Luật sư nổi tiếng tiếp tục kiến nghị về phiên tòa xét xử “bí mật”
Van phong luat su Ha Noi – “Nếu công dân không được tham dự phiên tòa, tức việc xét xử không còn công khai, tức là bí mật kín đáo. Khi đó các trình tự thủ tục xét xử không còn ý nghĩa nữa, trình diễn nào có ý nghĩa gì khi không còn khán giả?”
LS Ngô Ngọc Trai: Năm 2011, một lần tôi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự gồm có 6 bị cáo tại Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, địa chỉ 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Khi người nhà bị cáo muốn vào phòng xử đã bị cảnh sát tư pháp ngăn lại. Thư ký tòa án đã đề nghị với công an là để cho người nhà vào tham dự thì một anh công an cãi lại: Cho người ta vào nếu có chuyện gì xảy ra thì anh (tức thư ký) chịu trách nhiệm nhé? Trước câu hỏi đó và thái độ sừng sộ của người công an, anh thư ký đành thôi.
Một phiên tòa xét xử công khai tại TAND TP Hà Nội |
Một lần khác cuối năm 2011 và đầu năm 2012 tôi tham gia 02 phiên tòa xét xử tại Tòa án nhân dân huyện T ở một tỉnh miền trung. Bị cáo là một ông trưởng thôn có uy tín được bà con quý mến, đặc biệt cáo buộc phạm tội của cơ quan tố tụng thiếu cơ sở thuyết phục do vậy bà con đi tham dự phiên tòa ủng hộ bị cáo rất đông. Lực lượng công an đã ngăn cản không cho bà con vào trong sân tòa.
Thay vì để bà con thực hiện quyền của mình, chính Chánh án tòa án huyện cũng tham gia giữ gìn trật tự phiên tòa bằng cách phối hợp cùng công an chỉ đạo thực hiện không cho bà con vào tham dự. Cách giải quyết trái pháp luật của lực lượng công an và ông chánh án đã khiến cho bà con bức xúc đứng ngoài đường cãi vã với những lời lẽ thiếu tế nhị.
Đây là hai trong số rất nhiều ví dụ về việc bảo vệ tòa án và lực lượng công an tư pháp vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền được tham dự phiên tòa công khai của người dân.
Có ý kiến cho rằng: việc hạn chế người vào dự phiên tòa để giữ gìn trật tự khi diện tích phòng xử hẹp, đề phòng những người nhà của bị hại quá khích gây ồn ào ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?
Ví dụ điển hình minh chứng cho tình trạng phòng xử hẹp là Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, số 262 Đội Cấn, mấy phòng xử án được bố trí nằm tại ngách bên trái của tòa nhà đối diện cổng ra vào. Lối đi vào phòng xử hẹp và gần đó là khu vực vệ sinh, phòng xử án không có gì cho thấy sự tôn nghiêm của một nơi định đoạt số mệnh pháp lý và rất nhiều khi là định đoạt mạng sống của con người.
Tòa án nhân dân tối cao đã tận dụng những không gian thẹo thừa làm phòng xử án, còn những nơi chính diện thì làm văn phòng. Bằng cách bố trí như vậy chúng ta có thể hình dung được mức độ của cái gọi là “công lý” được thực thi ở những nơi chốn này.
Một ví dụ điển hình khác là phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, không chỉ phòng xử án mà toàn bộ khuôn viên của Tòa Đống Đa là quá chật hẹp. Phòng xử án của tòa án lớn cỡ bằng một phòng nghỉ khách sạn dành cho hai người.
Tuy nhiên thực tế cho thấy không gian chật hẹp không phải là lý do thuyết phục để ngăn cản người dân vào tham dự phiên tòa, bằng chứng là còn nhiều ghế trống trong phòng xử.
Việc dự liệu rằng những người tham dự phiên tòa gây ồn ào ảnh hưởng đến việc xét xử, điều đó là đúng với những người có trách nhiệm tổ chức bố trí phiên xử. Tuy nhiên việc dự liệu và giải quyết công việc không được triệt tiêu luôn quy định pháp luật. Rất nhiều người tham dự phiên tòa có ý thức giữ gìn trật tự, chỉ có một vài trường hợp cá biệt là gây rối, nhưng sau đó bị xử lý đưa ngay ra ngoài. Nhìn vào số ít xấu mà đánh đồng tất cả là xấu, tước bỏ luôn quy định pháp luật thế là không được.
Tại sao pháp luật không quy định cấm công dân tham dự phiên tòa cho gọn? Nếu công dân không được tham dự phiên tòa, tức việc xét xử không còn công khai, tức là bí mật kín đáo. Khi đó các trình tự thủ tục xét xử không còn ý nghĩa nữa, trình diễn nào có ý nghĩa gì khi không còn khán giả? Khi đó việc xử lý tội phạm chẳng khác gì sự trả thù của luật pháp, cũng lén lút mờ ám như hoạt động của tội phạm.
Lực lượng công an phải phối hợp với tòa án để có cách thức bảo vệ cho bị cáo và giữ gìn trật tự phiên tòa, nhưng không được vi phạm pháp luật, mang danh là bảo vệ pháp luật lại đi vi phạm một quy định pháp luật khác thì hoạt động sẽ mất hết ý nghĩa.
Nguồn gốc của hiện tượng này xuất phát từ việc coi thường pháp luật của chính tòa án và lực lượng công an tư pháp. Họ biết thừa rõ là công dân có quyền tham dự phiên tòa công khai nhưng họ vẫn ngăn cản để cho công việc của họ được dễ dàng. Họ đánh đổi sự nhàn hạ trong công việc bằng việc hy sinh quyền hợp pháp của người khác. Đặc biệt là trong môi trường điều kiện mà sai phạm của họ lại được dung dưỡng, không bị xử lý.