Mời luật sư cận ngày xử, được không?
Có tòa không chấp nhận nhưng cũng có tòa đồng ý cho mời luật sư ngay tại phiên tòa.
Ngày 25-7, trong phiên xử vụ bị cáo Nguyễn Vĩnh Hà bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ở Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xảy ra tình huống khá lạ: HĐXX đã không chấp nhận cho luật sư bào chữa cho bị cáo Hà vì vị này làm thủ tục tham gia vụ án quá cận ngày tòa xử.
Bị cáo phải tự xoay xở
Chủ tọa giải thích tòa đã nhận được văn bản của luật sư tham gia phiên tòa nhưng luật sư làm thủ tục quá trễ. Vụ án đã được xử sơ thẩm hồi tháng 4, đến nay là quá đủ thời gian cho bị cáo mời luật sư nhưng hôm qua (24-7), luật sư mới đến làm thủ tục. Theo quy định, luật sư phải xin giấy chứng nhận bào chữa trước ba ngày nên trường hợp này không đúng quy định. Do vậy, bị cáo phải tự bào chữa. Sau đó tòa tiếp tục làm việc và cuối cùng tuyên phạt bị cáo Hà sáu năm tù.
Trước quyết định trên, vị luật sư bức xúc. Ông cho biết trước phiên xử, văn phòng ông đã có văn bản đề nghị xin hoãn phiên tòa vì lý do luật sư chưa tiếp cận được hồ sơ nhưng tòa không đồng ý. Sáng tòa xử, ông vẫn có mặt và tiếp tục đề nghị nhưng vẫn bị bác. Tòa quyết như trên là gây bất lợi cho bị cáo vì làm mất đi quyền được mời luật sư, mất đi cơ hội để đưa ra được nhiều tình tiết có lợi nhằm bảo vệ mình của bị cáo…
Nên hoãn xử để có luật sư tham gia
Qua cách giải quyết trên của tòa, đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) nhìn nhận trong những trường hợp có luật sư tham gia cận ngày xử như trên, tòa nên hoãn phiên xử để luật sư có điều kiện hoàn thành phần thủ tục tiến hành việc bào chữa, có thời gian nghiên cứu hồ sơ… Mặt khác, bị cáo hoàn toàn có quyền mời luật sư ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình tố tụng. Không thể nói trước đó thời gian dài không mời sao đợi đến giờ mới mời luật sư. Thực tế việc hoãn phiên xử nếu luật sư đến làm thủ tục cận ngày là tạo điều kiện cho luật sư và bảo đảm quyền lợi cho bị cáo…
Tuy nhiên, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại cho rằng trường hợp trên chưa đủ các điều kiện để luật sư được tham gia bào chữa cho bị cáo. Muốn bào chữa cho một bị cáo thì luật sư phải có giấy chứng nhận bào chữa. Ở đây, luật sư đến cận ngày mới liên hệ tòa làm thủ tục là không ổn. Tòa không thể tùy tiện chấp nhận việc cho luật sư tham gia bào chữa nếu chưa hội đủ các điều kiện nói trên. Nếu cứ tùy tiện chấp nhận yêu cầu mời luật sư bất kể mọi thời điểm thì sẽ rất lộn xộn…
Chấp nhận ngay tại tòa
Năm trước, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấp nhận cho một bị cáo mời luật sư bào chữa ngay tại phiên tòa. Trước đó, khi công tố viên đã đề nghị mức án lần lượt cho ba bị cáo, luật sư V. bắt đầu bài bào chữa cho bị cáo A. Lúc ông vừa ngồi xuống, người nhà bị cáo B. bất ngờ đứng lên đề nghị tòa cho họ được nhờ luật sư V. bảo vệ cho B. với lý do “thấy luật sư V. bào chữa hay quá!”. Bị cáo B. cũng yêu cầu như trên và luật sư V. cũng không từ chối. Ông khẳng định đủ tự tin để thực hiện phần “bào chữa sống” ngay tại tòa cho B. do đã nghiên cứu kỹ hồ sơ và nắm rất rõ các tình tiết của vụ án. Mặt khác, trong vụ án, quyền lợi của hai bị cáo A. và B. không đối lập nhau. Sau khi cân nhắc, tòa đã… gật đầu. |
HOÀNG YẾN (PLTP)
Văn phòng luật sư Dragon Sài Gòn