Luật sư “Nới” tiêu chuẩn luật sư?
Văn phòng luật sư tại Hà Nội – Bộ Tư pháp nhận định tiêu chuẩn để trở thành luật sư (theo quy định của Luật Luật sư) hiện chưa thu hút được nhiều người có năng lực. Bên cạnh đó, không có giải pháp cụ thể cho các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp. Sửa đổi Luật Luật sư tới đây liệu sẽ khắc phục tình trạng này?.
Luật sư phát triển mất cân đối Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: số lượng luật sư phát triển chưa cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du. Đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì số lượng luật sư quá ít dẫn đến tình trạng nhiều vụ án phải hoãn hoặc kéo dài.
Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố với hơn 6.000 luật sư và hơn 3.000 người tập sự hành nghề luật sư, tăng hơn 200% so với trước khi Luật Luật sư năm 2006 có hiệu lực. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư cũng tăng đáng kể, từ 995 tổ chức năm 2006 lên hơn 2.600 tổ chức năm 2010. Hoạt động luật sư ngày góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.
Về chất lượng, một bộ phận luật sư còn hạn chế về kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học. Trên thực tế, vẫn phải thuê luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài cung cấp dịch vụ pháp lý trong một số vụ việc có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Tư pháp có khoảng trên 1/3 số lượng luật sư hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề.
Cơ chế thu hút người có trình độ
Một trong những bất cập theo quy định của Luật Luật sư là về tiêu chuẩn trở thành luật sư (trong đó bắt buộc phải có bằng cử nhân luật). Theo Bộ Tư pháp, quy định như hiện tại “chưa thu hút được nhiều đối tượng có năng lực trở thành luật sư, tuy nhiên, không có giải pháp cụ thể cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp”. Vì lý do này, đến nay vẫn còn Lai Châu không thể thành lập đoàn luật sư, vì chưa có đủ 3 người theo quy định.
Cũng trong tình trạng thiếu “đầu vào”, Sở Tư pháp Hà Giang mạnh dạn đề nghị Bộ Tư pháp cho phép các cán bộ đã nghỉ hưu mà trước đó đã làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, nhưng chưa có bằng cử nhân Luật (có Bằng Trung cấp An Ninh, Kiểm sát…) được hành nghệ luật sư trên địa bàn.
Dự án Luật Luật sư sửa đổi dự kiến sẽ sửa đổi quy định về tiêu chuẩn luật sư. Theo đó, ngoài quy định có bằng cử nhân luật, có thể nghiên cứu để thu hút những người tốt nghiệp Đại học chuyên ngành khác như Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát, Đại học Kinh tế, Đạo học Ngoại thương, Đại học ngoại giao… có thể được xem xét cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, đối với những đối tượng không có bằng cử nhân luật sẽ phải có quy định về việc học một số tín chỉ về pháp luật.
Dự án Luật cũng dự kiến sẽ quy định lại thời gian tập sự hành nghề và quy định để người tập sự được tham gia thực sự vào quá trình hành nghề, sẽ có quy định ràng buộc đối với người tập sự để không chỉ nâng cao chất lượng tập sự mà còn bảo đảm quyền, lợi ích của khách hàng. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng luật sư, Luật sửa đổi sẽ quy định nâng kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thành kỳ thi quốc gia dành cho luật sư. Chỉ những người nào qua kỳ thi quốc gia này mới được xem xét công nhận trở thành luật sư.
Tỷ lệ luật sư nước ta trung bình là 1 luật sư/15.088 người dân, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000, Nhật Bản là 1/4.546, Pháp là 1/1.000, Mỹ là 1/250. Hiện nay, số lượng luật sư ở Việt Nam phát triển chưa cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du.
Văn phòng luật sư Dragon
(Nguồn: Bộ Tư pháp)