Luật sư tư vấn giải quyết khiếu nại thu hồi đất của UBND quận Hải An, thành phố Hải Phòng
Tôi có thuê văn phòng luật sư tại Hải Phòng bảo vệ quyền lợi cho gia đình về giải quyết tranh chấp thu hồi bồi thường đất khai hoang. Đến hẹn luật sư đi cùng tôi kèm theo các thủ tục pháp lý đơn mời, khi đến phòng họp theo lịch hẹn làm việc của Thanh tra thành phố Hải Phòng, luật sư có xuất trình giấy tờ, nhưng bị đại diện thanh tra UBNDTP mời ra khỏi phòng họp và cho rằng luật sư hôm nay đến đột ngột không báo trước, thanh tra yêu cầu luật sư gửi thủ tục hồ sơ để thanh tra nghiên cứu và sẽ trả lời có cho phép luật sư tham gia hay không? Luật sư đã bảo tôi và gia đình cứ vào làm việc, luật sư đi về không có ý kiến hay có tính phản biện nào? mặc dù luật sư có hướng dẫn cho tôi về nội dung chuẩn bị cho cuộc họp? Như vậy Thanh tra có làm đúng luật hay không? Luật sư không có ý kiến phản biện mà lại đi về có đúng không? Nhờ văn phòng luật sư Dragon tư vấn cho tôi biết kèm theo căn cứ pháp lý.
Công ty Luật TNHH Dragon xin gửi lời chào trân trọng tới Quý khách hàng!
Phúc đáp yêu cầu tư vấn pháp luật của anh/chị, đề nghị cho ý kiến về một số nội dung pháp lý liên quan đến việc: “Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khiếu nại việc thu hồi đất của UBND quận”, chúng tôi có ý kiến như sau:
Sau khi nghiên cứu những quy định của pháp luật cùng với kinh nghiệm thực tế trong các vụ việc khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, chúng tôi có một vài nhận định, đó là:
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại, người khiếu nại có quyền: “Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật khiếu nại, Luật sư có quyền:
- a) Tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại;
- b) Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền;
- c) Xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại;
- d) Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.
Khi tham gia giải quyết khiếu nại, luật sư có nghĩa vụ xuất trình thẻ luật sư, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền của người khiếu nại (khoản 2 Điều 16 Luật khiếu nại). Căn cứ vào những quy định trên cho thấy, khi tham gia giải quyết khiếu nại, luật sư có nghĩa vụ thông báo với các cá nhân, tổ chức liên quan quan và xuất trình đầy đủ giấy tờ theo luật định là đã có thể tham gia giải quyết khiếu nại, không cần phải có sự cho phép của người/tổ chức giải quyết khiếu nại hoặc những cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Và điểm a khoản 1 Điều 21 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về “Các trường hợp đối thoại” như sau: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.”
Điểm a khoản 2 Điều 21 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về “Thành phần tham gia đối thoại” như sau: “Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.”
Như vậy, việc đại diện thanh tra mời luật sư ra khỏi phòng họp và cho rằng luật sư hôm nay đến đột ngột không báo trước, thanh tra yêu cầu luật sư gửi thủ tục hồ sơ để thanh tra nghiên cứu và sẽ trả lời có cho phép luật sư tham gia hay không là không đúng với các quy định của Luật khiếu nại và Thông tư số 07/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Việc Luật sư đi về mà không có bất cứ ý kiến gì là từ bỏ quyền của mình được pháp luật quy định; không bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình; vi phạm Quy tắc 3 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam:
“Quy tắc 3. Bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng
Luật sư có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng theo quy định của pháp luật, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.”
Trên đây là quan điểm ý kiến của Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long Giám đốc Công ty Luật Dragon – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về nội dung vụ việc trên.
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội và Luật sư Hải Phòng theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính văn phòng luật sư Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Văn phòng luật sư Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Văn phòng luật sư Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Trân trọng!