E Kim Mã, do anh Vũ Thanh Mạnh làm chủ, mà trước đó, từ năm 1992, băng nhóm tội phạm này đã nằm trong vòng ngắm của đơn vị Chống tội phạm có tổ chức thuộc Cục CSHS – Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Công an Hà Nội. Ngày ấy, Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng CSHS, Công an Hà Nội đã thu thập khá đầy đủ tài liệu về Khánh “trắng”. Cục CSHS đã tung những trinh sát dày dạn kinh nghiệm để nghiên cứu những vụ việc có liên quan đến Khánh.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc – người chỉ huy bắt Khánh “trắng”
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, nguyên Phó trưởng phòng 3, Cục CSHS – Bộ Công an, một người gắn liền với những chuyên án lớn như triệt phá băng tội phạm Phạm Chí Tin ở Khánh Hòa, bắt Năm Cam năm 1995… Chuyện bắt Năm Cam của đại tá Ngọc vẫn được nhiều người nhắc đến như một kinh điển trong việc bắt tội phạm truy nã. Năm 1995, cơ quan Công an quyết định bắt Nam Cam đưa đi cải tạo lao động. Thấy động, Năm Cam chuồn êm khiến công an mất rất nhiều công sức mà không lần ra nơi Năm Cam ẩn náu. Dước mác “đặc phái viên của Chính phủ”, anh Ngọc lang thang khắp các chốn ăn chơi để “móc nối” với đám đàn em của Năm Cam. Thấy ông công an ăn nói bất cần đời, ăn mặc bụi bặm, đàn em Năm Cam đoán ông này chắc là mất chất, có thể mua được. Anh Ngọc giả bộ chơi bài ngửa: “Chúng mày muốn cứu anh Năm thì đưa đến gặp tao”. Ngay ngày hôm sau, đám đàn em đưa Năm Cam đến khách sạn đối diện với trụ sở cơ quan CSĐT, Bộ Công an ở TPHCM để gặp “đặc phái viên của Chính phủ”. Nhìn tấm ảnh chân dung Năm Cam đã ố, không thể nhận diện một cách chính xác, đại tá Ngọc nghĩ ra một kế và nói: Chú Cam có nhiều tội lắm, bây giờ cứ viết một bản tường trình để tôi xem có cách nào cứu được không. Thế là Năm Cam viết tường trình ngay. Trong bản tường trình, Năm Cam lại quên không khai tên một cô con gái. Để cho chắc đó chính là Năm Cam, đại tá Ngọc hỏi: “Sao lại khai thiếu thế này?”. Năm Cam đọc lại và xác nhận: “Đúng là còn đứa nữa mà em quên”. Vậy là đúng Năm Cam rồi, đại tá Ngọc bảo mấy tên đàn em Năm Cam: về chuẩn bị tiệc rượu trước đi, cả đám răm rắp làm theo. Chỉ còn hai người trong phòng, đại tá Ngọc mới đưa cho Năm Cam chiếc còng số tám và bảo: “Chú gây nhiều tội, hôm nay anh phải bắt chú, tự khóa tay vào đi!”. Sau khi bắt Năm Cam, đại tá Ngọc trở ra Hà Nội cùng đồng đội triển khai kế hoạch phá băng Khánh “trắng”. Khi ấy, tin tức mà lực lượng Công an nắm được liên quan đến Khánh “trắng” và tập đoàn tội ác của hắn thông qua ba nguồn chính: một là, bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên và các vùng lân cận rất sợ Khánh “trắng”; hai là, một số cán bộ, viên chức Nhà nước có việc liên quan cần giải quyết cũng e dè băng tội phạm này; ba là, một vài vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu liên quan tới Khánh “trắng” đã bị chìm xuồng. Cần phải dựng một cách rõ nét nhất bộ mặt thật của Khánh “trắng” và đàn em để tìm ra điểm nút phá án. Thực tế, tầm của Khánh “trắng” không bằng Năm Cam, nhưng Khánh nguy hiểm hơn ở chỗ, lợi dụng cơ chế chính sách để phạm tội gần như công khai. Trên mười hồ sơ vụ án có liên quan đến băng xã hội đen do Dương Văn Khánh cầm đầu đã được đặt lên bàn làm việc của những đồng chí lãnh đạo trong lực lượng công an. Điển hình như vụ giết chết anh Đạt ở Hàng Chiếu; vụ Dương Tử Anh (người tình của Phúc “bồ”) bị đâm mù một mắt ở chợ Long Biên; vụ hiếp dâm ở nhà nghỉ Hiệp Thành (Gia Lâm); vụ đưa 30 đầu gấu vào TP. Hồ Chí Minh để gây thanh thế với băng Trương Văn Cam và hàng loạt vụ bắn giết khác trên địa bàn Hà Nội. Với quyết tâm của lực lượng công an, giờ phút trả giá của Khánh “trắng” và đồng bọn đang đến thật gần.
Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng” (Kỳ 2)
Chiều 24-5-1996, lệnh bắt giữ Khánh “trắng” và đàn em của Khánh được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn chưa kịp ráo mực, lực lượng công an đã tổ chức bắt giữ trùm xã hội đen Hà Nội ngay tại nhà riêng của Khánh ở số nhà 31/10 phố Nguyễn Thiệp.
Vụ cướp giữa ban ngày
Điểm đột phá mà lực lượng công an chọn để mở màn cho chuyên án là vụ cướp ở 71D-E Kim Mã. Dương Văn Khánh quen biết anh Vũ Thanh Mạnh, trú tại 71D-E Kim Mã, Ba Đình. Anh Mạnh kinh doanh vũ trường và karaoke. Năm 1994, anh Mạnh vay của Dương Văn Đích 400 triệu đồng, giữa năm 1995 vay của Khánh “trắng” 105 triệu đồng, đầu năm 1996 vay của Trần Văn Minh (em ruột cùng mẹ khác cha với Khánh) 10 triệu đồng và một số người khác nữa. Hàng tháng, anh Mạnh vẫn trả một phần tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ nên ngày 4-5-1996, anh Mạnh đã mời các chủ nợ đến bàn cách trả nợ và xin khất nợ, cuộc họp này có cả Khánh “trắng”. Chính Khánh là người đứng ra yêu cầu các chủ nợ cho anh Mạnh thời hạn đến ngày 30-8-1996 mới phải trả một số tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tối 21-5-1996, Khánh lấy lý do anh Mạnh không chịu trả nợ, lại đem tài sản đi tẩu tán nên đã cử hai tên đàn em thân tín nhất là Nguyễn Quang Vinh và Tạ Văn Ninh lên 71D-E Kim Mã để thị sát trước. Rạng ngày 22-5-1996, Khánh “trắng” ra chợ Long Biên điều động hơn chục tên đàn em trong tổ kiểm tra trật tự, sử dụng ba xe ôtô vận tải và xe máy lên Kim Mã để “xiết nợ” nhà anh Mạnh.
Bọn đàn em của Khánh đến nhà anh Mạnh nhưng anh này không có nhà, chúng tự động vào quầy bar của quán karaoke lấy bia ra uống. Khi anh Mạnh đi ăn sáng về, chúng điện báo cho Khánh “trắng” đang chờ ở nhà để Khánh xuống ngay Kim Mã trực tiếp chỉ huy cướp phá. Anh Mạnh trình bày hoàn cảnh với Khánh “trắng” để xin khất nợ nhưng y không nghe, tuyên bố thu dọn toàn bộ tài sản. Thấy có nhiều đồ đạc, tài sản, Khánh điện thoại về chợ Đồng Xuân điều thêm 20 quân và một xe ôtô tải lên Kim Mã tiếp tục tháo dỡ, khuân vác, vận chuyển về chợ Đồng Xuân, nhà riêng của Khánh ở 31/10 Nguyễn Thiệp, hội trường chợ Long Biên và nhà em rể.
Tài sản của khách sạn Hướng Dương bị Khánh “trắng” cho quân cướp về
Sau khi tháo dỡ đồ đạc ở 71D Kim Mã, Khánh cho quân tiếp tục cướp phá tài sản ở khách sạn Hướng Dương 71E Kim Mã, chủ sở hữu là anh Vũ Hoàng Hiệp và anh Phạm Hải Long. Mặc dù cả ba anh Mạnh, Hiệp, Long đều trình bày, tài sản của khách sạn Hướng Dương không có liên quan gì đến anh Mạnh, nhưng Khánh và đồng bọn không nghe. Chúng ép nhân viên và các anh Hiệp, Long phải ngồi yên một chỗ, không được ra ngoài. Toàn bộ tài sản, đồ đạc, phương tiện trong hai căn nhà 71D và 71E Kim Mã bị chúng đục phá thu dọn hết. Trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 đến 13 giờ 30, Khánh đã huy động gần 40 tên đàn em, bốn xe ôtô tải để cướp phá tài sản của những người nói trên.
Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi băng nhóm Khánh “trắng” đã lấy xong toàn bộ tài sản, Công an phường Kim Mã mới cử cán bộ xuống mời anh Mạnh cùng Khánh và các chủ nợ khác lên làm việc. Tại trụ sở công an, Khánh đã ép anh Mạnh phải ký biên bản thoả thuận tự nguyện để Khánh và đồng bọn lấy đồ trừ nợ. Vụ việc này, Công an phường Kim Mã đã lập biên bản để các bên… tự giải quyết sau khi việc đã xảy ra!
Sáng 24-5-1996, Dương Văn Khánh, Đoàn Ngọc Anh, Trần Văn Minh biết cơ quan công an (Đội CSHS đặc nhiệm Công an Hà Nội) xác minh sự việc nên đã hẹn anh Mạnh đến xưởng sửa chữa ôtô Dân Chủ của Dương Văn Đích, bắt viết giấy biên nhận nợ Trần Văn Minh 250 triệu, không còn nợ Khánh, Ngọc Anh, Dũng, Đích nữa và trả lại toàn bộ tài sản cho các anh Hiệp, Mạnh, Long.
Đánh rắn dập đầu
Ngay sau khi sự việc xảy ra, một cuộc họp khẩn đã được triệu tập với thành phần gồm cơ quan CSĐT Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công an Hà Nội. Cuộc họp đánh giá những chứng cứ đã thu thập được để đưa ra kết luận: Khánh “trắng” và đồng bọn có phạm tội cướp hay không. Các thành viên tham gia đều thống nhất hành vi của Khánh “trắng” và đồng bọn là cướp tài sản. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các cán bộ chỉ huy hạ quyết tâm: đánh rắn phải đánh dập đầu, phải bắt giam ngay Khánh “trắng”, từ đấy đánh quật trở lại những vụ do chúng đã gây ra. Mục tiêu là phải tóm gọn, không để tên nào chạy thoát. Đây có thể coi là một cuộc họp đặc biệt, vì sau khi đã thống nhất ý kiến, các thành viên tham gia họp ở yên tại chỗ, lệnh bắt Khánh “trắng” được ký ngay tại cuộc họp.
Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm của Công an Hà Nội, Bộ Nội vụ được triệu tập ngay nhưng không ai biết nhiệm vụ cụ thể là gì. Nhiều mũi công tác được lệnh xuất kích cùng lúc, mục tiêu là bắt tất cả những đối tượng liên quan. Một tổ công tác gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chỉ huy đến thẳng nhà Khánh “trắng” ở 31/10 Nguyễn Thiệp, Hà Nội. Tuy nhiên, khi cuộc họp đặc biệt còn chưa kết thúc, đại tá Ngọc đã nghĩ ra một kế rất đơn giản nhưng hiệu quả, đó là tung tin bắt Khánh “trắng” với một số đối tượng có thâm thù với Khánh nhưng vẫn đảm bảo bí mật. Đám giang hồ nghe Khánh “trắng” sắp bị bắt thì mừng lắm, chúng kéo nhau đến phố Nguyễn Thiệp để chứng kiến ngày mà kẻ thù không đội trời chung phải trả giá. Thấy đám giang hồ tụ tập rất đông gần nhà mình, Khánh “trắng” cứ nghĩ chúng đến để tính sổ với mình. Vì đã từng bị đối thủ tạt cả ca axít vào mặt nên Khánh “trắng” rất cảnh giác. Hắn huy động gần 20 đàn em trung thành và liều mạng nhất đến nhà mình để bảo vệ. Vậy là cơ quan công an không cần tốn quá nhiều công mà vẫn gom được hết đám “đầu lĩnh” của băng giang hồ này. Khi đại tá Ngọc bước vào cửa nhà Khánh, Hùng “Thanh Hoá” – một đệ tử thân tín của Khánh đứng ra chặn lại nhưng bị hạ ngay lập tức. Đã biết tiếng Ngọc “điếu” (đám giang hồ thường gọi đại tá Nguyễn Hữu Ngọc là Ngọc “điếu”), Khánh “trắng” và đám đàn em ngồi im re, ngoan ngoãn tra tay vào còng.
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bao vây nhà Khánh “trắng”
Đây là một thắng lợi lớn và được coi là một kỷ lục trong phá án. Hai mươi điều tra viên, ba mươi trinh sát chỉ trong một thời gian ngắn đã nghiên cứu và thu thập trên 4.000 trang hồ sơ về Khánh “trắng” và đàn em. Trước đó, một tổ công tác đặc biệt gồm bốn người đã nằm gần sáu tháng trời tại khu vực chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân để ghi nhận các hoạt động của tay chân Khánh “trắng”.
Tuy nhiên, làm rõ các hành vi phạm tội khác của Khánh “trắng” là không đơn giản, vì nghiên cứu những vụ án mà Khánh “trắng” và đồng bọn đã gây ra, lãnh đạo Cục CSHS và đơn vị Chống tội phạm có tổ chức nhận thấy, những vụ này xảy ra đã lâu, nhiều vụ đã được Công an Hà Nội điều tra, nhưng đã đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, có vụ đã xử và đã thi hành án xong. Vì thế, việc phục hồi điều tra những vụ này là một việc vô cùng khó khăn phức tạp. Đó là chưa kể tới các yếu tố khác chi phối việc điều tra của công an…
Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng” (Kỳ cuối)
Sau khi bắt giữ Khánh “trắng”, bên cạnh việc tập trung lực lượng điều tra làm rõ các hành vi phạm tội của Khánh và đồng bọn, Ban chuyên án cũng chỉ đạo làm rõ nguồn gốc tài sản mà Khánh “trắng” đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp.
Kỳ cuối: Kiếm tiền bạc tỷ không cần nộp thuế
Khởi sự từ năm 1989 với chiếc xích lô cà tàng, chỉ sau 6-7 năm làm “ông chủ chợ”, Khánh đã có bốn ngôi nhà, hai xe ôtô và nhiều tài sản có giá trị khác. Mỗi lần “đi họp”, Khánh “trắng” đều cưỡi chiếc xe Camry mới coóng màu trắng. Vào thời điểm đó, chiếc xe này thể hiện “đẳng cấp” chủ nhân của nó. Rất giống với các băng đảng xã hội đen ở nước ngoài, Khánh “trắng” biết dùng bạo lực để kiếm tiền rồi sử dụng tiền vào các hoạt động kinh tế dưới các danh nghĩa hợp pháp, đồng thời tiến hành từng bước các hoạt động chính trị – xã hội.
Những mánh khóe để trở thành tỷ phú
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, năm 1989, sau khi đi tù, tập trung cải tạo về, Khánh “trắng” vẫn còn làm nghề đạp xích lô ở khu vực gầm cầu Long Biên để kiếm ăn hằng ngày. Nhưng từ đây, y đã tập hợp được đám đàn em khoảng ba chục tên, đều là dân tiền án, tiền sự làm nghề đạp xích lô kiếm sống. Cũng vào thời điểm này, ở địa bàn chợ Đồng Xuân, Bắc Qua và khu vực xung quanh hình thành nhiều băng nhóm khác nhau làm nghề đạp xích lô và bốc xếp hàng hóa. Khi đã có lực lượng, Khánh bắt đầu tranh giành địa bàn, gây ảnh hưởng đến các khu vực khác ngoài khu vực gầm cầu như chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Trần Nhật Duật, Hàng Chiếu… Đầu năm 1991, lợi dụng chủ trương lập lại trật tự vận chuyển bốc xếp hàng hóa ở chợ Đồng Xuân của UBND phường Đồng Xuân, Khánh “trắng” xin phép thành lập đội trật tự – dịch vụ bốc xếp tự quản chợ Đồng Xuân và ngày 1-1-1991, UBND phường Đồng Xuân ra quyết định số 74 thành lập đội này và chỉ định Dương Văn Khánh làm đội trưởng, các đội phó là Nguyễn Văn Sơn (Sơn “lùn”), Nguyễn Văn Tuân (Dũng “béo”) đều là những tay chân thân cận của Khánh “trắng”.
Theo quyết định của UBND phường Đồng Xuân thì đội phải chịu sự chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của UBND phường và chịu sự điều hành, giám sát trực tiếp của Ban chỉ huy Công an phường Đồng Xuân, hoạt động theo kế hoạch, quy chế của phường và theo sự hướng dẫn của các ngành cấp trên. Ngày 14-3-1992, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định cho Dương Văn Khánh được đứng tên giấy phép kinh doanh dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại chợ Đồng Xuân, là một đơn vị kinh tế tập thể, hạch toán độc lập và mở tài khoản tại ngân hàng. Đến tháng 10-1992, tổ chức Công đoàn và lao động đội bốc xếp Đồng Xuân được thành lập. Đến năm 1993 đổi tên thành Nghiệp đoàn lao động theo chủ trương của Liên đoàn lao động quận Hoàn Kiếm. Đây là tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh đầu tiên được thành lập tại Hà Nội. Khánh “trắng” được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn kiêm đội trưởng đội bốc xếp.
Tuy là danh nghĩa tập thể đội bốc xếp và nghiệp đoàn lao động nhưng lợi dụng sơ hở trong quản lý của các cấp chính quyền và ngành chức năng ở phường, quận, Khánh đã lợi dụng các danh nghĩa tập thể này để tạo thành vỏ bọc nhằm thực hiện nhiều hành vi phạm pháp. Khánh biến các đội viên thành những người lao động làm thuê, làm giàu bất chính cho Khánh. Bóc lột sức lao động của họ, lương, thưởng, phạt cho người lao động do y tự quy định, chèn ép khách hàng. Khánh “trắng” tự ý đặt ra các loại giá dịch vụ buộc các tổ lao động phải tuân theo và hàng ngày phải nộp tiền cho y. Dưới sự chỉ đạo của Khánh, bọn đàn em buộc khách hàng và bà con buôn bán ở chợ Đồng Xuân phải chấp nhận giá vận chuyển, bốc xếp do chúng tự đặt ra. Thậm chí chúng còn không cho phép bà con mang vào chợ hàng hóa của chính mình.
Sau khi cháy chợ Đồng Xuân năm 1994, địa bàn hoạt động bị thu hẹp, việc tranh giành chợ tạm Phùng Hưng với Phúc “bồ” không có kết quả, Khánh “trắng” đã xâm lấn sang địa bàn bến xe và chợ Long Biên của Hùng “cuba”. Ban đầu hai bên còn thương lượng nhưng Hùng “cuba” không chấp nhận. Khánh “trắng” đã dùng thủ đoạn cho tay chân, đàn em của mình trong đội dịch vụ bốc xếp Đồng Xuân đón chặn tất cả các ngả đường, đầu nguồn vào chợ Long Biên và bến xe, buộc các chủ hàng phải cho chúng vận chuyển, làm cho Hùng “cuba” không còn nguồn hàng hóa để bốc xếp vận chuyển, buộc phải dâng địa bàn cho Khánh “trắng” và được Khánh cử làm đội phó (trên danh nghĩa) và ăn lương tháng như những người lao động khác. Để hợp pháp địa bàn hoạt động, Khánh cho phát triển tổ chức công đoàn ở đội bốc xếp của Hùng “cuba” và cho sáp nhập hai tổ chức công đoàn này thành: Nghiệp đoàn bốc xếp – vận chuyển chợ Đồng Xuân – Long Biên. Khi đã có vỏ bọc, Khánh “trắng” dùng mọi thủ đoạn để thao túng một số cán bộ, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Kể từ khi Chính phủ có Nghị định 36/CP, Khánh “trắng” cho đàn em thành lập một tổ kiểm tra trật tự trong đội bao gồm những tên là đàn em, tay chân thân cận chuyên đi phạt bà con buôn bán, chủ hàng ra vào khu vực chợ Đồng Xuân – Long Biên mà chúng cho là “vi phạm Nghị định 36”, mức phạt do chúng tự đặt ra, tiền thu được đều nộp cho Khánh. Không những thế, Dương Văn Khánh còn khuếch trương thanh thế qua một số hoạt động từ thiện bằng chính nguồn tiền lấy được của người lao động để phục vụ danh lợi cá nhân của mình. Do vậy, đã không ít người lầm tưởng Khánh “trắng” là người tốt, là nhà hảo tâm, thậm chí có lúc, có người còn gọi Khánh là “đồng chí”. Trong vụ cướp ở phố Kim Mã, một lãnh đạo Liên đoàn lao động quận còn làm văn bản gửi cấp trên với nội dung: “Dương Văn Khánh không phạm tội cướp mà chỉ là xiết nợ”.
Nghĩ mình đã có “địa vị”, từ năm 1992 đến năm 1994, Khánh “trắng” không hề nộp một khoản thuế hoặc phí nào cho phường, quận. Cho đến khi Chi cục Thuế Hoàn Kiếm yêu cầu Khánh phải khai báo doanh thu và nộp thuế cho nhà nước thì Khánh mới cho người khai báo và nộp thuế lấy lệ cho Chi cục Thuế Hoàn Kiếm. Còn địa bàn Long Biên, Khánh không khai báo và cũng không nộp thuế.
Cụ thể, từ năm 1994 đến tháng 5-1996, Khánh khai báo doanh thu với Chi cục Thuế Hoàn Kiếm là: 743.943.000 đồng, Khánh chỉ nộp tổng số thuế doanh thu và lợi tức trong ba năm là 62.874.000 đồng. Trong khi đó, khám xét nhà Dương Văn Khánh, cơ quan điều tra thu được những chứng từ, tài liệu chứng minh doanh thu của Khánh chỉ trong tám ngày là 109.683.000 đồng. Tính trung bình doanh thu của Khánh trong một ngày là gần 14 triệu đồng. Tháng 9-1996, Chi cục Thuế Hoàn Kiếm kiểm tra giám sát doanh thu của đội bốc xếp sau khi Khánh “trắng” bị bắt, mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn thu được 20 triệu đồng tiền thuế.
Tại cơ quan điều tra và theo tài liệu tính toán của Cục Thuế Hà Nội (chỉ căn cứ vào doanh thu do Khánh khai) thì từ năm 1992 đến tháng 5-1996, tổng doanh thu của Khánh là 5.570.000.000 đồng. Như vậy, Khánh đã gian dối không khai báo doanh thu là 4.826.057.000 đồng và đã trốn hai khoản thuế rất lớn là thuế doanh thu và thuế lợi tức là 350.844.800 đồng.
Hành vi trốn thuế của Dương Văn Khánh lý giải phần nào việc Khánh xuất phát điểm từ một kẻ đạp xích lô, chỉ trong 6 – 7 năm, Khánh đã trở thành tỷ phú, tài sản có bốn ngôi nhà, hai xe ôtô và nhiều tài sản có giá trị khác. Chính vì vậy, hình phạt của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đối với Khánh về trội trốn thuế là: 3.508.448.000 đồng ngoài số tiền Khánh trốn thuế phải truy thu: 350.844.800 là hoàn toàn xứng đáng.
Cũng như các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước ngoài, bọn Khánh “trắng” đã biết dùng bạo lực để kiếm tiền rồi dùng chính những đồng tiền bẩn đó trong các hoạt động kinh tế dưới các danh nghĩa hợp pháp. Có thể nói rằng, với một cái đầu tinh quái, Khánh “trắng” là một trong những kẻ giang hồ xảo quyệt nhất trong việc sử dụng bạo lực và kinh tế hòng thực hiện tội phạm và trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Thật may là những chiếc vòi bạch tuộc của Khánh “trắng” khi đang vươn ra, nhăm nhe tiến đến các hoạt động chính trị – xã hội thì bị chặt đứt, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường.
Thẻ đoàn viên khống tìm thấy trong nhà Khánh “trắng”
Đền tội
Các điều tra viên kể rằng, những ngày cuối Khánh ăn chay thường xuyên để sám hối. Cách hôm bị thi hành án khoảng một tháng, Khánh viết thư về dặn vợ rất kỹ chuyện lập bàn thờ cho mình và dặn chỉ một mình vợ mới được đèn nhang thờ cúng Khánh hàng ngày. Khánh dặn vợ phải cho các con học hành chu đáo, đừng để chúng phải chịu thiệt thòi như tuổi thơ của Khánh. Có hai đồ vật Khánh luôn giữ bên người được gọi là bùa hộ mệnh, đó là chiếc dây chuyền bằng kim loại mạ vàng đã ngả màu và một vòng chỉ ngũ sắc. Khánh luôn nghĩ những món đồ này sẽ mang đến may mắn nên thường mang theo bên mình.
Đúng 5 giờ sáng 13-10-1998, đoàn xe giải hai bị án Khánh “trắng” và Thắng “trố”, đứa em cùng mẹ khác cha với Khánh về tới Trại tạm giam Hà Nội. Phần thủ tục diễn ra nhanh chóng. Ngay sau đó, Khánh được ăn bữa cuối cùng và viết thư cho vợ con. Nhưng Khánh không ăn bữa cuối cùng gồm xôi và gà luộc mà gói lại gửi về cho vợ con. Cùng lúc này, Thắng “trố” cũng đang làm nốt những thủ tục cuối cùng trước hội đồng thi hành án, khép lại những chuỗi ngày đen tối của một tập đoàn tội ác lộng hành, gây nhức nhối dư luận một thời.
Vanphongluatsu Dragon St