Công ty luật Dragon tư vấn đơn phương ly hôn
Luật sư – Công ty luật Dragon tư vấn vê Luật hôn nhân và gia đình
Câu hỏi:
Vợ mình có quan hệ ngoại tình với một người đàn ông cùng công ty, đã nhiều lần khuyên bảo nhưng cô ấy vẫn không hề thay đổi. Mình đang muốn đơn phương ly hôn. Mình không biết bây giờ phải làm những thủ tục gì. Mình muốn được tư vấn về vấn đề nuôi con khi ly hôn.
Rất mong được Công ty Luật Dragon giúp đỡ.
Mình xin chân thành cám ơn!
Trả lời:
Công ty Luật Dragon trả lời như sau:
1. Căn cứ cho ly hôn của Tòa án:
Theo điều 89 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 về căn cứ cho ly hôn thì Toà án chỉ xem xét yêu cầu ly hôn và quyết định cho ly hôn khi có đủ các điều kiện sau:
– Tình trạng hôn nhân đã trở nên trầm trọng;
– Đời sống chung không thể kéo dài;
– Mục đích hôn nhân không đạt được.
Theo khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn” và điều 91 về Ly hôn theo yêu cầu của một bên thì : “Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn”.
Như vậy, khi tình trạng cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn thì anh có thể đơn phương gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn của mình.
2. Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:
– Đơn xin ly hôn;
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)…
– Bản sao giấy khai sinh của con.
3. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của anh là tòa án nhân dân cấp huyện nơi chị đang cư trú.
– Trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của vợ anh (bị đơn) thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS). Theo đó, “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 33 BLTTDS quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, nên trường hợp này anh nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi chị vợ cư trú, làm việc cuối cùng (mà anhbiết).
– Lưu ý rằng, theo quy định của Điều 52 Bộ luật dân sự 2005, thì “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này (Điều 52 BLDS) thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.
– Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 58, điểm a, khoản 1 Điều 59 BLTTDS, anh có nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó anh cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về nơi cư trú cuối cùng của chị vợ cho tòa án.
4. Vấn đề nuôi con sau khi ly hôn
Điều 92 Luật HNGĐ quy định: Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi
con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.
5. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:
Điều 92 và 94 Luật Hôn nhân gia đình quy định:
“ Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
6. Về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn
Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình quy định:
“Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã
thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp
dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà Tòa án quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý. Phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng”
Trên đây là một số vấn đề cơ bản liên quan đến yêu cầu của anh.
Để được tư vấn cụ thể mời anh trực tiếp liên hệ với Công ty chúng tôi.
Trân trọng cám ơn!
Công ty luật Dragon