Luật sư được nói và bị cáo được trình bày theo hiến định nguyên tắc tranh tụng
Văn phòng luật sư tại Hà Nội: Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa nguyên tắc tranh tụng vào dự thảo, đây là một điểm mới trong quy định của Hiến pháp rất được sự đồng tình của các chuyên gia pháp luật.
Theo Nghị quyết 08 và sau này là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp nêu rõ tinh thần tôn trọng kết quả tranh tụng, chứng cứ tại tòa. Có nghĩa là, những chứng cứ được đưa ra và tranh tụng tại tòa được đánh giá cao, được làm căn cứ để đưa ra phán quyết hơn là những bản cung, lời khai trong quá trình điều tra.Tinh thần này thể hiện một bước tiến rất dài của công lý, tạo điều kiện cho luật sư tham gia tranh tụng, đặc biệt là bị cáo cũng có quyền được nói, được trình bày để tự bào chữa cho mình.
Trên thực tế, có nhiều phán quyết của phiên tòa không xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa mà căn cứ vào bản cung. Ai có thể đảm bảo được trong quá trình điều tra, cán bộ điều tra làm việc 100% công tâm, đúng pháp luật. Rất có thể xảy ra trường hợp mớm cung, ép cung, thậm chí bức cung nhục hình buộc bị can nhận tội. Trường hợp cán bộ điều tra có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp không phải là ít. Chính vì vậy, lời khai và tranh tụng trước tòa là cơ hội để bị cáo được nói lên sự thật, cung cấp đầy đủ thông tin cũng như phản bác các lời khai trong tình trạng bị ép cung.
Chính vì những người chấp pháp chưa nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của tính công khai cũng như tinh thần dân chủ trong tranh tụng, cho nên khi một bị cáo khai khác với lời khai trong các bản cung trước đó thì bị quy kết rằng “loanh quanh chối tội”. Tại sao lại buộc bị cáo “chối tội” mà không lắng nghe những lời tự bào chữa của bị cáo và của luật sư. Để tìm ra sự thật khách quan của một vụ án, hạn chế tối đa oan sai là phải tạo mọi cơ hội để bị cáo được trình bày, phản biện, đưa ra chứng cứ có lợi cho mình. Nguyên tắc suy đoán vô tội được đặt ra chính là tôn trọng con người, nguyên tắc này còn mang tinh thần nhân đạo, bởi vì nhằm bảo vệ số đông người vô tội hơn là số ít người phạm tội.
Hiến định nguyên tắc tranh tụng còn mang ý nghĩa rất lớn về thực hiện quyền dân chủ của công dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về dân chủ rất đơn giản nhưng đầy tính thuyết phục, đó là: “Dân chủ là để cho dân mở mồm ra nói”. Trong hoạt động xã hội bình thường, công dân có quyền “mở mồm ra nói” để trình bày quan điểm cá nhân, hoặc phản biện quan điểm của cá nhân, tổ chức khác. Vậy thì, đứng trước tòa, để bảo vệ mình, công dân càng phải được “mở mồm ra nói” nhiều hơn, quyền đó càng đòi hỏi được thực hiện cao hơn, bức thiết hơn. Cùng với việc tự bào chữa, bị cáo còn được luật sư tham gia tranh tụng để bảo vệ cho họ. Nếu quyền tranh tụng được tôn trọng, thì luật sư sẽ có điều kiện thể hiện vai trò bào chữa của họ, không phải là những chiếc giá áo để móc những bộ vét tông trang trí cho tòa án.
Trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu không công khai, thiếu tính minh bạch thì sẽ dẫn đến oan sai. Ngược lại, chính sự công khai là cơ sở cho công bằng, công lý. Sinh mạng, sức khỏe, sự tự do và danh dự của công dân là thứ quý giá nhất. Những thứ đó cần phải được tôn trọng, bảo vệ . Và Hiến định nguyên tắc tranh tụng là một cơ sở để xây dựng các quy định và công cụ bảo vệ hiệu quả.
Đúng tinh thần cải cách tư pháp
Theo Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre), trước đây khi soạn thảo BLTTHS 2003, nhiều ý kiến cho rằng nên ghi nhận nguyên tắc này để hoạt động tranh tụng tại tòa sôi nổi hơn và thực sự có chất lượng hơn. Nhưng đáng tiếc là cuối cùng nguyên tắc này đã không được các nhà làm luật ghi nhận. Nay Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa vào thì có thể coi đây là một cuộc cải cách lớn. Một khi đã hiến định nguyên tắc tranh tụng thì BLTTHS và các văn bản luật liên quan sẽ phải sửa đổi theo cho phù hợp. Nguyên tắc này sẽ làm cho nền tố tụng hình sự nước ta tiến bộ hơn và phù hợp với tinh thần của cải cách tư pháp.
Thẩm phán Nguyễn Thái Hiền (Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang) thì cho rằng tăng chất tranh tụng sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng mà không làm mất đi đặc trưng của mô hình tố tụng hiện có. Tranh tụng nâng chất xét xử, mà tòa xét xử tốt thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, bảo vệ sự ổn định của xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Đúng thời điểm
TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương, TP.HCM) nhận xét việc hiến định nguyên tắc tranh tụng trong đợt sửa đổi Hiến pháp lần này là rất đúng thời điểm và mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ về mặt chủ trương thì các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nói từ lâu nhưng chuyển biến thực tế diễn ra khá chậm. Nếu được quy định trong Hiến pháp, hàng loạt các bộ luật, luật, văn bản dưới luật liên quan phải sửa đổi theo cho phù hợp và có giá trị thi hành bắt buộc với các chủ thể tiến hành tố tụng cũng như tham gia tố tụng.
Theo TS Hưng, về mặt pháp lý, nguyên tắc này tạo ra môi trường tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, văn hóa tranh tụng ngày càng tốt và hiệu quả hơn. Từ tòa, VKS cho đến luật sư, bị can, bị cáo đều thấy trách nhiệm của mình trong việc tranh luận để tìm ra bản chất vụ án. Về mặt xã hội, nó tạo ra sự dân chủ trong hoạt động xét xử, tăng niềm tin của người dân về chất lượng xét xử của tòa án.
Luật sư Nguyễn Hải Vân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Về bản chất, việc hiến định nguyên tắc tranh tụng đồng nghĩa với việc nâng cao quyền con người trong tố tụng hình sự. Đó là quyền được bào chữa, được đưa ra lý lẽ, chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ… một cách công khai, minh bạch của bị can, bị cáo. Nó sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật tố tụng, đảm bảo quyền lợi của công dân và làm giảm tiêu cực.
Tranh tụng không chỉ là đối đáp tại phiên tòa