Luật sư có quyền xem biên bản nghị án?
Vấn đề đặt ra là: Biên bản nghị án có phải là tài liệu mật của tòa án nhân dân? Luật sư có quyền xem, ghi chép, sao chụp?
Từ thực tiễn…
Để chuẩn bị tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm dân sự ở Khảnh Hòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự đăng ký xem, sao chụp hồ sơ vụ kiện. Tuy nhiên, thẩm phán thụ lý giải quyết phúc thẩm vụ kiện không cho luật sư Hà Nội xem, sao chụp biên bản nghị án của hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, với giải thích: biên bản nghị án của HĐXX cấp sơ thẩm là tài liệu mật của tòa án nhân dân (TAND). Việc đánh giá tính hợp pháp của biên bản nghị án thuộc thẩm quyền của viện kiểm sát và HĐXX.
Để việc áp dụng pháp luật tố tụng được thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tranh tụng các vụ án, luật sư đã đề nghị Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Luật sư không có quyền được ghi chép và sao chụp biên bản nghị án sơ thẩm?
Ngày 09/01/2017, Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản trả lời luật sư về việc kiến nghị (xem) sao chụp biên bản nghị án của HĐXX sơ thẩm. Theo TAND tỉnh: biên bản của HĐXX sơ thẩm là tài liệu thuộc danh mục bí mật do ngành TAND quản lý, luật sư không có quyền được ghi chép, sao chụp bởi căn cứ khoản 2 Điều 76 và khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này”.
TAND tỉnh Khánh Hòa viện dẫn khoản 1 Điều 3 Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của ngành TAND ban hành kèm theo Quyết định số 12/2004 ngày 12/8/2004 của Chánh án TAND tối cao gồm: những thông tin có nội dung được quy định tại Quyết định số 01/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 05/01/2004 về danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành TAND và Quyết định số 30/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 08/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành TAND.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 30/2004/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành TAND thì “quan điểm của các thành viên trong HĐXX của các cấp tòa án khi nghị án” là những tin trong danh mục bí mật độ mật của ngành tòa án. Như vậy, biên bản của HĐXX sơ thẩm là tài liệu thuộc danh mục bí mật do ngành TAND quản lý, luật sư không có quyền được ghi chép, sao chụp.
“Biên bản nghị án” khác “biên bản thể hiện quan điểm nghị án”!
Theo một số luật sư giỏi tại Hà Nội cho rằng, quá trình nghiên cứu hồ sơ, tranh tụng các vụ án dân sự, hành chính, kể cả án hình sự thông thường, luật sư được xem, sao chụp biên bản nghị án sơ thẩm, bởi biên bản nghị án của tòa án cấp sơ thẩm trong giai đoạn phúc thẩm không phải là tin mật hoặc tài liệu mật. Việc không cho luật sư xem, sao chụp tài liệu này sẽ ảnh hưởng đến quyền của luật sư và nội dung tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm về tính hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo…
Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 30/2004/QĐ-BCA quy định: Quan điểm của các thành viên trong HĐXX của các cấp tòa án khi nghị án là tài liệu mật.
Có ý kiến cho rằng biên bản nghị án khác biên bản thể hiện quan điểm nghị án của các thành viên HĐXX. Trong thực tiễn xét xử sơ thẩm, có những tình huống thẩm phán chủ tọa phải lập biên bản ghi nhận quan điểm của các thành viên trong HĐXX. Đó là khi các thành viên HĐXX không thống nhất quan điểm về kết quả phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phải ghi nhận ý kiến đó lại để báo cáo cấp trên.Tài liệu này không được lưu trong hồ sơ vụ án và được đóng dấu mật.
“… quá trình nghiên cứu hồ sơ, tranh tụng các vụ án dân sự, hành chính, kể cả án hình sự thông thường, luật sư được xem, sao chụp biên bản nghị án sơ thẩm, bởi biên bản nghị án của tòa án cấp sơ thẩm trong giai đoạn phúc thẩm không phải là tin mật hoặc tài liệu mật.”
Đồng tình quan điểm này, có chuyên gia nhận xét quy định nói trên của Bộ Công an là không sai, bởi quan điểm của thành viên HĐXX khác biên bản nghị án. Quan điểm là ý kiến cá nhân của thành viên HĐXX khi thảo luận, có thể coi là tài liệu mật vì nó là bảo vệ bí mật về đường lối xét xử cho đến khi HĐXX ra quyết định. Còn biên bản nghị án là nghị quyết của HĐXX biểu quyết về kết quả phiên tòa sau khi thảo luận xong, không ai coi đó là tài liệu mật vì nó nằm trong hồ sơ vụ án, kết quả này sau đó được HĐXX tuyên án công khai. Về hình thức, tài liệu của ngành TAND hay cơ quan hành chính nhà nước được ban hành theo chế độ mật, tối mật hay tuyệt mật đều phải tuân thủ hình thức về tài liệu mật. Cụ thể, quy định này được ghi nhận trong Nghị định số 33/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Khoản 1 Điều 7 Nghị đinh 33/2002/NĐ-CP quy định tài liệu,vật mang bí mật Nhà nước tùy theo mức độ mật phải đóng dấu độ mật. Khoản 2 Điều 7 Nghị định này nói rõ, khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật Nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật của từng tài liệu. Người duyệt ký văn bản phải chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu. Biên bản nghị án không đảm bảo cả nội dung lẫn hình thức về tài liệu mật nên không thể coi đó là tài liệu mật. Về nguyên tắc, nó nằm trong hồ sơ vụ án, khi bản án bị kháng cáo thì luật sư được tiếp cận và sao chụp vì kháng cáo của đương sự liên quan đến kết quả bản án, mà bản án tuyên trên cơ sở biên bản nghị án. Đây là tài liệu mà luật sư có thể đối chiếu để đưa ra lập luận của mình…
Vấn đề này hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau trong đội ngũ thẩm phán và luật sư. Qua diễn đàn luật sư, mong nhận được ý kiến của các chuyên gia để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh rủi ro, pháp lý cho luật sư trong quá trình tranh tụng. Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nghiên cứu để quy định cụ thể trong dự án luật, hạn chế việc ban hành các văn bản dưới luật về hạn chế quyền của luật sư trong tố tụng.
Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội
Tổng đài tư vấn luật trực tuyến – online : 1900 599 979