Luật sư có vai trò rất lớn trong việc góp phần mang lại sự công bằng xã hội
Đó là vị luật sư khá nổi tiếng bởi ông không chỉ có kiến thức sâu rộng về pháp luật mà còn được trời phú cho tài hùng biện với một chất giọng vang, ấm, truyền cảm. Tôi đã dự nhiều phiên toà có ông tham gia. Phải nói rằng, khi nghe ông trình bày luận cứ bào chữa, cả phòng xử án im phăng phắc. Mọi người đều thừa nhận, đây là một luật sư có “khẩu khí”. Đương nhiên, rất nhiều thân chủ mời ông bảo vệ cho họ và với công việc này, thu nhập của ông cũng rất cao. Âu đó cũng là điều bình thường.
Nhưng có một chuyện không biết có bình thường không với vị luật sư này. Cách đây không lâu, một vụ án xôn xao dư luận chuẩn bị đưa ra xét xử. Ông chủ động liên hệ với gia đình bị cáo, nói rằng sẽ bào chữa miễn phí cho bị cáo vì ông đã nghiên cứu rất kỹ vụ án, có thể đưa ra những luận điểm đầy thuyết phục tại phiên toà. Với luận điểm đó, bị cáo sẽ được cân nhắc về những tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình. Các đồng nghiệp của ông bảo với tôi rằng, đây chỉ là cách để luật sư “đánh bóng” tên tuổi của mình. Rằng ở đời, đâu phải ai cũng cần miễn phí. Với những gia đình có điều kiện, họ sẽ trả thù lao thoả đáng cho luật sư bởi đơn giản là họ không muốn nợ ai một việc gì.
Sau hai ngày, qua tìm hiểu, gia đình bị cáo đã từ chối lời đề nghị của luật sư vì một số lý do tế nhị. Ngay sau đó, vị luật sư của chúng ta quay ngoắt sang bào chữa cho bên bị hại khi họ yêu cầu vì luật sư đã quả quyết: Nếu ông bào chữa, bị cáo của vụ án chắc chắn sẽ phải nhận hình phạt thích đáng bởi hành vi rất nghiêm trọng và không được hưởng những tình tiết giảm nhẹ!
Tôi tình cờ biết được thông tin này trước ngày xét xử vụ án. Thú thật, không biết bạn đọc nghĩ gì sau khi đọc những dòng chữ trên, còn tôi, tôi cảm thấy thật sự buồn và thất vọng!
Những phiên toà vẫn diễn ra tại các phòng xử án vào mỗi ngày. Nơi đó, bi kịch của con người được bộc lộ đến tận cùng. Rất nhiều nước mắt, cả những nụ cười nữa. Có thể có phiên toà có luật sư, có thể không. Và tại những phiên toà bắt buộc phải có luật sư theo quy định của pháp luật, có gia đình mời, có gia đình không có điều kiện mời nhưng phiên toà vẫn diễn ra với sự tham gia của luật sư chỉ định.Tôi muốn dành đôi dòng để nói về những luật sư này. Mức bồi dưỡng cho luật sư chỉ định tại những phiên toà này chẳng thấm tháp vào đâu giữa thời buổi trượt giá, nhưng tôi vẫn thấy họ thường xuyên đến toà, đọc từng trang hồ sơ, ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ và đến khi mở phiên toà, họ đã trình bày bản luận cứ của mình một cách chi tiết và đầy trách nhiệm.Tất nhiên, với những luật sư đó, họ có thể không cần đầu tư nhiều thời gian, sức lực cho một công việc mà biết chắc thù lao chưa tương xứng, nhưng họ vẫn làm, để nâng cao trình độ, tích luỹ kinh nghiệm và quan trọng hơn, tất cả đều xuất phát từ lương tâm của con người.Một luật sư gần 10 năm gắn bó với nghề và từng làm luật sư chỉ định cho rất nhiều phiên toà đã nói với tôi: Trong cuộc sống, tiền bạc rất cần, nhưng mình cứ mải miết chạy theo cơn lốc kiếm tiền đến một lúc nào đó, chắc chắn sẽ chồn chân và ngã quỵ. Làm nghề, rất cần cái mà chúng ta vẫn gọi là cảm xúc nghề nghiệp. Tôi luôn xác định việc nào cũng là việc và làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bởi điều tôi lo sợ nhất chính là mình bị chai lỳ, bào mòn cảm xúc. Những người nghèo, họ cũng là con người, rất cần được bảo vệ và nếu việc bào chữa thành công, đó là niềm hạnh phúc của một luật sư!
Thỉnh thoảng, tôi lại nghe tin luật sư này “chạy án”, luật sư kia bị bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ, môi giới hối lộ mà thấy đau xót. Họ là những người am hiểu pháp luật, quá biết những việc không được làm, vậy mà vẫn làm. Và điều tôi mong muốn từ bài viết này chính là việc luật sư không chỉ rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp mà còn thường xuyên trau dồi các kỹ năng hành nghề bởi họ cũng có một sứ mạng cao cả như bất kỳ một công việc nào trong xã hội. Song, đặc thù của công việc chính là góp phần mang lại sự công bằng để xây dựng một xã hội kỷ cương, văn minh. Đó là một đặc ân mà bất cứ luật sư nào cũng có quyền tự hào!
Theo ANTG
Van phong luat su, luat su dragon