0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Một số vấn đề về tranh tụng trong tố tụng hình sự

Tranh tụng trong TTHS là một khái niệm quen thuộc và là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS, được áp dụng phổ biến ở các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh – Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng ở nước ta, đây là một vấn đề còn mới mẻ, ít được đề cập trong khoa học pháp lý. Trong những năm gần đây, một số bài viết của các tác giả đề cập về vấn đề này ở những mức độ nhất định và với rất nhiều quan điểm khác nhau. Vấn đề tranh tụng bước đầu đã được đề cập trong BLTTHSVN. Đặc biệt vấn đề này còn được đề cập chính thức trong nội dung Nghị quyết 08/-NQ/TW ngày 02 tháng 1 năm 2002 của BCT về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới như là tư tưởng chỉ đạo trong quá trình hoàn thiện các thủ tục TTHS Việt Nam hiện nay.

Tranh tụng trong TTHS có nội dung rộng, phức tạp và liên quan đến nhiều chế định khác của khoa học luật TTHS. Mặt khác, có thể có nhiều cách tiếp cận vấn đề khác nhau nhưng theo chúng tôi vấn đề tranh tụng (quan niệm, phạm vi, giới hạn, vai trò vị trí của chủ thể tham gia tranh tụng….) lại bị chi phối bởi mô hình tố tụng. Theo các tài liệu khoa học thì TTHS Việt Nam ảnh hưởng nhiều bởi mô hình tố tụng hỗn hợp, tức là vừa có thẩm (xét hỏi), vừa có tranh tụng [1]. Vấn đề đặt ra là chúng ta bàn vấn đề tranh tụng trong phạm vi mô hình tố tụng hiện có hay vượt ra ngoài phạm vi đó? Chúng tôi cho rằng cải cách tư pháp nói chung, hoàn thiện hệ thống các thủ tục TTHS nói riêng phải trên quan điểm thực tiễn, phù hợp với thực tiễn, phải xuất phát từ điều kiện của Việt Nam và nhằm phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm ở Việt Nam. Vì vậy chúng ta chỉ có thể bàn trong phạm vi mô hình tố tụng hiện có và tất nhiên chúng ta vẫn có thể tham khảo những điểm tích cực của mô hình tố tụng khác, làm thế nào để nâng cao hiệu quả tranh tụng trong TTHS. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không thể đề cập hết mọi khía cạnh, nội dung của vấn đề mà chỉ trao đổi một vài khía cạnh của vấn đề này và ở mức độ đặt vấn đề.

1. Tranh tụng xuất hiện từ thời điểm nào:

Về bản chất, tranh tụng trong TTHS là quá trình cọ sát các quan điểm, lập luận về vụ án giữa các chủ thể của bên buộc tội và bên bào chữa tham gia vào quá trình TTHS nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, nhưng quá trình tranh tụng không đồng nhất với quá trình TTHS.

Có ý kiến cho rằng quá trình tranh tụng bắt đầu không chỉ từ giai đoạn khởi tố vụ án mà cả các giai đoạn trước khởi tố và quá trình này sẽ kết thúc khi vụ án được xét xử xong (xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), thậm chí quá trình này lại còn được tiếp tục trong một số trường hợp khi bản án bị Tòa án cấp trên hủy để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại [2]. Những người đồng tình với ý kiến này cho rằng: “Tranh tụng là một quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án đồng thời cũng là phương tiện để đạt được mục đích và nhiệm vụ đặt ra của TTHS” [3]. Chúng tôi cho rằng quan điểm này chưa có đầy đủ cơ sở để thuyết phục. Bởi lẽ việc tranh tụng trong điều kiện mà ở đó chỉ có chủ thể của hai bên buộc tội và bào chữa tham gia, các chức năng buộc tội và bào chữa mới chỉ được hai bên thực hiện một cách đơn phương theo ý chí chủ quan của mình là phiến diện, không chính thức… Quá trình tranh tụng ở đây còn thiếu một chủ thể giữ vai trò quyết định đó là Tòa án với chức năng xét xử. Theo chúng tôi quá trình tranh tụng chỉ thực sự được tiến hành khi có sự hiện diện đầy đủ các bên buộc tội, bên bào chữa dưới sự kiểm tra, giám sát của Tòa án… Chính vì vậy mà quá trình này chỉ có thể được bắt đầu từ giai đoạn xét xử, đặc biệt là xét xử sơ thẩm tại phiên tòa.

Tại đây, với sự có mặt đầy đủ các chủ thể, quá trình tranh tụng được tiến hành thông qua hoạt động của các chủ thể thuộc bên buộc tội, bên bào chữa và Tòa án với ba chức năng tương ứng: buộc tội, bào chữa và xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, quá trình tranh tụng vẫn còn tồn tại song bị hạn chế hơn cả về nội dung, chủ thể tham gia và các chức năng được thực hiện. Phạm vi tranh tụng bị giới hạn bởi nội dung kháng cáo, kháng nghị. Do đó, các chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử cũng không được thực hiện đầy đủ như ở phiên tòa sơ thẩm. Như vậy, có thể khẳng định rằng tranh tụng chỉ tồn tại ở giai đoạn mà ở đó có sự hiện diện đầy đủ các bên buộc tội, bào chữa và xét xử.. Tuy nhiên ở đây cần chú ý rằng để tiến hành được việc tranh tụng và tranh tụng có hiệu quả các bên cần phải có thời gian và các điều kiện cần thiết để thu thập các chứng cứ, tài liệu và các tình tiết của vụ án trước khi bước vào cuộc tranh tụng.

2. Chủ thể tham gia tranh tụng:

Tham gia vào quá trình tranh tụng có nhiều chủ thể khác nhau, và do vị trí, vai trò khác nhau nên mỗi chủ thể tham gia thực hiện một chức năng hoặc một phần chức năng tố tụng.

Xuất phát từ quan điểm cho rằng tranh tụng bắt đầu từ khi khởi tố vụ án…. những người theo quan điểm này cho rằng chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng bao gồm tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình TTHS. Cụ thể là: CQĐT- ĐTV; VKS- KSV; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người bào chữa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Chúng tôi cho rằng tranh tụng chỉ thực sự bắt đầu từ giai đoạn xét xử tại phiên tòa, chính vì vậy mà chủ thể tham gia tranh tụng chỉ bao gồm: bị cáo và người bào chữa; kiểm sát viên – đại diện cho VKS và người bị hại ( trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại ); Hội đồng xét xử tương ứng với ba chức năng cơ bản trong TTHS đó là buộc tội, bào chữa và xét xử. Các chủ thể khác như : CQĐT – ĐTV[4], bị can ..v…v.. không phải là chủ thể của tranh tụng mà họ chỉ tham gia vào việc chuẩn bị cho quá trình tranh tụng mà thôi.

3. Các chức năng cơ bản trong tranh tụng:

Vấn đề chức năng cơ bản trong TTHS, đặc biệt là trong quá trình tranh tụng là vấn đề chưa được đề cập một cách thỏa đáng và có hệ thống trong sách báo và các tài liệu pháp lý ở Việt Nam. Trong khoa học luật TTHS hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng trong TTHS bao gồm bốn chức năng cơ bản đó là: buộc tội, bào chữa, xét xử và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Thực hành quyền công tố không phải là một chức năng tố tụng độc lập mà chỉ là một bộ phận, hình thức thể hiện của chức năng buộc tội. Ý kiến khác lại cho rằng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và chức năng công tố là hai chức năng cơ bản và độc lập với nhau và với các chức năng khác của tố tụng hình sự. Lại có ý kiến cho rằng kiểm sát việc tuân theo pháp luật không phải là chức năng độc lập mà chỉ là một bộ phận cấu thành của chức năng công tố. Ngoài ra có ý kiến cho rằng trong TTHS chỉ có ba chức năng cơ bản là: điều tra, truy tố và xét xử [5].

Chúng tôi cho rằng mỗi loại ý kiến đều có những lý lẽ riêng và trong chừng mực nhất định đều chứa đựng những hạt nhân hợp lý. Tuy nhiên theo chúng tôi trong TTHS có nhiều chức năng khác nhau. Nhưng: “những chức năng mà khi được thực hiện sẽ giải quyết được nhiệm vụ chung của TTHS thì được gọi là chức năng cơ bản[6]. Vì vậy trong TTHS chỉ bao gồm ba chức năng cơ bản đó là: chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử.

Chức năng cơ bản trong TTHS cũng chính là các chức năng cơ bản trong tranh tụng. Điểm khác nhau cơ bản giữa chúng chính là thời điểm xuất hiện các chức năng, nếu trong tranh tụng hình sự thì cả ba chức năng cơ bản đều luôn cùng tồn tại, nếu thiếu một trong ba chức năng thì điều đó cũng có nghĩa là chưa xuất hiện tranh tụng. Nhưng trong TTHS, so với chức năng xét xử thì chức năng buộc tội và bào chữa xuất hiện sớm hơn và song song tồn tại với nhau. Quan điểm rất đúng đắn khi cho rằng: “Có chức năng buộc tội mà không có chức năng bào chữa thì hoạt động tố tụng sẽ mang tính chất một chiều và kết buộc chứ không phải là tranh tụng. Tố tụng hình sự không thể được thừa nhận là dân chủ khi chức năng buộc tội không có đối tượng là chức năng bào chữa”[7]. Chỉ có sự song song tồn tại hai chức năng trên mới có thể tạo ra sự tranh tụng giữa các bên – điều kiện cần thiết để xác định chân lý khách quan của vụ án.

4. Các điều kiện để thực hiện tranh tụng:

Để việc tranh tụng được thực hiện và thực hiện có hiệu quả, cần phải có các điều kiện khác nhau, một trong các điều kiện quan trọng là bên buộc tội và bên bào chữa phải thực sự bình đẳng với nhau và Tòa án phải độc lập, khách quan đảm bảo cho hai bên có các điều kiện như nhau để thực hiện chức năng của mình. Lê-nin đã từng nói: sự thật chỉ được tìm ra thông qua tranh luận và bút chiến. Trong TTHS điều đó có nghĩa là sự thật chỉ được tìm thấy qua tranh luận tự do và công bằng. Tranh tụng đòi hỏi PLTTHS phải đảm bảo cho các bên đầy đủ các phương tiện cần thiết để có thể thực hiện được chức năng của mình. Phương tiện của các bên phải tương xứng với nhau và phải phù hợp với chức năng của chúng. Sẽ bất bình đẳng khi pháp luật dành cho một bên quá nhiều phương tiện còn bên kia lại quá ít. Không nên quan niệm rằng vì bên buộc tội (công tố) là đại diện cho Nhà nước còn bên bào chữa chỉ đại diện cho quyền lợi của đương sự nên không thể bình đẳng được. Quan điểm này cần phải được xem xét lại. Tư tưởng bình đẳng này không chỉ thể hiện ở tại phiên tòa mà còn phải được đảm bảo từ trước khi mở phiên tòa, ở đó các bên phải được đảm bảo các điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị các điều kiện cho cuộc tranh tụng tại phiên tòa. Chúng tôi cho rằng nếu bên buộc tội và bên bào chữa không thực sự bình đẳng và Tòa án không độc lập trong quá trình xét xử thì sẽ không có tranh tụng hoặc tranh tụng nửa vời. Nội dung NQ 08 của BCT đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo này. Bên cạnh sự bình đẳng giữa bên buộc tội, bên bào chữa và sự độc lập của Tòa án về phương diện pháp lý, yêu cầu và hiệu quả của tranh tụng còn đòi hỏi sự bình đẳng và độc lập trên phương diện thực tiễn. Những biểu hiện vi phạm các quy định pháp luật TTHS vốn đã có và sẽ có trong thực tiễn tranh tụng phải được khắc phục bằng những hình thức như công tác tổ chức, đào tạo, tuyển chọn thẩm phán và những chủ thể tham gia tranh tụng, nâng cao nhận thức, nhất là lương tâm trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kiến thức văn hóa pháp lý… cho họ.

5. Một số kiến nghị:

Từ những nhận thức trên, đối chiếu với quy định pháp luật TTHS Việt Nam chúng tôi thấy rằng tư tưởng tranh tụng đã tồn tại trong TTHS song còn mờ nhạt, đặc biệt là các điều kiện để thực hiện tranh tụng được pháp luật TTHS quy định là chưa phù hợp và tương xứng với điều kiện tranh tụng, mà biểu hiện cụ thể là:

– Bên buộc tội và bên bào chữa chưa thật sự bình đẳng với nhau. Mặc dù Điều 20 BLTTHS và một số điều luật khác có quy định sự bình đẳng tại phiên tòa, tuy nhiên điều kiện để thực hiện sự bình đẳng đó lại chưa được pháp luật quy định cụ thể. Mặt khác, trong quá trình tranh luận, Tòa án chưa thể hiện rõ vị trí trung tâm của mình trong quá trình xét xử, cũng như trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Một số quy định pháp luật chưa có sự phân định rõ ràng chức năng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc thực hiện chức năng tố tụng của các cơ quan THTT. Chẳng hạn:

– Các quy định tại Chương 19, các Điều 219, 251, 267 BLTTHS quy định cho HĐXX thực hiện quyền xét hỏi tại phiên tòa là chưa phù hợp với chức năng xét xử. Thực chất các quyền và trách nhiệm này phải được giao cho bên buộc tội và bên bào chữa.

– Tại Điều 13, khoản 1 Điều 87 BLTTHS cho phép Tòa án được ra quyết định khởi tố vụ án là không phù hợp với chức năng xét xử, vì thực chất đây là nhiệm vụ thuộc chức năng buộc tội.

– Tại các Điều 169, 195, 196 BLTTHS quy định trường hợp tại phiên tòa Kiểm sát viên rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiếp tục xét xử là không phù hợp, bởi lẽ khi rút quyết định truy tố có nghĩa là bên buộc tội khẳng định rằng việc buộc tội là không còn cơ sở và căn cứ. Họ đã từ chối buộc tội, chức năng buộc tội đã tạm thời chấm dứt, chức năng bào chữa sẽ không còn tồn tại và tất nhiên chức năng xét xử cũng sẽ chấm dứt.

– Điều 170 BLTTHS không cho phép Tòa án xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố (dù quyết định truy tố đó là trái pháp luật) là điều không thể chấp nhận được, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, phải chăng VKS cũng có chức năng xét xử. Trong khi đó Điều 221 BLTTHS và TTLN số 01 ngày 8.12.1988 của TANDTC, VKSNDTC cho phép Tòa án được sửa án sơ thẩm theo hướng chuyển sang tội danh nặng hơn khi có KC-KN theo hướng đó.

– Mặt khác theo Điều 35 BLTTHS thì chỉ có luật sư, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân mới có thể trở thành người bào chữa khi được yêu cầu. Trong khi số lượng luật sư trong cả nước còn quá ít so với yêu cầu bào chữa (tính đến 6-2001 thì cứ 53.000 dân/ 1 luật sư – một con số rất khiêm tốn); bào chữa viên nhân dân thì hầu như không tồn tại trên thực tế; người đại diện hợp pháp thì chưa được pháp luật quy định cụ thể, đã làm hạn chế khả năng của bên bị buộc tội trong việc lựa chọn người bào chữa.

– Theo quy định của BLTTHS thì bị can, bị cáo có quyền chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Tuy nhiên, để bị can, bị cáo thực hiện được các quyền này lại phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thiện ý của cơ quan, người THTT. Mặt khác do nhận thức chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ chứng minh của bị can, bị cáo vô hình chung chúng ta đã gạt bị can, bị cáo ra khỏi quá trình tố tụng, chúng ta không xem họ với tính cách là một bên trong tranh tụng. Điều này cũng tương tự như đối với người bị hại. Vì vậy, tại phiên tòa vai trò của bị cáo cũng như người bị hại rất mờ nhạt. Đây cũng là điều làm hạn chế hiệu quả tranh tụng.

Đối với người bào chữa, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ nghề nghiệp của họ. Muốn thực hiện được quyền và nghĩa vụ này người bào chữa phải tiến hành thu thập chứng cứ để có đủ phương tiện chứng minh. Tuy nhiên, PLTTHS chưa cho phép người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án. Khi thực hiện việc bào chữa họ chỉ dựa vào các chứng cứ do bên buộc tội cung cấp, điều này đã không tạo được sự bình đẳng giữa các bên trong tranh tụng; và còn nhiều bất hợp lý khác cần phải có sự nghiên cứu để sửa đổi bổ sung kịp thời.

Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi kiến nghị pháp luật TTHS cần phải được đổi mới theo hướng phân định rõ các chức năng tố tụng. Những quyền và nghĩa vụ nào thuộc chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử phải được quy định rõ. Trên cơ sở đó xác định rõ chức năng tố tụng của các chủ thể tham gia thực hiện, theo hướng tăng cường các yếu tố tranh tụng. Nên chăng:

– Cho phép người bào chữa (chủ yếu là luật sư) được quyền thu thập chứng cứ để chứng minh, với những quy định pháp lý chặt chẽ để đảm bảo giá trị của các chứng cứ do người bào chữa thu thập. Đồng thời cung cấp nhiều công cụ pháp lý để người bào chữa tranh luận bình đẳng tại phiên tòa.

– Tại phiên tòa, kiểm sát viên chỉ thực hiện chức năng công tố (buộc tội), việc giám sát tuân theo pháp luật có thể giao cho Tòa án (nếu Tòa án xét xử sai vẫn có rất nhiều cơ chế để kiểm tra, phát hiện). HĐXX đóng vai trò là người” trọng tài” làm nhiệm vụ phân xử giữa bên buộc tội và bên bào chữa để có quyết định đúng đắn. Việc xét hỏi tại phiên tòa nên giao cho bên buộc tội và bên bào chữa. Tòa án chỉ tham gia xét hỏi để làm rõ một số nội dung khi xét thấy cần thiết…

– Điều 170 BLTTHS nên sửa lại theo hướng cho phép Tòa án (HĐXX) độc lập trong việc quyết định tội danh và hình phạt. Đồng thời Điều 13, Điều 87 BLTTHS nên sửa lại theo hướng không cho phép Tòa án được khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp Tòa án phát hiện tội mới, người phạm tội mới cần phải điều tra thì yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án.

– Điều 195, 196 BLTTHS nên sửa lại theo hướng tại phiên tòa Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố Tòa án xét xử phần còn lại; nếu rút toàn bộ quyết định truy tố, Tòa án tuyên bị cáo vô tội.

Trên đây là một số ý kiến xung quanh vấn đề tranh tụng trong TTHS, rất mong được tiếp tục trao đổi.

LÊ TIẾN CHÂU
ThS. Giảng viên Khoa Luật Hình sự, trường ĐH Luật TP. HCM