Luật sư và cơ quan tố tụng: Hợp tác chứ không “đối đầu”
Trong cuộc họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc mới đây, bên cạnh chuyện đồng phục, vấn đề giữ bí mật thông tin của khách hàng, còn một nội dung khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Đó là mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan, cán bộ
tố tụng…
Quy tắc 2 trong bản dự thảo lần 6 Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư quy định chung về việc luật sư khi hành nghề phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
Tôn trọng để cùng làm việc
Về vấn đề trên, luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định: Khi hoạt động nghề nghiệp, luật sư không thể vì lợi ích của khách hàng hay lợi ích của chính bản thân mình mà đi ngược lại sự thật hoặc làm việc theo sự sắp đặt, sự chi phối của người khác.
Đặc biệt, việc hoạt động hành nghề bắt buộc luật sư phải tiếp xúc với nhiều cơ quan, tổ chức. Để đảm bảo được sự độc lập của mình, người luật sư phải tuân thủ các quy tắc trong quan hệ với cơ quan tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Chẳng hạn như không được cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ không xác thực cho các cơ quan tố tụng và cơ quan nhà nước khác; không được móc nối, lôi kéo cán bộ làm việc trái quy định của pháp luật…
Ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, luật sư còn có mục đích khác là bảo vệ trật tự xã hội và sự công bằng của pháp luật. Ảnh: HTD
Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng phân tích về mối quan hệ giữa luật sư và cơ quan tố tụng. Ông Hoài viện dẫn một đề tài khoa học khá chuyên sâu của Trường ĐH Luật TP.HCM: “Tranh tụng chính là sự xác định mối quan hệ giữa chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội như là sự thống nhất và đấu tranh giữa hai mặt đối lập”. Có thể sự đấu tranh này là nguyên nhân dẫn đến nhận thức khác nhau về tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Thậm chí có người còn cho rằng luật sư và những người tiến hành tố tụng là “địch thủ trời sinh” và khoảng cách giữa họ không thể lấp đầy.
Theo ông Hoài, nói luật sư độc lập trong hoạt động hành nghề thì cũng không có nghĩa là tự mình tách ra và coi mình là tuyệt đối. Luật sư dành sự quan tâm, tôn trọng các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng thì cũng sẽ nhận được sự tôn trọng lại. Luật sư phải thể hiện cho các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng thấy được ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, luật sư còn có mục đích khác là bảo vệ trật tự xã hội và sự công bằng của pháp luật… Có như vậy luật sư sẽ đảm bảo được tính độc lập trong hành nghề mà vẫn được giữ được sự tôn trọng từ các cơ quan tố tụng và các cán bộ tố tụng.
Không phải góp ý trước khi khiếu nại
Khoản 2 Quy tắc 24 quy định: Khi phát hiện những người tiến hành tố tụng có sai sót, vi phạm về thủ tục tố tụng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của khách hàng hoặc có thái độ không đúng mực gây cản trở cho hoạt động nghề nghiệp của mình thì luật sư cần góp ý kiến xây dựng, giúp họ có điều kiện kịp thời khắc phục, sửa chữa trước khi thực hiện quyền khiếu nại theo quy định.
Quy định này đã gặp sự phản đối bởi thực tế cho đến nay, sau tám năm thực hiện cải cách tư pháp, giới luật sư vẫn còn đang phải kêu ca về chuyện bị cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra gây khó dễ.
Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, nhìn nhận việc làm khó luật sư của một số cán bộ tố tụng là có biểu hiện cố ý. Vì vậy, bắt buộc luật sư trước khi khiếu nại phải góp ý sẽ gây mất thời gian mà chưa chắc cán bộ tố tụng đã chịu tiếp thu. Trong khi đó, công việc của luật sư rất bận rộn và không phải chỉ gói gọn trong một địa phương để có thể gặp gỡ, trò chuyện rồi góp ý xây dựng.
Ý kiến của ông Phong đã được hầu hết ủy viên Hội đồng Luật sư tán thành. Tất cả đều thống nhất sẽ bỏ việc phải góp ý trước khi khiếu nại ra khỏi bản quy tắc. Như một luật sư nhận xét, chuyện góp ý hay không sẽ do luật sư tự cân nhắc để đưa ra cách ứng xử cho phù hợp, còn quyền khiếu nại của luật sư là quyền luật định, không cần phải cho thêm một “thủ tục con” trước khi tiến hành.
TIẾN HIỂU
Theo Pltp
Công ty luật Dragon