Luật sư ‘hiến kế’ trị người ngoại tình
Công ty luật tại Hà Nội -Luật sư Long cho rằng đã có vợ có chồng rồi mà còn ăn ở qua đêm nhiều lần với người khác (dù không có con chung, không tài sản chung…) thì cũng cần được coi là vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Theo các chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, tình trạng ly hôn đang gia tăng phần nhiều có nguyên nhân là ngoại tình. Thế nhưng quy định pháp luật chưa rõ, hiếm có trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính, bị xử lý hình sự càng hiếm hơn. Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp nâng mức phạt hành vi ngoại tình lên từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng dư luận vẫn xem là còn quá nhẹ và chưa khả thi.
Chỉ “túm” được người có vợ bé
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật hôn nhân và gia đình Trường ĐH Luật TP HCM) cho rằng: “Nếu tăng tiền phạt mà quy định vẫn lờ mờ, cao vời vợi như lâu nay thì khó “túm” được anh nào”. Cái gốc của vấn đề là phải liệt kê, định nghĩa những hành vi nào là ngoại tình, ngoại tình ở mức độ nào thì được xem là vi phạm chế độ một vợ một chồng. Không thể như hiện nay luật bó khung trong giới hạn chỉ chung sống như vợ chồng mới xử lý. Quy định hiện nay buộc người bị hại phải chứng minh người kia có tài sản chung, có con chung, có địa phương, hàng xóm xác nhận… mới xử phạt. Như vậy không khác nào chỉ “túm” được những người có vợ bé, có con riêng, còn những người có vợ rồi vẫn nhởn nhơ cặp bồ, thậm chí năm nay cô này, năm sau cô khác cũng chịu.
Theo ông Tiến, để quy định này mang tính khả thi cần phải xác định rõ trình tự thủ tục, chẳng hạn cần phải có xác nhận của hàng xóm thì hình thức của việc xác nhận này như thế nào, nếu là biên bản thì ai được quyền lập biên bản việc vi phạm để làm chứng về sau, những ai sẽ ký vào biên bản…
Có ý kiến cho rằng những quy định và hướng dẫn vừa mơ hồ vừa rối rắm như hiện nay chừng như để bảo vệ kẻ vi phạm chế độ một vợ một chồng và gây khó cho những nạn nhân bị phụ bạc. Muốn xử phạt kẻ vi phạm chế độ một vợ một chồng phải chứng minh là bên kia có con chung, có tài sản chung, sống chung, lại phải được chòm xóm, xã hội công nhận…
Nhiều chuyên gia cho rằng luật cần cụ thể hơn về những khái niệm, định nghĩa, điều kiện xử phạt thì mới có thể xử phạt và đưa ra mức phạt được. Chẳng hạn, bắt quả tang “trai trên gái dưới” có thể được xem là vi phạm chế độ một vợ một chồng chưa? Vi phạm ở mức độ nào thì phạt thấp, mức độ nào phạt cao? Một người dân khác (hàng xóm, đồng nghiệp) phát hiện họ ăn ngủ với nhau thì có được quyền tố cáo không? Đến mức độ nào thì được quyền tố cáo? Biểu mẫu tố cáo như thế nào?…
“Luật trị hành vi này thì đã có từ lâu rồi. Nhưng mấy ai bị xử phạt? Luật đã răn đe được ai chưa? Luật phải gần thực tế hơn nữa, cụ thể hơn nữa thì mới mong phạt được. Theo tôi, đã có vợ có chồng rồi mà còn ăn ở qua đêm nhiều lần với người khác (dù không có con chung, không tài sản chung…) thì cũng cần được coi là vi phạm chế độ một vợ một chồng”, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội) góp ý. Theo ông Long, trong trường hợp này, người vợ (chồng) là nạn nhân có quyền photo giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn của hai người đến địa phương nhờ chính quyền can thiệp, nếu phát hiện và lập biên bản họ ăn ngủ với nhau thì đã xử phạt được rồi.
Tăng tác động từ dư luận
Theo luật sư Long, bên cạnh việc hướng dẫn luật (hành vi nào sẽ bị xử phạt, mức phạt cụ thể, trình tự tiến hành xử phạt…) thì cần phải có hướng dẫn rộng rãi, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng. Chính quyền phải xử lý thật nghiêm chứ không coi đây là chuyện riêng của gia đình. Các cơ quan, đoàn thể cùng xem đây là việc quan trọng, có thể đưa vào nội quy của cơ quan để nếu ai vi phạm thì nhắc nhở hoặc cố tình thực hiện hành vi này thì cần “tố” đến chính quyền để xử phạt họ.
Nhiều ý kiến cho rằng để triệt tình trạng ngoại tình cần vận dụng công cụ mạnh mẽ từ dư luận. Bên cạnh việc phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thì cũng cần áp dụng biện pháp thông báo đến cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác, địa phương nơi người đó sinh sống.
Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh, Viện Nghiên cứu về gia đình và giới, cho rằng để tránh đi sâu vào đời tư, chỉ cần thông báo rằng anh A đã vi phạm chế độ một vợ một chồng, không cần nói vi phạm với ai, ở đâu… Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tiến thì cách làm này không nên vì ảnh hưởng không nhỏ đến các thành viên khác trong gia đình (nhất là trẻ em), vi phạm đến quyền bí mật đời tư của công dân. “Chỉ cần phạt tiền là đủ, quan trọng là làm sao để tóm và phạt cho được người vi phạm”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo Pháp luật TP HCM (VNE)
Văn phòng luật sư tại Hà Nội – Tư vấn luật tại Hà Nội – Luật sư tư vấn tại Hà Nội