Đôi điều về luật sư – Văn phòng luật sư Hà Nội Dragon
Van phong luat su Ha Noi Dragon – 1. Mới 8h sáng, phòng xử án đã chật kín người. Vì là án điểm nên vụ án tập trung sự chú ý của nhiều người cũng như các cơ quan báo chí. Công tác bảo vệ được tòa đặc biệt quan tâm. Nhiều người lặng lẽ tìm ghế ngồi, một số người khác tranh thủ ra hành lang trao đổi. Đúng 8h30, phiên tòa vẫn không thể khai mạc. Mọi người bắt đầu nhìn đồng hồ, 8h40 rồi 8h50. Trong phòng nghị án sát cạnh phòng xử, các thành viên trong Hội đồng xét xử đưa mắt nhìn nhau tỏ ý khó chịu. Nguyên do rất đơn giản. Đây là vụ án mà bị cáo bị truy tố ở mức án cao nhất nên buộc phải có luật sư, nhưng tới giờ phút này luật sư vẫn bặt tăm. Người nhà bị cáo, thư ký phiên tòa gọi điện liên tục cho luật sư nhưng chỉ nghe thấy tiếng… tò te tí từ máy di động của luật sư.
Những người trong phòng xử án bắt đầu ồn ào vì không hiểu lý do gì phiên tòa lại khai mạc muộn như vậy. Rồi họ cũng biết được nguyên nhân của sự chậm chễ này là luật sư chưa đến. Phải đến 9h5, một người từ văn phòng của vị luật sư nọ mới hộc tốc chạy tới, đưa cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa một tờ giấy, nội dung là luật sư đang phải bận một việc khác liên quan đến nghề nghiệp, không thể tham dự được, đề nghị hoãn phiên tòa.
Nhiều người có mặt hôm đó đã vô cùng khó chịu về việc làm này của luật sư. Nếu vắng mặt, có thể thông báo từ một vài ngày trước, cần gì phải đến sát giờ diễn ra phiên tòa mới làm việc đó? Với nhà tòa, họ không lạ gì việc này, bởi họ biết, đó cũng là cách để luật sư tạo áp lực cho phiên tòa, muốn khẳng định được “quyền” của mình trong tố tụng. “Kế hoạch” trì hoãn của họ gia đình đương sự biết cả, nhưng cũng đồng tình với luật sư để vở kịch có được yếu tố bất ngờ hay kịch tính đến giờ phút cuối.
Chuyện luật sư xin hoãn phiên tòa không phải là hiếm. Còn rất nhiều trường hợp đi muộn khác khiến cho những người tham gia tố tụng hay đến dự phiên tòa đều khó chịu, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi pháp đình và trong những hoàn cảnh đó, rõ ràng hình ảnh của luật sư đã bị “mất điểm” trong mắt nhiều người.
2. Với những luật sư có uy tín trong “làng”, thu nhập của họ đương nhiên rất cao và khách hàng đến cũng rất đông. Người này xong việc mách người kia, thế là luật sư bị cuốn vào vòng xoáy công việc, có tuần tham gia tố tụng 3-4 vụ, không chỉ ở Hà Nội mà cả ở những tỉnh, thành khác. Ngoài giờ làm việc lại còn tư vấn pháp lý nữa. Mức thù lao cho một giờ tư vấn cũng không phải ít.
Ai cũng có quyền làm giàu chính đáng, bằng năng lực và sức lao động của chính mình. Song, bên cạnh những luật sư giỏi thật sự, có tinh thần trách nhiệm vẫn có những “con sâu” thông qua những việc như: môi giới chạy án; bảo vệ thân chủ bằng những lập luận thiếu khách quan, ảnh hưởng đến người khác, tư vấn cho đương sự thông qua những vụ việc cụ thể nhưng lại ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan pháp luật, các cơ quan hành chính; hứa hẹn những điều không có thật về một khả năng tốt đẹp cho người nhà đương sự bằng một số tiền không nhỏ nhưng thực tế không diễn ra như vậy; kéo thân chủ vào “mê hồn” trận không chỉ qua án sơ thẩm mà còn cả phúc thẩm hay đề nghị giám đốc thẩm… Bởi khi đã trong vòng tố tụng, có lẽ luật sư là người dễ chia sẻ và nói những điều dễ nghe nhất với các đương sự. Tóm lại, có rất nhiều việc làm mà những người nếu am hiểu pháp luật một chút sẽ biết ngay được “bài” của luật sư để rồi thiệt hại cuối cùng vẫn là các đương sự hay người nhà của họ.
Có thể nói những năm gần đây, một trong những diễn biến phức tạp có ảnh hưởng đến ANTT địa phương chính là việc giải phóng mặt bằng để thi công một công trình. Nếu trước đây, các luật sư rất ít khi “vào cuộc” những việc như thế này thì giờ đây, một số luật sư lại tỏ ra “thích thú”. Vẫn biết pháp luật luôn có kẽ hở nhưng một công dân có trách nhiệm với xã hội phải biết bảo vệ những lợi ích của cộng đồng. Thực tiễn cho thấy, có luật sư đã bỏ rất nhiều tâm chí để đứng sau những vụ tranh chấp, kích động đám đông khiến cho tình hình giải phóng mặt bằng vốn đã phức tạp lại càng thêm khó khăn.
3. Ngay từ đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế từ 2010 đến 2020. Mục tiêu của đề án này này xây dựng một đội ngũ luật sư giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thành thạo tiếng Anh, đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Đề án cũng đưa ra một số giải pháp khác như đào tạo cử nhân tài năng trong lĩnh vực pháp lý ở trường đại học, các khóa bồi dưỡng tiếng Anh cho luật sư tập sự, thu hút luật sư Việt kiều giỏi về nước làm việc, thành lập Câu lạc bộ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế…
Đến năm 2015, sẽ có 400 luật sư được đào tạo chuyên sâu về thương mại đầu tư. Số lượng này đến năm 2020 sẽ là 1.500 người, trong đó 150 người đạt trình độ quốc tế và 30 tổ chức hành nghề chuyên sâu.
Hiện cả nước có gần 5.800 luật sư. Riêng tại Hà Nội, con số chính xác đến tháng 10-2010 là 1.484 luật sư, hành nghề tại 494 văn phòng, công ty luật. Như vậy, trung bình 15.000 người sẽ có một luật sư.
Nói vậy để thấy “bức tranh toàn cảnh” của nghề luật sư Việt Nam trong tương lai là rất sáng sủa. Sẽ không ai phủ nhận vai trò của luật sư trong suốt hành trình xây dựng và phát triển cùng với sự vươn lên của đất nước trong các thời kỳ. Để đáp ứng với tình hình, luật sư càng phải cố gắng hoàn thiện mình, trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cũng như những kiến thức về hội nhập quốc tế.
Trong cuộc sống hôm nay, mặt trái của luật sư vẫn còn nhưng không phải số đông. Để khẳng định vị thế của mình, cùng với sự hoàn thiện về pháp lý, luật sư cũng phải nỗ lực trong mọi công việc. Chỉ có như thế, uy tín của luật sư sẽ ngày nâng cao và được xã hội ghi nhận xứng đáng.
Công Minh
Theo ANTD
Công ty luật hà nội Dragon – Cong ty luat ha noi Dragon