Luật sư trao đổi với báo Vietnam Investment Review về quản lý thuế kinh doanh onlie tại Việt Nam
Công ty Luật TNHH Dragon xin gửi lời chào trân trọng tới Quý báo!
Phúc đáp câu hỏi của Quý báo, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) có quan điểm như sau:
1– Luật sư nhận định thế nào về tính hiệu quả của các quy định có liên quan đến quản lý thuế kinh Doanh online tại Việt Nam hiện nay?
Việc quản lý thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội là thật sự cần thiết nhằm quản lý các hoạt động kinh doanh trên mạng, tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, đảm bảo mục tiêu công bằng xã hội. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng tốt hơn cũng làm cho sản phẩm, dịch vụ được cung cấp tốt hơn từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.
Do đó, Nhà nước đã xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo việc quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với các cá nhân kinh doanh online qua mạng internet trên các kênh mạng xã hội được hiệu quả hơn. Hệ thống luật pháp liên quan đến quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT của Việt Nam đã được quy định khá đầy đủ.
Có thể kể đến Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó, thu nhập từ kinh doanh của cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế. Như vậy, nếu doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng thì cá nhân kinh doanh buộc phải nộp thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định pháp luật liên quan đến quản lý thuế chưa thực sự phát huy 100% hiệu quả. Vẫn còn nhiều trường hợp trốn thuế được vì khi kinh doanh qua mạng xã hội, nếu như không đăng ký kinh doanh hay tự nguyện khai báo thuế thì rất khó xác định được doanh thu thực sự hằng năm của đối tượng này để từ đó có thể thu được thuế. Có rất nhiều trường hợp bán hàng qua mạng xã hội kinh doanh tự do, không đăng ký kinh doanh, doanh thu vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm nhưng việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt không qua ngân hàng hoặc nếu thanh toán chuyển khoản thì phân bổ tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân trong gia đình nên khó xác định doanh thu Nhà nước vẫn thất thu thuế từ các đối tượng này. Có rất ít trường hợp bị phát hiện và bị truy thu thuế.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Chính phủ yêu cầu, kể từ ngày 5/12, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản cho cơ quan thuế để cơ quan thuế dễ dàng quản lý việc thu thuế từ các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế thông qua phát sinh thu nhập trong tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, người nộp thuế phải đăng ký thuế thì mới được cấp mã số thuế. Vậy nếu một cá nhân làm kinh doanh tự do và thực hiện hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội không đăng ký thuế thì cũng không có mã số thuế, quy định này cũng không phát huy tốt hiệu quả.
Luật Quản lý thuế 2019 cũng có nội dung quy định về ấn định thuế trong trường hợp chủ thể kinh doanh không đăng ký thuế, không khai thuế…, tuy nhiên do bản chất ảo của mạng xã hội, việc thu thập dữ liệu của cá nhân kinh doanh và doanh thu vượt ngưỡng cũng trở nên khó khăn.
2- Gần đây nhất, Thông tư 40/2021/TT-BTC chính thức được ban hành 9 (có hiệu lực từ 01/8/2021) yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho các cá nhân đang bán hàng trên nền tảng của họ. Theo Luật sư, tính khả thi của quy định này đến đâu?
Theo quy định mới nhất tại Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển – COD, các hình thức trung gian thanh toán… để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ luôn phần thuế phải đóng trước khi chuyển tiền bán trả về cho các cá nhân kinh doanh. Đây là phương pháp khấu trừ tại nguồn. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả và tiết kiệm thời gian cũng như công sức của cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Quy định này ra đời thể hiện nỗ lực của việc ngăn chặn thất thu thuế trong kinh doanh online, đánh giá hiệu quả chống thất thu thuế cao hơn nhiều, dù khiến các bên tham gia kinh doanh online có thể gặp thêm nhiều phiền phức về việc kê khai, báo cáo thông tin các cá nhân tham gia sàn thương mại cho cơ quan thuế.
Tuy nhiên, xét về bản chất của việc nộp thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh thì quy định nêu trên chưa thực sự hợp lý. Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân, sàn thương mại điện tử không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT cũng không nêu trách nhiệm sàn bán lẻ online phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán.
3 – Vấn đề lớn nhất trong việc truy thu thuế kinh doanh online tại Việt Nam là gì? Và làm thế nào để việc truy thu thuế này thực sự hiệu quả ở Việt Nam? Luật sư có ý kiến gì liên quan đến vấn đề này:
Vấn đề khó khăn nhất trong việc truy thu thuế kinh doanh online tại Việt Nam là thất thoát thuế vì không xác định được đầy đủ các cá nhân kinh doanh và doanh thu của họ từ hoạt động này. Các nguyên nhân đã phân tích ở trên.
Giải pháp để việc truy thu thuế hiệu quả:
- Từng bước siết chặt lại việc thanh toán bằng tiền mặt, tăng cường và khuyến khích thanh toán bằng thẻ và các ứng dụng thanh toán điện tử thông qua ngân hàng.
- Quy định theo hướng tất cả mọi người đều có nghĩa vụ đăng ký thuế để được cấp mã số thuế (dù thuộc đối tượng nộp hoặc không nộp thuế), chứ không nên giới hạn trong phạm vi “người nộp thuế” như quy định hiện hành. Từ đó, cơ quan thuế mới có đủ cơ sở về dữ liệu để có thể bao quát hết được các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Mã số thuế có thể là mã số được cấp theo phương thức hiện tại, hoặc có thể tích hợp cùng với số căn cước công dân, do hiện nay mỗi công dân Việt Nam đều có mã định danh riêng biệt.
Trên đây là ý kiến nhận định ban đầu của Luật sư đối với sự việc nêu trên.
Công ty Luật Dragon trân trọng cảm ơn!