Gần 20 năm không thể ly hôn
“Luật không cho phép tòa cưỡng chế trưng cầu giám định đối với đương sự có dấu hiệu tâm thần nên vụ án đành… treo”.
TAND một quận ở TP.HCM đang đau đầu khi giải quyết vụ ông P. (ngụ Gò Vấp) yêu cầu tuyên bố vợ ông mất năng lực hành vi dân sự để ông ly hôn.
Đòi tuyên vợ mất năng lực…
Ông P. kể rằng vợ chồng ông kết hôn năm 1987. Ba năm sau thì có một bé gái. Tuy nhiên, một năm sau nữa, vợ ông bỏ nhà đi…
12 năm trước, ông cũng đã nộp đơn ra tòa này xin ly hôn vì vợ bị bệnh bởi bà hay nói ông lăng nhăng. Rồi bà từng một lần tự tử, phá phách, chửi bới ông, đánh con trước mặt lối xóm… Ông không thể chung sống vì nếu sống chung sẽ sinh ra những người con không bình thường.
Tuy nhiên, vợ ông lại phản bác cho là mình rất bình thường, không mắc bệnh gì cả. Bà vẫn rất yêu thương chồng con… Bà nhấn mạnh thêm rằng từng bị sốc khi biết ông không chung thủy, phụ bạc. Gia đình có đưa bà đi khám vì bà bị bệnh về nhân cách, không có bệnh về tâm thần.
Sau khi nghe hai bên trình bày, cuối cùng tòa quyết không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông P. vì bà vợ chỉ bị sốc về tình cảm dẫn đến ảnh hưởng tinh thần chứ không phải mắc bệnh tâm thần như ông nại ra.
Giờ đây, để chuyện ly hôn có kết quả, ông làm đơn yêu cầu tòa tuyên bố bà mất năng lực hành vi dân sự. Bởi nếu ông không làm được thủ tục này thì không có cách nào khác để ly hôn.
Không có lối ra
Tuy nhiên, khổ cho tòa là thụ lý vụ án này, tòa đã mời vợ ông P. cùng gia đình bà này đến để phối hợp giải quyết nhưng hết người này đến người khác đều không xuất hiện. Trong khi luật thì cũng không quy định tòa được cưỡng chế họ khi họ không hợp tác nên vụ án đành phải… treo.
Biết chuyện này, nhiều thẩm phán tòa quận cũng than thở hiện có rất nhiều yêu cầu tuyên bố mất hành vi năng lực một người nào đó để làm thủ tục ly hôn. Nhưng những người đang sống chung với họ cương quyết không hợp tác với tòa. Vì thế vụ án đã rơi vào bế tắc, tòa bó tay…
Trước vấn đề trên, một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết đúng là hiện luật tố tụng chưa có quy định cụ thể gì về những trường hợp này. Khi giải quyết vụ việc dân sự, luật không cho phép tòa được cưỡng chế để giám định với những người có dấu hiệu tâm thần. Vấn đề là người giải quyết vụ việc phải linh động để có thể trưng cầu được giám định người được yêu cầu có mắc bệnh không. Từ đó tòa mới có thể ra quyết định tuyên bố một người nào đó mất năng lực hành vi dân sự.
Thẩm phán này đề nghị hiện những trường hợp như ông P. không hiếm, luật chưa tiên liệu được hết nên cần sớm có một hướng dẫn cụ thể để giải quyết, khắc phục.
Ông P. có thể đòi ly hôn lần nữa
Ông P. có thể làm đơn thông qua tòa yêu cầu tổ chức việc trưng cầu giám định pháp y bà vợ tại nhà. Trường hợp người nhà vợ ông cương quyết không cho vào thì nhờ đến chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ. Nếu họ vẫn cương quyết không hợp tác thì đành chịu. Bởi pháp luật dân sự hiện hành không cho phép tòa cưỡng chế trưng cầu giám định đối với đương sự có dấu hiệu tâm thần.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông P. có thể khởi kiện ly hôn lại. Tòa sẽ tiến hành mọi thủ tục như những vụ kiện ly hôn thông thường. Nếu bà vợ không tham gia tố tụng thì tòa sẽ xử vắng mặt. Sau khi có bản án dân sự sơ thẩm, nếu người nhà bà vợ kháng cáo cho rằng bà mắc bệnh tâm thần, không tham gia giải quyết vụ ly hôn thì họ có trách nhiệm phải chứng minh người vợ bị bệnh này.
VP LUẬT DRAGON (SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM)