0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp

Luật sư Hà Nội – Theo yêu cầu kiện toàn tổ chức Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XIII, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Theo chức năng được quy định, trên cơ sở kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đã được bổ sung theo các Luật mới ban hành bao gồm: nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính; lý lịch tư pháp, đặc biệt là việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia theo Luật Lý lịch tư pháp; quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Nhiều nhiệm vụ do Bộ, ngành Tư pháp đang thực hiện cũng có sự mở rộng như: bổ sung thêm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành; bổ sung trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giám định tư pháp theo Luật Giám định tư pháp…

Thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo nhiệm kỳ Chính phủ khoá XIII, ngày 08/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1668/QĐ-TTg về việc chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Cục Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp. Nội dung này cũng là một điểm mới về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; là Cơ quan Quốc gia đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế; làm đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp quốc tế theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định số 22/2013/NĐ-CP được ban hành đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng cải cách hành chính, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ Tư pháp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách pháp luật. Để triển khai các nhiệm vụ mới được giao, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp tiếp tục được kiện toàn. Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Hành chính tư pháp chuyển đổi mô hình tổ chức thành Cục Bổ trợ tư pháp và Cục Hộ tịch, Quốc tịch và chứng thực. Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đổi sang mô hình tổ chức của Cục Công tác phía Nam theo quy định của Nghị định số 36/2012/NĐ-CP. Nghị định cũng bổ sung Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp phù hợp với việc chuyển giao nhiệm vụ.

Nghị định số 22/2013/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2013 và thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ  cấu tổ chức của Chính phủ.

CÔNG TY LUẬT DRAGON – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ NỘI