Luật sư tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp
Luat su Ha Noi – Vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự trong mấy năm gần đây đã được nhiều người nói tới. Đặc biệt sau khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng có Nghị quyết 08 và tiếp đó là Nghị quyết 49 về định hướng cải cách tư pháp ở nước ta từ nay đến năm 2020 thì vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự càng được quan tâm nhiều hơn. Trong quá trình sửa đổi bổ sung cũng như ban hành Bộ luật tố tụng hình sự mới của nước ta, tranh tụng trong tố tụng hình sự được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Với vai trò là một luật sư đã nhiều năm tham gia công tác bào chữa cho các bị can, bị cáo, chúng ta thấy để tố tụng hình sự đạt hiệu quả cao không thể không đề ra những định hướng tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự.
Phải nói rằng trước thời điểm ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, trong tố tụng hình sự ở nước ta cũng đã có sự tranh tụng giữa các bên trong tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và sau đó là các văn bản pháp luật tố tụng hình sự liên quan đều có những quy định về sự tham gia của luật sư – người bào chữa trong tố tụng hình sự. Việc quy định người bào chữa được tham gia từ giai đoạn điều tra cũng như tham gia các phiên tòa xét xử hình sự đã khẳng định vai trò của luật sư trong việc làm sáng tỏ bản chất vụ án hình sự, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của tổ chức xã hội và quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, hiện nay người ta mới hiểu tranh tụng trong tố tụng hình sự dường như chỉ được thể hiện trong phiên tòa xét xử và rõ nét nhất ở phần tranh luận, đối đáp giữa luật sư – người bào chữa với đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, người bị hại, nguyên đơn dân sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thế nhưng thực tế tranh tụng trong tố tụng hình sự đã xuất hiện trước cả thời điểm tòa án xét xử các vụ án hình sự . Xuất phát từ nguyên tắc ở đâu có buộc tội thì ở đó có bào chữa, sự tranh tụng xuất hiện từ khi một người bị bắt giữ hoặc một người trở thành bị can trong vụ án hình sự sau khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có nhiều quy định rất mới về địa vị pháp lý của người bào chữa cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực hiện sự tranh tụng nói chung và nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án nói riêng.
Nói đến tranh tụng tức là nói tới sự cọ xát giữa các quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau của các bên trong tố tụng hình sự. Nếu không có sự cọ xát giữa các quan điểm nêu trên chắc chắn việc tìm ra sự thật của vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lẽ lúc này sự buộc tội hoặc sự bào chữa chỉ tiến hành theo một chiều. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội – điều mà dư luận xã hội luôn luôn không chấp nhận. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định nhiều nguyên tắc quan trọng của tố tụng hình sự nhưng đáng tiếc ngay trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã không quy định tranh tụng như một nguyên tắc tố tụng hình sự. Lỗ hổng này của pháp luật đã tạo ra sự không thống nhất trong việc hiểu về bản chất của tranh tụng và cách làm vô nguyên tắc của một số người tiến hành tố tụng, ngăn cản việc thực hiện sự tranh tụng trong tố tụng hình sự. Chính vì vậy, để tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự trước hết cần thể chế hóa tranh tụng như một nguyên tắc rất quan trọng trong chương Các nguyên tắc của tố tụng hình sự Việt Nam.
Trong tố tụng hình sự có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân khác nhau. Nhưng suy cho cùng, các cơ quan, tổ chức hoặc các cá nhân đó được xếp vào một trong ba nhóm chủ thể của các quan hệ tố tụng hình sự: nhóm chủ thể thực hiện chức năng buộc tội; nhóm chủ thể thực hiện chức năng bào chữa; và nhóm chủ thể thực hiện chức năng xét xử. Cho dù trong tố tụng hình sự vẫn tồn tại quan hệ phối hợp nhưng vì giữa các chức năng nói trên có tính độc lập với nhau nên các cơ quan, tổ chức và các cá nhân thực hiện các chức năng đó cũng độc lập với nhau. Các chủ thể buộc tội về cơ bản có nhiệm vụ thu thập tài liệu chứng cứ để bào chữa, còn tòa án là cơ quan trung gian đứng giữa hai nhóm chủ thể nêu trên để phán xét trên cơ sở các quan điểm của các bên đưa ra. Sự phân định nêu trên sẽ đề cao vai trò, vị trí của từng nhóm chủ thể quan hệ tố tụng hình sự và đặc biệt đề cao vai trò của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Từ thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự trong thời gian qua ở nước ta thấy rằng dường như tòa án cũng là bên buộc tội ( cùng với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát). Điều này thể hiện trong quá trình phối hợp giữa ba cơ quan tiến hành tố tụng; trong việc tòa án được quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung; trong các cuộc họp liên ngành, chỉ đạo án, thỉnh thị án và tình trạng án bỏ túi. Thực tiễn nêu trên là sự triệt tiêu nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tranh tụng nói chung và vai trò của luật sư nói riêng chỉ còn là những quy định cứng nhắc trên giấy mà không được thực hiện trong thực tiễn. Các phiên tòa xét xử có sự tham gia của luật sư cũng chỉ mang tính hình thức vì nhiều vấn đề trong tố tụng hình sự đã được quyết định trước thời điểm mở phiên tòa. Để khắc phục tình trạng nêu trên và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự phải có các quy định thể hiện tòa án là cơ quan trung gian, là trọng tài phán xét tính có căn cứ và tính hợp pháp của các đề nghị do bên buộc tội và bên bào chữa đưa ra. Tòa án là người điều khiển phiên tòa và chỉ được nghiêng về bên nào khi bên đó có lý lẽ thuyết phục.
Như trên đã nêu, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự bằng các quy định cụ thể. Điều 11 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Điều 19 quy định về bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; Điều 43 quy định về quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; Điều 56 quy định về người bào chữa; Điều 57 quy định về lựa chọn và thay đổi người bào chữa; Điều 58 quy định về về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Tiếp đó, Luật luật sư năm 2006 cũng đã có những quy định về địa vị pháp lý của luật sư khi tham gia tố tụng ( Điều 27). Tuy nhiên, các quy định nêu trên cũng chưa được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tiễn. Đã có rất nhiều luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và Đoàn luật sư lên tiếng cảnh báo về tình trạng một số người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương có những hành vi, việc làm ngăn cản luật sư tác nghiệp ( thí dụ, không kịp thời cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư tham gia tố tụng; gây khó khăn cho luật sư khi luật sư muốn tiếp xúc với hồ sơ và sao chụp hồ sơ tài liệu, gặp gỡ bị can, bị cáo trong trại tạm giam…). Chính vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và các quy định về địa vị pháp lý của luật sư trong tố tụng hình sự là rất cần thiết. Về nguyên tắc, các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự là rất cần thiết. Về nguyên tắc, các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự về luật sư – người bào chữa trong tố tụng hình sự cần sự tỉ mỉ và chi tiết hơn để không có sự nhầm lẫn trong cách hiểu nội dung điều luật dẫn tới sự không thống nhất trong việc áp dụng các quy định đó trong thực tiễn. Gấp rút ban hành các văn bản dưới luật để giải thích Bộ luật tố tụng hình sự. Trong tố tụng hình sự, luật sư – người bào chữa là một trong những người tham gia tố tụng từ đầu tới cuối, từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án tới giai đoạn thi hành các bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, ngoài các văn bản của Nhà nước giải thích, hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự cần có các thông tư liên ngành, thông tư ngành quy định những vấn đề liên quan tới người bào chữa. Trong thời gian sắp tới, khi Tổ chức luật sư toàn quốc được thành lập cần đưa tổ chức này vào tham gia trong quá trình soạn thảo các văn bản nêu trên, thậm chí phải ban hành các thông tư giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Tổ chức luật sư toàn quốc quy định về những vấn đề liên quan tới hoạt động của luật sư trong tố tụng hình sự. Tất cả những việc làm nói trên sẽ tạo ra một cơ chế phối hợp giữa Tổ chức luật sư toàn quốc với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư – người bào chữa tác nghiệp trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự. Luật sư – người bào chữa chỉ thực sự trở thành người tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tạm giữ, bị can, bị cáo khi họ được thừa nhận là người bào chữa bằng một giấy chứng nhận người bào chữa của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, để họ thực hiện tranh tụng với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì đầu tiên các cơ quan tiến hành tố tụng phải nhanh chóng xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa trong thời hạn luật định. Hiện nay, luật tố tụng hình sự quy định người bào chữa được gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam nhưng trong thực tế các cuộc gặp gỡ đó đều bị cơ quan điều tra giám sát nên việc thu thập các tài liệu, thông tin về vụ án từ phía bị can, bị cáo không đạt hiệu quả cao. Trước sự có mặt của điều tra viên, bị can, bị cáo thường không khai báo hoặc khai báo không trung thực với luật sư trong khi nếu không có mặt của điều tra viên thì bị can, bị cáo có thể cung cấp cho luật sư nhiều thông tin hơn. Điều này gây khó khăn cho luật sư trong việc đưa ra các yêu cầu và kiến nghị, các ý kiến phản bác lại quan điểm của cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát. Để khắc phục tình trạng này và tăng cường tranh tụng giữa luật sư – người bào chữa với cơ quan buộc tội là cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay trong giai đoạn điều tra và truy tố, luật tố tụng hình sự cần quy định quyền của luật sư bào chữa được gặp riêng bị can, bị cáo bị tạm giam.
Để tranh tụng có hiệu quả, luật sư – người bào chữa cần có các tài liệu và chứng cứ về vụ án hình sự. Quá trình điều tra và truy tố thực chất là quá trình cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đi thu thập các tài liệu trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cung cấp thì luật sư khó có đủ các tài liệu để tranh tụng và nếu có tranh tụng thì chất lượng không cao bởi các kiến nghị, các yêu cầu của luật sư nhiều khi không có tính thuyết phục. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định người bào chữa được quyền tự mình thu thập các chứng cứ và trong từng giai đoạn của tố tụng hình sự có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ này cho các cơ quan tiến hành tố tụng tương ứng. Tuy nhiên, trong thực tế việc thu thập chứng cứ của người bào chữa gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, bản thân luật sư không phải là các điều tra viên chuyên nghiệp, không hiểu biết hết về kỹ năng và kỹ thuật điều tra; thứ hai, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thường từ chối làm việc với luật sư (mặc dù có giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề) và cung cấp các tài liệu cần thiết theo đề nghị của luật sư. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, để nâng cao chất lượng tranh tụng giữa bên buộc tội và bên bào chữa ngay trong giai đoạn khởi tố điều tra, truy tố, luật sư cần có sự trợ giúp của các chuyên gia điều tra của các tổ chức điều tra phi chính phủ. Đã đến lúc Nhà nước cho phép ra đời của các văn phòng thám tử tư cung cấp các dịch vụ điều tra theo yêu cầu, đề nghị của các tổ chức hành nghề luật sư. Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có một chương quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các khiếu nại trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm có hiệu lực thi hành, từ thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư ,chúng tôi thấy việc giải quyết khiếu nại trong đó có khiếu nại của luật sư – người bào chữa vẫn chưa được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Rất nhiều khiếu nại, kiến nghị của luật sư gửi tới các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng các khiếu nại, kiến nghị đó thường bị lãng quên bởi cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không có hồi âm sau khi nhận được các khiếu nại, kiến nghị. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi kiến nghị trong Bộ luật tố tụng hình sự mới cần có các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị của luật sư. Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải trả lời bằng văn bản để luật sư biết kiến nghị của mình được chấp nhận hay không được chấp nhận. Từ đó, luật sư tiếp tục có định hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sau khi những kiến nghị của mình vị từ chối.
Trong tố tụng hình sự ở nước ta, tranh tụng được thể hiện rõ nét nhất tại phiên tòa xét xử. Như trên đã nói, tranh tụng không chỉ thể hiện trong phần tranh luận, đối đáp, mà còn thể hiện trong quá trình luật sư tham gia xét hỏi. Việc hội đồng xét xử không cho phép luật sư đặt những câu hỏi trùng với câu hỏi của hội đồng xét xử hoặc viện kiểm sát chính là tước đi quyền tranh tụng của luật sư. Lẽ đương nhiên, để việc tranh tụng diễn ra ngay trong phần xét hỏi, luật sư cần có những câu hỏi xác đáng nhằm làm sáng tỏ một vấn đề mặc dù có thể vấn đề đó đã được hội đồng xét xử hoặc viện kiểm sát xem xét thông qua các câu hỏi trước đó. Nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng trong việc xét hỏi, tranh luận, đối đáp giữa luật sư với viện kiểm sát trong phiên tòa cần được các bên tôn trọng và đặc biệt cần được hội đồng xét xử tôn trọng. Hội đồng xét xử nói chung và chủ tọa phiên tòa nói riêng không được hạn chế thời gian tham gia xét hỏi, tranh luận, đối đáp của luật sư. Lãnh đạo tòa án không nên đặt trước một kế hoạch về thời gian khi xét xử một vụ án hình sự bởi lẽ việc làm này rất có thể dẫn tới việc hội đồng xét xử tiến hành công việc của mình một cách phiến diện ( vì chạy theo kế hoạch thời gian), hạn chế hoặc tước đi quyền của luật sư khi tham gia phiên tòa xét xử.
Cho tới nay, trong tố tụng hình sự ở nước ta, hầu như luật sư – người bào chữa không được mời tham gia các phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm. Điều này có nguyên nhân là do luật tố tụng hình sự có một quy phạm mang tính tùy nghi khi quy định về sự tham gia của luật sư trong các phiên tòa nói trên ( pháp luật quy định trong những trường hợp cần thiết thì có thể mời luật sư – người bào chữa tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm không có luật sư bào chữa tham gia điều đó có nghĩa là không có sự tranh tụng trong các phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm, luật tố tụng hình sự cần quy định nếu người bị kết án mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại các phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm thì sự có mặt của luật sư bào chữa là bắt buộc.
Từ thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư, chúng tôi thấy rằng sau khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, không ít người thân, gia đình người bị kết án đã tới các tổ chức hành nghề luật sư kêu oan và nhờ luật sư can thiệp, giúp đỡ. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án, cũng như việc tư vấn, hướng dẫn họ hoặc những người thân của họ khiếu nại tới các cơ quan và những người có thẩm quyền để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là rất cần thiết. Vai trò của luật sư và các tổ chức hành nghề trong những trường hợp này cũng rất quan trọng, với vị trí là những người am hiểu pháp luật, các kiến nghị của luật sư cũng như các tổ chức hành nghề luật sư về tính có căn cứ pháp luật, tính thuyết phục của các bản án, quyết định của tòa án mặc dù chúng đã có hiệu lực pháp luật cần được xem xét. Đáng tiếc trong thời gian qua các kiến nghị nêu trên của các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư cũng thường bị rơi vào quên lãng, không được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao khi xem xét các khiếu nại, kiến nghị đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cần chú ý các khiếu nại, kiến nghị của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, bản thân luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư cũng là những người, tổ chức được quyền kiến nghị với người có thẩm quyền ra kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm. Việc xem xét kiến nghị của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cần được ưu tiên bởi lẽ họ có thể đã là những người tham gia tố tụng trong các giai đoạn trước đây, đã hiểu rõ hồ sơ vụ án hơn những người khác.
Biện pháp cuối cùng nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả tranh tụng trong tố tụng hình sự là luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình, phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách công tâm đồng thời giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và thực hiện tranh tụng một cách có văn hóa.
Luật sư Nguyễn Minh Long