Luật sư vỗ bàn, chê tòa – Vụ án tai nạn giao thông
Chủ tọa nhắc nhở luật sư phải có thái độ nghiêm túc, đi vào trọng tâm vụ án. Luật sư chê tòa. VKS than án… nặng nề.
Sau hai lần hoãn xử vì lý do sức khỏe của bị cáo, ngày 1-7, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên phạt Nguyễn Sỹ Điểm ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Trong phiên xử, VKS đã than vụ án không có gì phức tạp nhưng chưa có vụ nào lại nặng nề như vụ này. Luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo thì nói vụ án rất đơn giản nhưng các cơ quan tố tụng lúng túng…
Luật sư chê tòa
Ngay khi chủ tọa hoàn thành phần thủ tục, luật sư bào chữa đã có ý kiến: “Tòa đã sai khi đưa Công ty Công trình đô thị quận 1 (TP.HCM) vào diện nguyên đơn dân sự”. Theo luật sư, công ty là chủ sở hữu của chiếc xe gây tai nạn, có lỗi một phần nên không thể là nguyên đơn. Mặt khác, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên tòa phải hoãn xử để làm rõ vấn đề này.
Tòa cho rằng công ty là nguyên đơn vì có đơn đề nghị bị cáo hoàn trả một phần tiền công ty đã chi trả cho người bị hại. Còn việc có bỏ lọt tội phạm hay không thì phải xử mới biết nên vụ án vẫn được tiếp tục.
Rồi trong phiên tòa, luật sư đặt câu hỏi, nêu quan điểm về trách nhiệm phía công ty. Chủ tọa đã nhiều lần nhắc nhở luật sư đây là phiên xử hình sự nên cần đi vào trọng tâm bào chữa cho hành vi phạm tội của bị cáo. Luật sư cãi: “Bên cạnh việc bảo vệ thân chủ, tôi còn có trách nhiệm bảo vệ pháp luật. Nếu tòa chấp thuận cho tôi nói tiếp thì nói rõ, còn nếu không thì tôi sẽ về. Tòa cứ việc ghi vào biên bản”…
Bị cáo Nguyễn Sĩ Điểm trước vành móng ngựa. Ảnh: DƯƠNG HẰNG
Khi phiên tòa được tiếp tục, trong một lúc tranh luận, luật sư đã vỗ tay xuống bàn. Tòa tiếp tục nhắc nhở luật sư cần có thái độ nghiêm túc, lịch sự, nếu không sẽ lập biên bản. Lần này luật sư xin lỗi sẽ rút kinh nghiệm. Tòa nhắc nhở thêm, luật sư phải có thái độ chuẩn mực, đi vào trọng tâm vụ án.
VKS than án… nặng nề
Tiếp tục tranh luận, luật sư lại bảo: “Việc gây tai nạn không phải lỗi của riêng bị cáo mà cả phía công ty. Bởi trong cáo trạng và tại phiên tòa, VKS cũng nói rõ rằng tai nạn xảy ra là do hệ thống thắng chính không hoạt động, không do lỗi của người điều khiển. Hơn nữa, việc kiểm định chất lượng xe trước khi đưa vào vận hành là trách nhiệm của công ty. Mặt khác, theo quy định, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra… Đề nghị tòa giảm nhẹ cho bị cáo”.
Tranh luận lại, VKS nhận định đúng là thắng chính bị hỏng là tình huống bất khả kháng, không thuộc lỗi của bị cáo hay công ty. Nhưng trong trường hợp này, đáng lẽ người điều khiển phải sử dụng thắng tay. Tuy nhiên, do lái xe không làm chủ được tay lái nên gây tai nạn làm chết hai người đi đường. Trách nhiệm ở đây hoàn toàn thuộc về người lái xe.
Luật sư phản đối vì nếu vậy bị cáo phải phạm tội trong trường hợp bất khả kháng.
Cũng tại tòa, luật sư liên tục đưa ra các tình tiết bất nhất trong hồ sơ và cho rằng cơ quan tố tụng đã lúng túng khi xử lý vụ án. Chẳng hạn, quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra ghi bị cáo gây tai nạn có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điều này là không đúng, vì theo quy định gây tai nạn làm chết từ ba người trở lên mới thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng trong khi tai nạn chỉ làm chết có… hai người. Đồng thời, trong bản cáo trạng có đoạn ghi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng đến phần kết luận lại ghi rất nghiêm trọng…
Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn bảo lưu quan điểm và than: “Vụ án không có gì phức tạp nhưng chưa có vụ nào lại nặng nề như vụ này…”.
Bồi thường trên 130 triệu đồngNgày 11-2-2009, Điểm đang lái xe chở rác (của Công ty Công trình đô thị quận 1) thì gặp đèn đỏ. Điểm đạp thắng chân nhưng hệ thống mất hiệu lực nên đã tông chết hai người đi đường.
Toà nhận định bị cáo là người điều khiển xe lâu năm, lại qua trường lớp nên biết rõ rằng trước khi nhận xe phải kiểm tra kỹ lưỡng các vấn đề về kỹ thuật. Thêm nữa, bất kể xe ôtô nào ngoài hệ thống thắng chính còn có thắng phụ (thắng tay) nhưng do bị cáo không làm chủ được tình huống, không sử dụng thắng phụ mà lại đem bẻ tay lái sang bên phải nên mới đâm vào người đi đường. Như vậy dù vô ý nhưng lỗi là do bị cáo. Tuy nhiên, xét bị cáo thành khẩn, có nhân thân tốt, sức khỏe yếu (từ sau vụ án có triệu chứng tai biến mạch máu não) nên tòa tuyên án như trên. Phía công ty không hề sai nên không bị chế tài. Về phần dân sự, bị cáo đã bồi thường cho gia đình nạn nhân khoảng 130 triệu đồng, nay lại đòi bồi thường thêm nên tòa tách ra thành vụ án riêng. Tòa cũng công nhận thỏa thuận bị cáo phải hoàn trả cho công ty hơn 23 triệu đồng. |
DƯƠNG HẰNG
Cong ty luat Dragon
Tags: Luat su, luat su bao chua, luật sư bào chữa