Luật sư muốn mở văn phòng luật sư, phải có kinh nghiệm năm năm?
Dù tỉ lệ bình quân luật sư trên số dân của nước ta quá thấp (1/14.000) nhưng lại đang có một nghịch lý là không ít văn phòng luật sư, công ty luật ế khách, thu không đủ chi, hoạt động cầm chừng hoặc giải thể. Để tồn tại, nhiều văn phòng luật sư phải kiêm luôn đủ thứ dịch vụ photocopy, dịch thuật, nhà đất, visa…
Siết lại điều kiện mở văn phòng, công ty luật?
Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết: Thực tế có chuyện một luật sư trẻ sáng nhận thẻ luật sư, chiều đã công bố mở ngay một văn phòng, công ty luật. Khi ấy, nghiễm nhiên họ trở thành trưởng văn phòng luật sư hay giám đốc công ty luật trong khi kiến thức và kinh nghiệm thì còn quá non nớt.
Bà Yến cho rằng luật sư là nghề tự do nhưng không phải tự do phát triển một cách dễ dãi, thiếu định hướng, không hiệu quả. Vì vậy cần phải siết lại điều kiện mở văn phòng. Chẳng hạn phải quy định luật sư phải hoạt động nghề liên tục trong năm năm thì mới cho phép mở văn phòng riêng… Trong một lộ trình phát triển mới phải có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và vai trò tự quản của liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư. Bộ Tư pháp sẽ chủ trì việc tạo ra môi trường pháp lý tốt, còn liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư quản lý chặt chẽ về chuyên môn hoạt động.
Thầy dở, làm sao có trò giỏi
“Chúng ta chỉ chăm chăm phát triển số lượng nhưng không “siết” chất lượng ngay từ khi luật sư chập chững vào nghề thì chiến lược vạch ra sẽ khó thành công” – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk Tạ Quang Tòng nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng hơn đến công tác đào tạo luật sư tập sự thì mới từng bước nâng chất được đội ngũ.
Luật sư Tòng kiến nghị phải sửa đổi quy định liên quan đến người hướng dẫn tập sự nghề luật sư. Hiện nay, một luật sư chỉ cần làm nghề ba năm là đủ điều kiện hướng dẫn một hoặc nhiều người tập sự luật sư, như vậy là chưa đủ mà phải nâng lên thành năm năm. Bởi lẽ một luật sư mới ra trường ba năm thì hầu như chưa làm được gì đáng kể do họ ít có việc làm, ít đụng chạm thực tế. Trong khi đó, hướng dẫn tập sự là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến chất lượng của lứa luật sư kế cận có tốt hay không.
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng quy định cho phép những người từng là cán bộ tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… chuyển sang làm luật sư mà không phải qua giai đoạn tập sự là có phần dễ dãi. Bởi họ có thể rành rẽ chuyên môn trong công tác cũ nhưng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề của luật sư lại có những tính chất riêng. Hợp lý nhất vẫn là nên có một khóa đào tạo ngắn hạn riêng cho họ chứ không nên nhận ngay vào đoàn luật sư theo kiểu xuề xòa.
Không nên “trói tay” người tập sự
Một đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam than thở: Kết quả các khóa thi hết tập sự cho thấy chất lượng người tập sự hiện còn yếu, năm nào người chấm cũng phải vớt vát nhiều. Lý do là trong thời gian 18 tháng tập sự, người tập sự không được đụng chạm thực tế, lại không được ai kiểm tra, giám sát nên có tình trạng “đánh trống ghi tên”, chỉ đăng ký tập sự rồi cuối khóa đi thi. Nhiều người kiến thức quá non nên thường chọn đề tài thủ tục thành lập doanh nghiệp để làm bài tốt nghiệp cuối khóa, trong khi chỉ cần đánh mấy chữ đó trên mạng tìm thì thông tin đã có đầy đủ. Nếu chỉ dừng ở trình độ ấy mà đi bảo vệ thân chủ tại tòa thì không biết hậu quả sẽ ra sao.
Một đại diện Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang lại cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ luật hiện nay không cho người tập sự nhận và thực hiện các dịch vụ pháp lý. Quy định này quá khắt khe, cần phải sửa đổi ngay bởi “học phải đi đôi với hành”. Không cho người tập sự xuống nước thì làm sao họ biết bơi được!
Đồng tình, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung thêm: Muốn phát triển và nâng cao vị thế của nghề luật sư thì không còn cách nào khác ngoài việc xây dựng môi trường pháp lý thông thoáng và cơ chế hoạt động thuận lợi. Hiện năng lực, uy tín, vai trò của luật sư còn thấp nên khi xảy ra chuyện, người dân có tâm lý không nhờ luật sư mà chạy vạy tiếp cận với người có quyền thế ở các cơ quan tố tụng để nhờ vả.
Văn phòng luật sư Dragon