Luật sư giỏi chuyên tranh tụng trong các vụ án hình sự với kỹ năng và thẩm vấn qua tham luận
Bài tham luận của Luật sư Hoàng Huy Được tại Hội thảo Kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự
Trước khi đi sâu phân tích kỹ năng ứng xử của luật sư tại phiên tòa, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần trình bày về nguyên tắc Tòa án chỉ ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra đánh giá công khai tại phiên tòa. Thông qua phần hỏi hoặc xét hỏi và phần tranh luận, các chủ thể tham gia phiên tòa có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, nguyên đơn, bị đơn…) đều có quyền bình đẳng trong việc kiểm tra và đánh giá chứng cứ và đề xuất hướng giải quyết vụ án. Mặt khác, phiên tòa được tiến hành trực tiếp, liên tục bằng lời nói và ngôn ngữ viết (cáo trạng, bản án, bản luận cứ hay quan điểm bào chữa). Thông qua việc luật sư tham gia phần hỏi, phần tranh luận và kỹ năng ứng xử của luật sư có ý nghĩa phản ảnh trình độ luật sư, kết quả quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án vàtính cách văn hóa trong mỗi con người luật sư. Do văn hóa ứng xử được thể hiện thông qua lời nói, bài viết và hành động, nên kỹ năng ứng xử có văn hóa của luật sư tại phiên tòa đòi hỏi người luật sư cần cẩn trọng trong lời nói, trong tranh luận, đối đáp và ứng xử phù hợp tại phiên tòa. Người xưa thường có câu “ khôn ngoan ra cửa quan mới biết”.
1. Kỹ năng ứng xử với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
Theo qui tắc 23.3 Qui tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư qui định hành vi ứng xử của luật sư tại phiên tòa như sau: “Tại phiên tòa, luật sư chấp hành nội qui phiên tòa, tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa khi thực hiện quyền xét hỏi người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương pháp bất hợp pháp hay trái đạo đức”. Việc qui định trong Qui tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư cũng đồng nghĩa với việc luật sư tôn trọng và chấp hành pháp luật, bởi pháp luật tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sư…) qui định về việc những người tham tố tụng, tham dự phiên tòa phải tôn trọng nội qui phiên tòa, tôn trọng Hội đồng xét xử.Mặt khác, qui định luật sư tôn trọng những người tiến hành tố tụng, cũng có nghĩa là tôn trọng chính mình, bởi lẽluật sư tôn trọng họ bao nhiêu cũng có nghĩa là tôn trọng mình bấy nhiêu. Nói về việc tôn trọng người khác, chúng tôi xin mượn câu nói của Mạnh Tử đó là: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”.
1.1. Kỹ năng ứng xử với Hội đồng xét xử
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/ 01/2002 của Bộ chính trị về công tác tư pháp đó là: “Bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”. Theo đó, phiên toà nói chung ( phiên tòa hình sự & phiên tòa dân sự…) phải bảo đảm tính dân chủ trong tranh tụng. Tính chất dân chủ trong tranh tụng là tổng hòa của việc phát huy vai trò của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên, của Luật sư và những người tham gia tố tụng khác, trong đó vai trò của chủ toạ phiên toà là quan trọng nhất. Do chủ tọa phiên tòa là người thay mặt Hội đồng xét xử điều hành phiên tòa, vì vậy, kết quả phiên toà phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của chủ toạ phiên toà.Pháp luật tố tụng hình sự và dân sự ( Điều 197 BLTTHS; Điều 209 BLTTDS…) đều có qui định: “Mọi người ở trong phòng xử án đều phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án. Những người được Tòa án triệu tập để xét hỏi được trình bày ý kiến và người nào muốn trình bày phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Người trình bày ý kiến phải đứng khi được hỏi, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để trình bày”
Về nguyên tắc, chủ tọa phiên tòa là người thay mặt Hội đồng xét xử tổ chức và điều hành phiên tòa. Tuy nhiên, không có nghĩa là chủ tọa phiên tòa muốn điều hành thế nào cũng được, màchủ toạ phiên toà phải thực hiện đúng và đầy đủ những công việc mà Bộ luật tố tụng quy định đối với chủ toạ phiên toà. Nhưng bất luận thế nào, phiên tòa diễn biến ra sao, thì luật sư vẫn cần phải có kỹ năng ứng xử cho phù hợp với diễn biến của phiên tòa trên tinh thần tôn trọng Hội đồng xét xử.
Nói về kỹ năng ứng xử của luật sư với Hội đồng xét xử tại phiên tòa, chúng tôi thấy cần trao đổi thêm về một nội dung sau đây:
Thứ nhất, luật sư nên đứng dậy khi tham gia phần xét hỏi ( hỏi hoặc xét hỏi), cần xin phép hội đồng xét xử trước khi đặt câu hỏi với những người mà mình cần hỏi. Việc luật sư xin phép Hội đồng xét xử trước khi đặt câu hỏi với bị cáo, người bị hại, người làm chứng là việc nhỏ và rất đơn giản. Tuy nhiên, hiệu quả mà nói mang lại rất lớn, bởi Hội đồng cảm giác là họ được tôn trọng. Mặt khác, khi đặt vấn đề luật sư nên đứng dậy khi tham gia phần hỏi hoặc trình bày như là một kỹ năng, bởi trên thực tế có không ít luật sư (ngồi đặt câu hỏi hoặc chủ động gọi bị cáo và người tham gia tố tụng khác) để hỏi và đã bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhắc nhở. Việc nhắc nhở của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là có cắn cứ, vì theo pháp luật qui định chỉ có chủ tọa phiên tòa mới có quyền điều hành phiên tòa; luật sư có quyền hỏi, nhưng điều hành người được hỏi là quyền của chủ tọa phiên tòa.
Việc luật sư đứng dậy khi tham gia hỏi hoặc trình bày có ý nghĩa cho thấy sự tôn trọng pháp luật, tôn trọng Hội đồng xét xử, tôn trọng sự tôn nghiêm của phiên tòa của luật sư. Khi luật sư biểu hiện thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, tôn trọng đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác cũng sẽ được mọi người tôn trọng lại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít luật sư “quên đứng dậy khi xét hỏi hay phát biểu”là một điều đáng tiếc và cũng là chưa thật sư tôn trọng pháp luật, tôn trọng Hội đồng xét xử, tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Về vấn đề này cũng có luật sư cho rằng, đại diện Viện kiểm sát ngôi để thẩm vấn thì luật sư cũng được ngồi để đặt câu hỏi. Việc đúng sai thế nào thì mọi người sẽ có ý kiến riêng của mình.
Thứ hai, quá trình thẩm tra đánh giá tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thông qua việc xét hỏi, việc luật sư đứng dậy khi hỏi hoặc trình bày không chỉ có ý nghĩa tôn trọng Hội đồng xét xử mà còn là tôn trọng chính người được hỏi (cho dù là người làm chứng hay bị cáo). Hình ảnh, dáng đứng, ngữ điệu, âm lượng, cử chỉ, thái độ của luật sư khi tham gia hỏi và trình bày tại phiên tòa cho thể hiện tính cách nhân văn, văn hóa của luật sư trong không gian pháp đình. Luật sư hùng biện để thuyết phục Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bị hại… không có nghĩa là phải thật lớn tiếng. Một khi luật sư không muốn nghe người khác lớn tiếng với mình, thì tốt nhất luật sư không nên lớn tiếng với người khác, đặc biệt là tại phiên tòa. Ngược lại, luật sư cũng không nên nói quá nhỏ, việc luật sư nói quá nhỏ sẽ làm cho Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng phải “vận công cao độ” để như những âm thanh lý nhí phát đi từ miệng luật sư. Đây quyết không phải là kỹ năng hùng biện và càng không phải là kỹ năng ứng xử của luật sư tại bất cứ một phiên tòa nào.
Thứ ba, kỹ năng ứng xử của luật sư không nói quá to hoặc quá nhỏ mà còn đòi hỏi luật sư không sử dụng ngôn từ “đao to búa lớn” hoặc áp đặt câu hỏi truy vấn tạo ra cho người khác có cảm giác khó chịu khi được hỏi dễ dẫn đến sự căng thẳng không cần thiết tại phiên tòa.
Tóm lại, kỹ năng ứng xử của luật sư được biểu hiện thông qua lời nói, bài viết, thái độ và hành động của luật sư tại phiên tòa hướng tới sự hài hòa các yếu tố như: tôn trọng Hội đồng xét xử; văn hóa pháp đình; quyền lợi hợp pháp của khách hàng (bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).
1.2. Kỹ năng ứng xử với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, Hội đồng xét xử có vai trò rất quan trọng, là người “cầm cân nảy mực”, “trung tâm trọng tài” giữa bên buộc tội và bên gỡ tội để đưa ra phán quyết một cách khách quan đối với vụ án. Vì vậy, khi nói đến văn hóa pháp đình và kỹ năng ứng xử của luật sư tại phiên tòa thì quan hệ ứng xử giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát là vấn đề cần được trao đổi, mổ sẻ để “tranh luận, tranh tụng không trở thành tranh cãi”.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòacó thể với tư cách là người giữ quyền công tố tại phiên tòa ( đối với phiên tòa hình sự) hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật (đối với phiên tòa dân sự…). Nhưng một khi nói đến mối quan hệ giữa luật sư với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòađều khiến người ta nghĩ ngay đến mối quan hệ giữa một bên gỡ tôi và một bên buộc tội.Để bảo đảmquyền con người, quyền cơ bản của công dân được thực hiện một cách có hiệu quả thì “hễ ở đâu có buộc tội thì ở đó có gỡ tội”. Vì vậy, việc luật sư tiếp xúc, ứng xửvới đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là chuyện thường ngày xảy ra trong quá trình hoạt động hành nghề. Trong mối quan hệ này, điều quan trọng là ở chỗ, trong quá trình thẩm vấn, tranh luận hay đối đáp để bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng thì luật sư phải luôn giữ được tính độc lập của mình. Một luật sư có bản lĩnh, không bị chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến đại diện Viện kiểm sát, không “ngả nghiêng” trước quan điểm buộc tộithì không những được khách hàng tin tưởng, tôn trọng mà cả đại diện Viện kiểm sát cũng sẽ phải tôn trọng luật sư. Một khi luật sư dành sự tôn trọng đúng mực với cơ quan Viện kiểm sát và đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa thì cũng sẽ nhận được sự tôn trọng trở lại.
Kỹ năng ứng xử của luật sư tại phiên tòa còn được thể hiện ở việc “luật sư không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tôi người khác hoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình” (qui tắc 23.3) ; “ không được dùng lời lẽ mang tính chất chỉ trích, xúc phạm cá nhân trong quá trình tham gia tố tụng” (qui tắc 24.4); “ không được lợi dụng tư cách người tham gia tố tụng tại phiên tòa theo qui định của pháp luật để phát biểu những lời lẽ gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, đoàn kết dân tộc hoặc chỉ trích, xúc phạm cá nhân”(qui tắc 24.5).
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên, trong triết học duy vật “phát triển là sự đấu tranh của các mặt đối lập: sự phát triển của sự vật, hiện tượng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển và giải quyết mâu thuẫn”. Trong tố tụng thì “chân lý, lẽ phải là kết quả của sự biện luận, tranh luận, đối đáp giữa bên gỡ tội và bên buộc tội”. Chúng tôi thiên về quan điểm này bởi lẽ: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/ 01/2002 của Bộ chính trị về công tác Tư pháp cũng đã chỉ rõ: “Bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”. Tuy nhiên, tranh tụng phải đúng trình tự qui định của pháp luật và bảo đảm văn hóa pháp đình. Thực tế cho thấy, không ít luật sư pháp biểu đại loại như sau: Tôi đề nghị thay đổi thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, bởi lẽ thẩm phán là “chánh tòa hành chính” biết gì về dân sự mà xử hoặc “tôi sẽ kiến nghị với Viện kiểm sát lần sau phải cử những người am hiểu về kinh doanh thương mại, về ngân hàng cử những người không có kiến thức về KDTM… làm khó cho Hội đồng xét xử và luật sư chúng tôi tranh luận “như nước đổ lá khoai”.
Cách đây khoảng hơn chục năm, vị đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối đáp với bị cáo khiến mọi người có mặt tại phiên tòa đã không nhịn được cười nhưng không thành tiếng, đó là:
Bị cáo: thưa quý tòa, tôi chỉ là phó phòng địa chính, chỉ là tham mưu giúp việc, ý kiến của tôi chỉ mang tính chất tham khảo, chủ tịch thành phố có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận. Một khi chủ tịch thành phố chấp thuận và ký tờ trình lên chủ tịch tỉnh, thì chủ tịch thành phố phải chịu trách nhiệm về tờ trình mà mình đã ký. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ký quyết định bồi thường 1,9 tỷ đồng cho dân sau khi có ý kiến của Hội đồng tư vấn của UBND tỉnh. Viện kiểm sát kết luận số tiền 1, 9 tỷ đồng là hậu quả của vụ án, thì người ký quyết định dẫn đến hậu quả nói trên chính là chủ tịch tỉnh.
Vấn đề là phải xử lý hình sự đối với người có hành vi ký quyết định trực tiếp gây ra hậu quả chứ không phải bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát trả lời: “Nhiều con chuột tha hết bồ thóc, bắt được con nào đập con đó”.
Luật sư đối đáp: Quý đại diện Viện kiểm sát đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của bị cáo, quý viện lại dùng câu chuyện mang tính ảm chỉ, ám thị “Nhiều con chuột tha hết bồ thóc, bắt được con nào đập con đó”. Trong khi đó, pháp luật hình sự có nguyên tắc là cấm tra tấn, nhục hình, mớm cung, ép cung. Vậy thì bắt được con nào đập con đó ở đây là gì. Chưa hết, quý viện đã tự đẩy mình vào tình huống xấu đó là “quý viện sẽ phải sử dung ngôn ngữ gì để tranh luận với “con chuột” đang đứng trước vành móng ngựa kia.Cuối cùng thì đại diện Viện kiểm sát bất đắc dĩ đã phải xin lỗi bị cáo vì sự “nhỡ miệng” của mình là một điều đáng tiếc.
Cũng có không ít trường đại diện Viện kiểm sát khi tranh luận còn tỏ ra thiếu bình tĩnh, dẫn đến hạn chế khả năng tranh luận, có lời nói và cách ứng xử thiếu chuẩn mực, thậm chí xúc phạm danh dự luật sư, xúc phạm danh dự của bị cáo. Ngoài ra, còn xảy ra không ít trường hợp ví như: sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố xong quan điểm luận tội, bị cáo nghe thấy bức xúc giơ tay xin phát biểu thì bị vị này quát “ im mồm”. Ở một trường hợp khác, đại diện Viện kiểm sát phát biểu “Không hiểu luật sư kinh nghiệm bao nhiêu năm rồi mà lại bào chữa như thế” khiến luật sư nổi nóng và thế là “tranh luận thành cãi nhau”. Trong một phiên tòa diễn ra tại Đăk Lắc, sau khi Kiểm sát viên công bố xong phần luận, luật sư đã phán “truy tố bị cáo như thế là vô nhân đạo”. Kiểm sát viên cũng chẳng vừa đốp chát lại: “Bài bào chữa của luật sư thật trơ trẽn như lời biện hộ của bị cáo” (thanhnien.com.vn/pages/ 20101012/ bi-hai-van-hoa-phap-dinh-bai-2- ben-buoc-ben-go).
Nhân bàn về văn hóa pháp đình và kỹ năng ứng xử của luật sư tại phiên tòa, chúng tôi cũng xin trao đổi về một tình huống diễn ra tại phiên tòa Epco –Minh Phụng mà luật sư Nguyễn Minh Tâm ( Tổng biên tập Tạp chí luật sư) là người trong cuộc chứng kiến: Trong phần tranh luận giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, kiểm sát viên đã phát biểu: “Luật sư N đã lập lờ đánh lận con đen, đưa Hội đồng xét xử vào một vùn tăm tối của tư tưởng…” Nhận xét của vị kiểm sát viên đã khiến vị luật sư không nén nổi tức giận, và thế là phiên tòa vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng.
2. Kỹ năng ứng xử với khách hàng
Theo nhận định của nhà kinh tế nổi tiếng Erwin Frand về vai trò và tầm quan trọng của của khách hàng trong mọi hoạt động kinh doanh như sau: “Không có khách hàng sẽ không có bất cứ công ty nào tồn tại”. Với cách tiếp cận nêu trên, chúng tôi cho rằng, “Nếu không có khách hàng sẽ không có bất cứ tổ chức hành nghề luật sư nào tồn tại”. Nêu lên vấn đề này để thấy khách hàng giữ vai trò vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa sống còn trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi luật sư. Không có khách hàng, không được khách hàng tin cậy và sử dụng dịch vụ pháp lý là đồng nghĩa với sự thất bại của luật sư. Do đó, khách hàng và sự hài lòng của khách hàng phải được hiểu là thước đo khẳng định sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi luật sư.
Thực tiễn cho thấy, dù luật sư có giỏi đến mấy, tận tâm và biện hộ hay đến mấy, cũng không có đất để thể hiện “khả năng hùng biện” của mình ra thế giới bên ngoài, nếu không có sự yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, một khi luật sư có uy tín, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bao giờ cũng sẽ có số lượng khách hàng đông đảo đến với luật sư.
Do vậy, quyền của luật sư chỉ được khởi phát khi có yêu cầu của khách hàng hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (trong trường hợp luật định). Nói cách khác, quyền của luật sư là “quyền phái sinh” từ quyền cơ bản của khách hàng mà pháp luật đã qui định cho họ. Với ý nghĩa đó, văn hóa ứng xử của luật sư đối với khách hàng là rất quan trọng, mang tính qui tắc và khi vi phạm thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý theo chế tài đã định.
Hội đồng luật sư toàn quốc xác định mối quan hệ với khách hàng là mối quan hệ quan trọng hàng đầu của luật sư và nghề luật sư. Chính vì vậy, những nhà làm qui tắc đạo đức đã cơ cấu, bố cục ngay tại chương II (sau chương Qui tắc chung). Qui tắc quan hệ với khách hàng điều chỉnh việc luật sư phải có trách nhiệm tận tâm trong việc thực hiện vụ việc của khách hàng; phải biết từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng; giải quyết xung đột về lợi ích … và khi phải đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện lựa chọn luật sư khác, trên tinh thần tôn trọng khách hàng, quyền lợi của khách hàng, với thái độ ôn hòa, không sử dụng lời lẽ có tính chất xúc phạm đối với khách hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nghề luật sư cũng như của khách hàng.
(i) Kỹ năng ứng tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng:
Pháp luật qui định khách hàng có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ; tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa là quyền mà Hiến pháp và pháp luật đã qui định cho bị can, bị cáo. Như vậy, nghĩa vụ của luật sư phải tôn trọng quyền sự lựa chọn luật sư của khách hàng.
Tôn trọng sự quyền lựa chọn của khách hàng không có nghĩa là cứ có yêu cầu của khách hàng (bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc tham gia bào chữa) thì luật sư không được từ chối. Ngược lại, nét văn hóa của luật sư trong việc tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng còn được thể hiện ở việc luật sư chỉ nhận những vụ việc theo khả năng chuyên môn và điều kiện của mình trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng. Luật sư nhận việc không đúng với chuyên môn nghiệp vụ, không phù hợp với điều kiện của mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dịch vụ pháp lý, đến quyền lợi của khách hàng, làm giảm lòng tin của khách hàng và cá nhân luật sư đó và của giới luật sư.
Khi được khách hàng lựa chọn, hơn bao giờ hết, luật sư phải giải thích cho khách hàng biết rõ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện dịch vụ; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.
(ii) Văn hóa ứng xử trong việc thỏa thuận thù lao với khách hàng:
Thông thường trong đời sống hàng ngày, khi nói đến vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” thì mọi người thường nghĩ đây là vấn đề “tế nhị, ngại ngùng”, ít khi muốn đề cập đến vấn đề này. Vấn đề này cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau khi xây dựng Qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Có không ít ý kiến cho rằng, hợp đồng dịch vụ, phí dịch vụ đã được qui định từ Điều 518 đến Điều 524 Bộ luật dân sự: “hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” (Điều 518 BLDS). Thế nhưng, đa số ý kiến lại cho rằng, hoạt động nghề nghiệp luật sư mang tính chất đặc thù, hợp đồng dịch vụ pháp lý được giao kết giữa luật sư (người có kinh nghiệm, có kiến thức pháp luật) với khách hàng đang ở thế yếu. Vì vậy, cần có qui định về việc luật sư phải giải thích cho khách hàng những qui định của pháp luật về căn cứ tính thù lao; chi phí và mức thù lao phải được thể hiện một cách minh thị trong hợp đồng. Qui tắc này (qui tắc 7) nhằm khắc chế tình trạng luật sư lợi dụng sự hiểu biết pháp luật của mình, sự yếu thế của khách hàng để tính thù lao “bất tương xứng” với nội dung, tính chất và mức độ dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp. Việc đưa vấn đề thù lao luật sư vào bộ qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư càng cho thấy tính nhân văn cao trong quan hệ với khách hàng của luật sư và nghề luật sư.
(iii) Văn hóa ứng xử của luật sư trong việc giữ bí mật khách hàng:
Theo Qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thì nghĩa vụ của luật sư là phải giữ gìn bí mật thông tin của khách hàng: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo qui định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” (Qui tắc 12 chương II. Quan hệ với khách hàng).
Theo suy nghĩ của chúng tôi thì khách hàng có tin tưởng mới lựa chọn luật sư để đứng ra bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Khách hàng sẽ không lựa chọn người mà họ không tin tưởng để trao gửi số phận pháp lý hoặc quyền lợi hợp pháp của họ cho luật sư đứng ra bảo vệ. Khi khách hàng tin tưởng luật sư thì họ sẽ chia sẻ những bí mật của họ để luật sư bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho họ. Việc khách hàng tin tưởng, hợp tác, chia sẻ bí mật của khách hàng góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho luật sư trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý. Thế nên việc luật sư giữ bí mật thông tin của khách hàng (bí mật thông tin do luật sư biết được trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý hoặc do chính khách hàng cung cấp) sẽ tạo nên uy tín của luật sư. Ngược lại, luật sư không giữ được bí mật thông tin của khách hàng sẽ không chỉ mất lòng tin của chính khách hàng đó mà còn mất lòng tin với những người khác. Nhân nói đến mối quan hệ giữa giữ bí mật của khách và niềm tin của khách hàng với luật sư, chúng tôi xin dẫn ra đây một câu tục ngữ của người Đức, đó là: “Mất tiền là mất nhỏ, mất danh dự là mất lớn, mất can đảm là mất hết”. Thế còn người Pháp, theo Hoàng đế Na-pô-lê-ông: “Mất tiền là chẳng mất gì cả, mất danh dự là mất nửa cuộc đời; mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời”. Mong muốn của chúng tôi là tất cả luật sư chúng ta sẽ giữ được niềm tin và nghị lực suốt cả cuộc đời hành nghề của mình.
3. Văn hóa ứng xử của luật sư với đồng nghiệp
Ở chừng mực nào đó có thể khẳng định nghề luật sư là nghề nguy hiểm, đôi khi luật sư không tránh khỏi cảm giác đơn độc trong quá trình hành nghề. Chính vì vậy, nhu cầu được chia sẻ của luật sư từ những người khác và đặc biệt từ những đồng nghiệp là điều hết sức cần thiết. Mối quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp là mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Để có thể giữ được sự đoàn kết và hợp tác giữa các luật sư, thì việc bảo vệ uy tín của đồng nghiệp như uy tín của chính mình là nhiệm vụ được đưa lên hàng đầu. Phàm đã là luật sư thì quyết không được làm tổn hại đến uy tín của đồng nghiệp và tự đề cao mình; không được chỉ trích đồng nghiệp của mình. Thực tiễn tham gia tố tụng tại phiên tòa, ở đâu đó vẫn còn có hiện tượng luật sư chỉ trích lẫn nhau. Ví như: tại phiên tòa diễn ra tại huyện Đông Anh, khi phát biểu với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp chobị đơn đã có lời nói xúc phạm đến đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn “không hiểu luật sư học ở đâu ra mà phát biểu ngớ ngẩn thế”. Và thế là cuộc đấu khẩu căng thẳng giữa hai vị đồng nghiệp đã diễn ra trước sự ngỡ ngàng của những người tham dự phiên tòa.
4. Tại phiên tòa, luật sư không được ứng xử tiêu cực bằng việc tự bỏ về làm hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng
Theo quan điểm của chúng tôi, khách hàng bao giờ cũng luôn mong muốn và kỳ vọng luật sư sẽ là chỗ dựa tinh thần cho họ trên con đường đi tìm công lý, đi tìm lẽ phải và công bằng cho họ. Luật sư sẽ là người luôn đồng hành với khách hàng đến bến bời cuối cùng của công việc, không có khách hàng nào lại muốn luật sư bỏ rơi họ trong những lúc họ cần luật sư nhất đó là phiên tòa.
Cho đến thời điểm hiện nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư địa phương vẫn chưa có cuộc khảo sát hay điều tra xã hội học nào để thống kê về việc đã có bao nhiêu lượt luật sư bị gây khó trong quá trình tham gia tố tụng hay bào chữa tại phiên tòa. Chỉ biết rằng, những năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực nói lên những khó khăn, bất cập, bức xúc mà luật sư đã gặp phải trong quá trình tham gia tố tụng nói chung và bào chữa tại phiên tòa phiên tòa nói riêng. Phải chăng, đỉnh điểm của việc vi phạm quyền bào chữa là phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PMU 18 đã khiến cho 07 luật sư của chúng ta đã phản ứng bằng việc đồng loạt rời khỏi phiên tòa. Ở đây, chúng tôi không bình luận về việc Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đã vi phạm những gì, khiến cho đồng nghiệp của chúng ta bức xúc. Chúng tôi cũng không bình luận về hậu quả của việc 7 đồng nghiệp tự ý rời khỏi phiên tòa nêu trên. Điều chúng tôi muốn nói, đó là việc 7 luật sư rời khỏi phiên tòa đã gióng lên tiếng chuông về sự vi phạm quyền bào chữa của luật sư, quyền Hiến định cũng như luật định đối với bị cáo tại phiên tòa. Hy vọng, việc vi phạm của phiên tòa nói trên chỉ là cá biệt.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn làm rõ theo qui định của Qui tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư, thì “Luật sư không được phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng tại phiên tòa làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của khách hàng…”. Theo chúng tôi, khi khách hành đặt bút ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với điều kiện luật sư tham gia bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ – cho đến khi kết thúcphiên tòa ( phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm). Không thể có chuyện khách hàng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý mà lại đồng ý để luật sư có thể tham “nửa vời” cụ thể là tham gia “giữa chừng phiên tòa”.Như vậy, việc luật sư phản ứng tiêu cực bằng cách tự ý bỏ phiên tòa, cũng có nghĩa là luật sư đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Mặt khác, luật sư tự ý bỏ phiên tòa đồng nghĩa với việc luật sư đã “bỏ rơi” khách hàng trong chính thời điểm mà họ chờ đợi và trông cậy nhiều nhất vào luật sư. Nếu hiểu luật sư là chỗ dựa tinh thần cho khách hàng, thì chỗ dựa ấy càng cần thiết với khách hàng khi họ đang “chơi vơi” tại phiên tòa. Vì vậy, kỹ năng ứng xử của luật sư đối với khách hàng là hãy ứng xử bằng việc “trung thành với quyền lợi của khách hàng”, không phản ứng tiêu cực bằng việc tự ý bỏ phiên tòa, việc tự ý bỏ phiên tòa đồng nghĩa với việc luật sư bỏ khách hàng hàng. Mỗi luật sư chúng ta hãy phản ứng trước những vi phạm của Thẩm phán, Kiểm sát viên bằng quyền kiến nghị, khiếu nại mà pháp luật tố tụng đã qui định.
Luật sư giỏi tranh tụng tại Hà Nội trong các vụ án hình sự liên hệ tổng đài tư vấn luật hình sự miễn phí online – 1900 599 979 để được giải đáp.