Là bị cáo, và có thể là bị hại
Văn phòng luật sư Dragon Hà Nội – Vụ án Nguyễn Đức Hiển phạm tội “Cố ý gây thương tích” kéo dài từ tháng 7/2010 cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Những người dân xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm vẫn đang nóng lòng chờ xem Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm sẽ đưa ra phán quyết như thế nào? Bị cáo Nguyễn Đức Hiển sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự ra sao khi mà đang mắc bệnh tâm thần do chính hành vi của người bị hại gây ra. Còn người bị hại liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự và trở thành bị cáo hay không?
Trở lại câu chuyện cũ xảy ra vào ngày 19/07/2010 tại Xóm 7 xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội,Nguyễn Đức Hiển, sinh năm 1976 và Nguyễn Đức Thuận, sinh năm 1970 vốn là hàng xóm của nhau. Trước khi xảy ra sự việc, hai bên gia đình cũng đã có mâu thuẫn với nhau nhưng đã được chính quyền địa phương giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, vào ngày 19/07/2010 sau khi đi ăn sáng về, đi qua nhà Nguyễn Đức Thuận, Hiển và Thuận có nói chuyện với nhau. Do có hơi men trong người, lại bị vợ chồng Thuận khích bác, chửi bới, Hiển sinh ra bực tức và quay về lấy dao chạy sang nhà anh Thuận. Cuộc hỗn chiễn đã xảy ra và kết cục là cả Hiển và Thuận đều phải đưa đi cấp cứu. Họ cùng được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu và cả hai cùng nằm trong một phòng.Nguyễn Đức Thuận sau khi được các bác sỹ khám , sơ cứu đã xin chuyển viện về Đức Giang điều trị ngay trong chiều hôm đó còn Nguyễn Đức Hiển phải ở lại phẫu thuật vì bị chấn thương sọ não.
Sự việc đáng tiếc xảy ra ngày hôm đó, phía gia đình Nguyễn Đức Hiển không ai được chứng kiến nên họ hoàn toàn không biết sự việc diễn ra như thế nào? Đối với họ, niềm đau trước mắt là người con, người chồng, người cha vốn dĩ khỏe mạnh nay bỗng dưng trở nên ngớ ngẩn, người thân của mình cũng không nhận ra.Hiển đã bị tâm thần từ đó.
Theo Bản kết luận giám định pháp y ngày 08/09/2010 thì tỷ lệ thương tật của người bị hại Nguyễn Đức Thuận là 31,9%, tỷ lệ thương tật của bị cáo Nguyễn Đức Hiển là 36,5%. Nguyễn Đức Hiển đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự còn Nguyễn Đức Thuận – người gây thương tích cho Hiển thì không bị khởi tố vì cơ quan điều tra cho rằng hành vi của anh Thuận là phòng vệ chính đáng.
Nếu như sự việc chỉ dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói cả vì ai cũng nghĩ rằng Hiển gây ra thương tích cho Thuận thì đương nhiên Hiển phải chịu trách nhiệm hình sự còn hành vi của Thuận gây thương tích cho Hiển đã được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng thì Thuận không phải chịu trách nhiệm mà chỉ việc chờ tiền bồi thường của bị cáo mà thôi.
Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Khi tiếp cận hồ sơ, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Hiển đã nhận thấy hồ sơ có sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các chứng cứ không được thu thập đầy đủ, khách quan. Lời khai của các nhân chứng mâu thuẫn theo từng thời điểm. Các luật sư đã nhận định: Nếu cứ theo hồ sơ như thế thì không tòa nào dám xử.
Sau khi gửi Công văn kiến nghị, các luật sư đã có những buổi ngồi trao đổi quan điểm với thẩm phán phụ trách vụ án về những vấn đề cần làm rõ trong vụ án.
Ngày 28/9/2011, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã mở phiên tòa xét xử. Tại phiên tòa này sau phần thẩm vấn công khai, Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với hai nội dung:
Thứ nhất, đề nghị áp dụng điểm i khoản 1 Điều 104 – Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đức Hiển;
Thứ hai, cần phải truy tố anh Nguyễn Đức Thuận theo Điều 105- Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên sau khi nhận Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Quyết định số 18/2011/HSST-QĐ ngày 28/9/2011), Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đã ra Công văn số 424/CV-VKSGL-HS ngày 12/10/2011 với nội dung vẫn giữ nguyên quan điểm như đã truy tố tại bản Cáo trạng số 127/QĐ-KSĐT ngày 08/08/2011.
Ngày 30/11/2011, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã mở phiên tòa lần thứ hai để xét xử bị cáo Nguyễn Đức Hiển. Tại phiên tòa này, Tòa án lại tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.(Quyết định số 20/2011/HSST-QĐ ngày 30/11/2011). Trong Quyết định này hai nội dung được Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát làm rõ:
Thứ nhất, truy tố anh Nguyễn Đức Thuận theo khoản 1 điều 105- Bộ luật hình sự;
Thứ hai, đề nghị sao bệnh án của người bị hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đã ra Công văn số 507/CV-VKSGL-HS ngày 12/12/2011để trả lời Tòa án. Viện kiểm sát cho rằng việc truy tố bị hại Nguyễn Đức Thuận là không có căn cứ cũng như việc sao chụp hồ sơ bệnh án của người bị hại là không cần thiết.
Đến phiên tòa lần thứ ba, ngày 16/1/2012, sự việc càng trở lên phức tạp hơn. Lời khai của phía bị hại và nhân chứng mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với chính lời khai trước đây của họ tại cơ quan điều tra.Vậy đâu là sự thật?
Lại một lần nữa Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Quyết định số 02/2012/HSST- QĐ ngày 16/1/2012). Tại Quyết định này Tòa án đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm thực hiện hai việc
Một là, phải truy tố anh Nguyễn Đức Thuận theo khoản 1 Điều 105- Bộ luật hình sự;
Hai là, đề nghị sao bệnh án của người bị hại Nguyễn Đức Thuận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Tuy nhiên, lần thứ ba nhận Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng là lần thứ ba Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm vẫn bảo lưu quan điểm của mình tại Công văn số 26/CV-VKSGL- HS ngày 20/1/2011.
Chính sự thiếu trách nhiệm của cơ quan công tố đã dẫn đến việc vụ án kéo dài mà không thế xử được. Viện kiểm sát cho rằng không thể sao chụp được hồ sơ bệnh án của người bị hại và việc sao chụp này cũng không cần thiết.
Trước sự “vô tâm” của cơ quan công tố, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình- bị cáo Nguyễn Đức Hiển một lần nữa các luật sư phải vào cuộc để đi tìm sự thật khách quan của vụ án.
Sau khi sao chụp được Hồ sơ bệnh án của bị hại Nguyễn Đức Thuận tại Bệnh viện Hữu nghi Việt Đức, sự thật trở nên rõ ràng hơn. Có thể nói đây là chứng cứ mới mà trước đây Cơ quan điều tra đã không thu thập được. Theo như Trích sao bệnh án và Giấy chứng nhận thương tích của bị hại Nguyễn Đức Thuận tại Bệnh viện Việt Đức (Nơi khám chữa bệnh ban dầu) thì bị hại chỉ bị ba vết chém ở đầu ngoài ra không có vết thương vỡ xương quai hàm.
Vấn đề đặt ra, liệu rằng vết thương vỡ xương quai hàm của người bị hại có phải do bị cáo Hiển gây ra không hay trong khoảng thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, vì một lý do nào đó anh Thuận bị vỡ xương quai hàm thì sao. Tại Hồ sơ bệnh án của bị hại Nguyễn Đức Thuận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thể hiện khá rõ tình trạng lúc vào viện anh Thuận chỉ bị ba vết chém trên đầu ngoài ra không có vết thương nào khác. Tình trạng khi ra viện mới thấy ghi có vết thương vỡ quai hàm.
Với chứng cứ này liệu rằng bị cáo Nguyễn Đức Hiển có phải chịu trách nhiệm theo Khoản 3- Điều 104- Bộ luật hình sự hay chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1- Điều 104- Bộ luật hình sự ?
Tại phiên tòa ngày 12/04/2012, hồ sơ bệnh án của bị hại Nguyễn Đức Thuận đã được cung cấp và một lần nữa Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Quyết định số 05/2012/HSST- QĐ ngày 12/04/2012).
Đây là lần thứ tư hồ sơ vụ án được trả cho Viện kiểm sát.
Với chúng cứ mới là Hồ sơ bệnh án của bị hại Nguyễn Đức Thuận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đã nhận lại hồ sơ và ra quyết định chuyển về cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm để điều tra bổ sung.
Trong vụ án này, Nguyễn Đức Hiển vừa là bị cáo, vừa là bị hại. Dư luận đang nóng lòng chờ xem kết quả giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Gia Lâm.
Công ty luật Dragon
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình e) Có tổ chức g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Tuy nhiên theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) thì những trường hợp cố ý gây thương tích quy định tại khoản 1 Điều 104 nói trên chỉ bị xử lý hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. |
---|