0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Luật sư Hà Nội tư vấn lỗi chạy quá tốc độ

Công ty Luật Dragon, ngày 23 tháng 08 năm 2011

Tư vấn luật giao thông đường bộ tại Việt Nam: Xử phạt vi phạm luật giao thông

Trường hợp của tôi như sau, xin được Luật sư tư vấn:

Khi Tôi điều khiển xe máy, chạy trên đoạn đường cho phép là 40km/h, nhưng tôi chạy với tốc độ là 45km/h(theo đồng hồ xe của tôi báo), nhưng khi các anh giao thông đang làm nhiêm vụ ở trên đoạn đường đó đã thổi phạt tôi, các anh nói tôi chạy 63km/h, nhưng tôi không được xem máy bắn tốc độ của các anh, để biết mình chạy bao nhiêu? các anh đã lập biên bản tôi và trong khi lập biên bản tôi có cuộc điện thoại gọi tới, tôi đã xin phép các anh nghe điện thoại, nhưng sau khi tôi quay lại để kí biên bản thì các anh không cho tôi kí nữa với lý do là họ bảo tôi kí hồi nảy tôi không kí (mặc dù tôi đã xin các anh ấy rất lâu để được kí biên bản). tôi không biết trong biên bản họ ghi những gì và tôi cũng không được đọc biên bản, sau đó các anh đã đi về. và có một điều đặc biệt là tôi đã đưa nhầm giấy tờ của xe máy khác cho các anh ấy. khi tôi xuống cơ quan chức năng làm việc thì họ bảo phải về phường làm tờ trình. giờ cơ quan chức năng đang gữi giấy phép lái xe và giấy tờ xe của tôi, nếu tôi làm tờ trình thi theo tôi được biết họ sẽ phạt rất nặng, mà tôi đang là sinh viên lấy đâu ra số tiền lớn như vậy?  Giờ tôi phải làm sao thưa luật sư? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Nội dung câu hỏi của bạn, Ban tư vấn  Văn phòng luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tư vấn luật 1: Khi xử phạt người tham gia giao thông điều khiển xe chạy quá tốc độ, người xử phạt phải cho người bị xử phạt biết kết quả đo tốc độ để đối chiếu. Việc xử phạt phải được lập thành biên bản theo mẫu thống nhất. Đối với đoạn đường có quy định vận tốc tối đa hoặc tối thiểu của các phương tiện tham gia giao thông thì khi tham gia giao thông, chủ sử dụng phương tiện phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định này. Khi bị xử phạt, nếu không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm giao thông người bị xử phạt có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại tố cáo, hoặc khởi kiện theo quy định tại luật tố tụng hành chính. Trường hợp bạn đưa nhầm giấy tờ lái xe của người khác, nếu không có cơ sở chứng minh bạn nhầm lẫn thì bạn phải tường trình lại sự việc để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tư vấn luật 2:

Căn cứ pháp lý: Điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 quy định “Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;

4. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h;

9. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

b) Vi phạm điểm b, điểm g khoản 4; điểm a, điểm b khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;”

2. Ý kiến tư vấn luật:

Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, nếu bạn điều khiển xe với tốc độ 45km/h thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu bạn điều khiển xe với tốc độ 63 km/h thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, ngoài ra bạn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày. Bạn không bị thu giữ Giấy đăng ký xe máy khi vi phạm quy định trên.

Bạn nên làm Bản tường trình lại sự việc một cách cụ thể, đồng thời yêu cầu được xem Biên bản vi phạm mà CSGT lập để biết lỗi và mức phạt vi phạm hành chính của bạn.

Trên đây là tham vấn tư vấn luật giao thông đường bộ, Ban tư vấn gửi Quý bạn để tham khảo.

Trân trọng.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON