Luật sư Hà Nội tư vấn về Công dân Việt Nam có mang nhiều Quốc tịch?
Công ty Luật TNHH Dragon xin gửi lời chào trân trọng tới Quý báo!
Phúc đáp các câu hỏi của Quý báo liên quan đến sự việc đang gây xôn xao dư luận mới đây là Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc mang 02 quốc tịch. Các câu hỏi như sau:
1- Công dân Việt Nam được phép có mấy quốc tịch? Có trường hợp nào được mang nhiều quốc tịch không?
2- Trường hợp nào bị cho thôi quốc tịch Việt Nam?
3- Cán bộ, công chức, viên chức hay ĐBQH mang 02 quốc tịch có trái pháp luật không? Theo quy định hiện hành, thì việc mang quốc tịch của ĐBQH được quy định như thế nào?
4- Hiện nay, ĐBQH phải đáp ứng các tiêu chuẩn như nào?
5- Người không thuộc diện có 02 quốc tịch nhưng vẫn tự ý xin quốc tịch nước ngoài thì có bị xử phạt hành chính hay hình sự không ạ?
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) có quan điểm như sau:
- Hiện nay, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch (căn cứ vào pháp luật riêng của từng nước, có nước không bắt buộc công dân Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch) nên việc công dân Việt Nam có 2 quốc tịch và sử dụng đồng thời 2 hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật nước ngoài và Việt Nam trừ những trường hợp luật có quy định khác.
Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 cũng quy định:
“Điều 4. Nguyên tắc quốc tịch
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm:
- Người được Chủ tịch nước cho phép;
- Trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em là con nuôi.
Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung 2014: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.
Như vậy, nếu một người đang là công dân Việt Nam và quốc gia người đó đang xin nhập quốc tịch không yêu cầu phải thôi quốc tịch Việt Nam thì có thể vừa có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài. Việc sử dụng quốc tịch nước nào và tư cách công dân của quốc gia nào (Việt Nam hay nước ngoài) sẽ do pháp luật của Việt Nam và quốc gia của người đang mang quốc tịch quy định, phù hợp với pháp luật quốc tế.
- Theo quy định pháp luật về quốc tịch không có thuật ngữ “bị cho thôi quốc tịch”, mà là “bị tước quốc tịch Việt Nam”. Còn việc thôi quốc tịch là do ý muốn chủ quan của người có quốc tịch VN, người muốn thôi quốc tịch phải có đơn xin thôi quốc tịch và được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp nhận cho thôi quốc tịch hay không căn cứ các Điều 27, 28, 29 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành.
Việc tước quốc tịch căn cứ Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định các trường hợp bị tước quốc tịch như sau:
Điều 31. Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam
- Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3- Cán bộ, công chức (từ ngày 01/7/2020), ĐBQH (từ ngày 01/01/2021) mang 02 quốc tịch là trái quy định pháp luật bởi lẽ:
+ Đối với cán bộ, công chức, căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019 quy định 1 trong những điều kiện để đăng ký dự tuyển công chức. Như vậy công chức chỉ có 1 quốc tịch VN. Việc mang 2 quốc tịch là trái luật, không đủ tiêu chuẩn làm cán bộ, công chức.
+ Đối với ĐBQH, căn cứ Điều 22 Luật tổ chức quốc hội 2014 sửa đổi năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021), ĐBQH chỉ được có 1 quốc tịch Việt Nam. Do đó hiện nay khi Luật sửa đổi 2020 chưa có hiệu lực thì ĐBQH mang 2 quốc tịch không vi phạm pháp luật. Trước khi luật mới có hiệu lực thì ĐBQH phải thôi quốc tịch nước ngoài để đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020.
Đối với viên chức được phép mang 2 quốc tịch vì khoản 1 Điều 22 Luật viên chức 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) chỉ quy định 1 trong những điều kiện để làm viên chức là có quốc tịch VN, cư trú tại VN mà không hề bắt buộc chỉ có 1 quốc tịch VN như đối với cán bộ, công chức hay ĐBQH.
- Tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND được quy định trong các Nghị Quyết, Chỉ thị của Đảng cũng như trong các quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn ĐBQH theo 5 tiêu chí được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội như sau:
Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (đang có hiệu lực thi hành) | Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021) |
Điều 22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc Hội
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. 4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. |
Điều 22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc Hội
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. 4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. |
Các tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND cũng tương đồng như đối với ĐBQH và được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) như sau:
“Điều 7. Tiêu chuẩn của Đại biểu Hội đồng nhân dân
- Trung thành vớiTổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.” (Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 không quy định tiêu chuẩn này).
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5- Trường hợp thuộc quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 19 Luật Quốc tịch thì mới được phép mang hai quốc tịch. Người nào không thuộc trường hợp này mà mang hai quốc tịch là không phù hợp với quy định pháp luật.
Đại biểu nào mang 2 quốc tịch thì buộc phải thôi quốc tịch hoặc thôi đại biểu Quốc hội vì ĐBQH chỉ được mang 1 quốc tịch Việt Nam theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp khai báo gian dối, không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội mà không xin thôi đại biểu quốc hội thì có thể bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 40 Luật tổ chức Quốc hội.
Còn đối với những đối tượng khác thuộc diện có 1 quốc tịch nhưng vẫn có quốc tịch nước ngoài đồng ý cấp quốc tịch cho họ mà không buộc thôi quốc tịch VN thì trường hợp này chưa có VBPL xử phạt theo luật hiện hành. Bản chất việc xử phạt họ cũng không hợp lý, ngược lại trong thời đại hiện nay việc 1 người có 2 quốc tịch có những mặt lợi ích tích cực cần ghi nhận miễn không gây phương hại đến lợi ích quốc gia dân tộc…
Quý khách hàng tìm hiểu thêm về dịch vụ luật sư liên quan đến Quốc tịch: https://www.vanphongluatsu.com.vn/danh-muc/hon-nhan-gia-dinh/quoc-tich-ho-tich/
Tên tổ chức : CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON
Đại diện : Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long – Chức vụ: Giám đốc
Điện thoại : 1900.599.979 Hotline: 0983.019.109.
Trụ sở chính :Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website : www.vanphongluatsu.com.vn Email: dragonlawfirm@gmail.com.
Trân trọng!