Người bị bắt có quyền im lặng để chờ luật sư?
Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư Tp HCM
Hỏi: Con tôi bị công an tạm giam, gia đình tôi rất lo lắng sợ do mất bình tĩnh hoặc vì lý do nào đó mà con có những câu trả lời bất lợi. Xin cho biết, hiện pháp luật có cho phép nghi phạm được quyền giữ im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ quyền lợi tham gia vào quá trình điều tra vụ án không?
Ngày 28/4, một gia đình đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra về việc con họ bị hiếp dâm, trong nhóm thanh niên tham gia có con trai tôi. Cảnh sát đã khởi tố bị can, bắt tạm giam những người bị nêu tên trong đơn tố cáo.
Gia đình tôi rất lo lắng sợ do mất bình tĩnh hoặc vì lý do nào đó mà con có những câu trả lời bất lợi. Xin cho biết, hiện pháp luật có quy định nào cho phép nghi phạm được quyền giữ im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ quyền lợi tham gia vào quá trình điều tra vụ án không?
Đỗ Văn Quang
Văn phòng luật sư :
Chưa có quy định chi tiết về quyền im lặng của bị can trong giai đoạn điều tra
Văn phòng Luật sư trả lời bạn Đỗ Văn Quang như sau: Thực hiện nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS 2003) quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Đây là nguyên tắc rất quan trọng, thể hiện thái độ của Nhà nước đối với quyền của công dân. Dù với tư cách là bị can, bị cáo nhưng họ cũng cần phải được đối xử một cách công bằng, nhân đạo như một con người, trong đó, nghĩa vụ chứng minh một người có tội hay không thuộc về Nhà nước. Điều luật quy định về “quyền” chứng minh vô tội cho bị can, bị cáo mà không là nghĩa vụ đã thể hiện sự tôn trọng quyền con người và đây là biểu hiện của quyền im lặng tồn tại trong chuẩn mực pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) quốc tế (BLTTHS 2003 chưa quy định chính thức quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo).
Tuy nhiên, nguyên tắc tại Điều 10 lại không đặt ra đối với người bị tình nghi (thường được coi là người bị bắt và bị tạm giữ). Sau khi bắt và tạm giữ người, cơ quan điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ buộc tội bằng quyết định khởi tố bị can và trình Viện kiểm sát phê chuẩn. Điều 209 BLTTHS 2003 nêu rõ, nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án. Quy phạm này gián tiếp quy định quyền im lặng của người bị buộc tội tại phiên tòa, và nó có logic với quy định không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội (Điều 72) và việc xem xét, giải thích mọi vấn đề phải có lợi cho người bị buộc tội (nguyên tắc suy đoán vô tội). So với luật cũ, BLTTHS 2003 bổ sung “Người bị bắt” tại Điều 71 là, “Người bị bắt, bị tạm giữ trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm”, với quy định này, thuật ngữ “bị nghi thực hiện tội phạm” được xác lập. Đây là một dấu hiệu mới, gián tiếp quy định về nghĩa vụ khai báo hành vi phạm pháp của người bị tình nghi. Như vậy, nguyên tắc xác định sự thật vụ án tại Điều 10 và tinh thần Điều 209 nêu trên chỉ gián tiếp quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo mà không đặt ra đối với người bị bắt, bị tạm giữ (có thể được coi là người bị tình nghi); cũng như chưa có quy định chính thức nào về quyền im lặng của người bị buộc tội trong BLTTHS 2003. Có thể coi đây là một hạn chế lớn của pháp luật về bảo đảm quyền con người. Cần phải đề cập thêm rằng, trong thực tiễn, một người bị tình nghi thực hiện tội phạm nào đó bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam nếu họ khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình thì được coi là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên nếu họ im lặng từ đầu, không khai báo vì họ cho rằng họ không phạm tội, bị oan hoặc kể cả họ vì muốn che giấu một đồng phạm nào đó, sợ bị liên lụy đến người thân thích, hoặc chính họ cho rằng cơ quan thực thi pháp luật sẽ không biết và họ hy vọng sẽ không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý nhẹ… thì bị cơ quan bảo vệ pháp luật cáo buộc họ ngoan cố, chống đối pháp luật, đề nghị xử lý với chế tài nghiêm khắc hơn các trường hợp thông thường khác, trong khi pháp luật TTHS, pháp luật hình sự không quy định hành vi “ngoan cố” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Và cũng từ thái độ không khai báo mà nhiều vụ án bị bế tắc, cũng là một trong nhiều nguyên nhân của hành vi dùng nhục hình xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do, thân thể, sức khỏe của người bị tình nghi.
Theo tôi, mọi người đều có quyền nói và có quyền im lặng cho dù đó là người có phạm tội hay không. Nếu anh ta phạm tội mà im lặng trong quá trình xét xử thì anh ta sẽ gặp bất lợi lớn và có thể sẽ chịu hình phạt nặng hơn. Tôn trọng quyền con người cơ bản không cho phép cơ quan điều tra bức cung hoặc buộc nghi phạm phải trả lời. Đáng tiếc là ở VN không có luật về quyền giữ im lặng của nghi phạm cho đến khi xét xử.
Một số bạn cho rằng im lặng là trốn tội, nhưng không ai bị coi là có tội trước khi tòa tuyên bố là anh có tội. Và một quan điểm phổ biến nữa là luật sư là người làm việc trái đạo đức vì cố gắng bào chữa cho người có tội, nhưng quan điểm này cần được xem xét lại bởi con người là không hoàn hảo, không có gì đảm bảo được là bên công tố và bên khởi kiện đã đánh giá đúng được tội trạng của người bị kiện.
1. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, luật sư được tham gia quá trình tố tụng từ thời điểm thân chủ bị tạm giữ, đây là điểm tiến bộ hơn pháp luật của hầu hết các quốc gia.
2. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2003, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền trình bày lời khai (tức là không phải là nghĩa vụ), được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Như vậy, con bạn được quyền giữ im lặng trong quá trình tố tụng, thực tế cũng có nhiều vụ án như thế này đã diễn ra, nhưng đó là điều không nên. Sự bất hợp tác trong quá trình tố tụng của con bạn, sẽ làm cho con bạn không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS, thậm chí còn có thể làm tăng thêm TNHS, gây ức chế cho cơ quan chức năng, dẫn đến việc quyết định hình phạt nặng hơn. Bạn có thể nhờ Luật sư tham gia trong quá tình tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho con trai bạn, trong quá trình này, Luật sư sẽ tiếp xúc với con bạn và đưa ra những tư vấn định hướng về lời khai một cách có lợi nhất trong khả năng có thể và trên cơ sở của sự thật khách quan. Chúc gia đình bạn may mắn!
Luật sư chỉ tham gia tố tụng sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Như vậy khi bị bắt tạm con bạn nên hợp tác tích cực với cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra. Nếu im lặng có thể bị coi là cản trở điều tra, bạn nên nhờ luật sư tham gia tố tụng nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án. Chúc bạn và gia đình vượt qua giai đọan khó khăn.
Luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay không có quy định về việc người bị tạm giữ hoặc bị can có quyền giữ im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ quyền lợi tham gia như bạn hỏi. Tuy nhiên người bị tạm giữ, bị can có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội. Vì vậy người bị tạm giữ, bị can hoàn toàn có quyền không trả lời bất cứ vấn đề gì với cơ quan điều tra và nêu yêu cầu được có người bào chữa khi cơ quan điều tra lấy lời khai.
Theo luật pháp ở Mỹ, một nghi can có quyền giữ im lặng cho đến khi gặp luật sư bào chữa cho mình. Nếu không có tiền mướn luật sư, chính quyền phải chỉ định luật sư cho bị can (public defender).
Hiện tại ở Việt Nam, luật pháp của chúng ta chưa ban hành quyền im lặng trong quá trình xét xử trong phiên tòa.
Hiện tại theo quy định của Luật Hình Sự Việt Nam không có một quy định nào cho phép nghi phạm giữ im lặng cho đến khi gặp Luật sư. Pháp luật Việt Nam không giống như những gì ông bà xem trên phim Hồng Kông.
Vụ việc của con ông bà đã khởi tố vụ án chưa? Khởi tố bị can chưa (con trai của ông bà đã bị khởi tố chưa).
Con trai của ông bà đã được bao nhiêu tuổi, tại thời điểm bị khởi tố bị can. Nếu dưới 18 tuổi thì ông bà nên liên lạc với luật sư nào đó mà ông bà tin tưởng để nhờ luật sư tham gia bảo vệ cho bị can. Trường hợp con trai của ông bà từ đủ 18 tuổi thì con ông bà là người yêu cầu luật sư để bảo vệ cho mình.
Ông bà cần sớm liên lạc với luật sư nhờ luật sư sớm tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con ông bà.Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, người nào thành thật ăn năn, hối lỗi trước trước hành vi phạm tội của mình, khai báo thành khẩn …. thì sẽ được nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Các luật sư khi tiếp xúc với con trai bác thì họ cũng sẽ khuyên như vậy. Chẳng có người luật sư nào lại chỉ, vẽ cho thân chủ của mình khai báo không đúng sự thật. Vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, mà không cần con trai bác hay luật sư phải chứng minh là mình vô tội. (Khi bác hỏi vấn đề này, tôi nhận thấy bác xem nhiều phim XHĐ quá, nên có nhầm lẫn chăng ?); Trong trường hợp con trai bác cố tình khai báo gian dối hoặc che đậy tội phạm thì sẽ chịu mức tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bác thử đặt tình trạng mình vào gia đình có con gái bị hiếp dâm, bác sẽ nghĩ gì ???
Con của anh nếu có tham gia thì khi bị bắt bằng các biện pháp nghiệp vụ chắc chắn sẽ khai thôi. Nếu cháu nó không có tham gia thì chẳng có gì phải lo. Anh không lo cho con cái, đến khi cháu nó phạm tội thì mới tá hoả thì làm được gì.
Theo như bạn trình bày thì rõ ràng cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố các bị can, con trai bạn đã bị khởi tố bị can và bị áp dụng biện pháp tạm giam để phục vụ điều tra vụ án hình sự. Trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các Thông tư hướng dẫn … thì không có điều, khoản nào quy định con trai bạn được quyền giữ im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ quyền lợi tham gia vào quá trình điều tra. Vấn đề bạn hỏi chỉ có được quy định ở một số nước thôi, ở Việt Nam thì không có đâu bạn à.
Văn phòng luật sư Dragon