Người thẩm phán bao dung
Một ngày gần đây, TAND quận 11 (TP.HCM) đã đưa bị cáo NVH ra xét xử về tội trộm cắp tài sản. Vụ án không có gì đáng chú ý, thậm chí còn rất nhỏ nhoi so với hàng chục, hàng trăm vụ án vẫn được tuyên xử hằng ngày. Nhưng có chứng kiến, đi sâu vào tâm tư, tình cảm của từng con người tham gia tố tụng mới hiểu được cuộc sống này vẫn luôn có những “niềm vui nho nhỏ lặng lẽ dâng trong đời”…
Đứa con ngổ ngáo và tấm lòng người cha dượng
Chiều 22-5, H. lấy xe máy của người dượng kế, rủ một người bạn đi chơi. Tới đường Âu Cơ, thấy trước cửa một nhà có dựng chiếc xe đạp, cả hai bàn nhau ăn trộm. Khi H. lén lút đến dắt chiếc xe đạp đi thì bị người dân phát hiện, bắt giữ.
Theo kết quả giám định, chiếc xe đạp suýt bị lấy cắp trị giá 600 ngàn đồng. Dù thế, bạn H. đã thoát tội bởi theo Nghị quyết 33 của Quốc hội (hướng dẫn thi hành một số điều của BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009), hành vi trộm cắp tài sản dưới hai triệu đồng không còn là tội phạm. Riêng H. vẫn bị truy tố, xét xử vì có tới năm tiền án.
Lần giở lý lịch, mới 29 tuổi mà H. đã có “kinh nghiệm” vào tù ra khám khá nhiều. Lúc 15 tuổi, H. được đưa vào Trường phổ thông Công nông nghiệp của TP để giáo dục trong 24 tháng vì trộm cắp. Vừa ra khỏi trường vài tháng, H. liên tục thực hiện hai vụ trộm và phải nhận thêm hai bản án tổng cộng 17 tháng tù của TAND quận 11.
Hai năm sau, H. trở lại tòa này để nhận thêm bản án 30 tháng tù về tội cướp giật tài sản. Năm 2001, H. tiếp tục bị TAND TP phạt ba năm tù về tội cướp giật. Năm 2005, đến lượt TAND quận Bình Tân phạt H. ba năm tù về tội trộm cắp.
Cha mất từ khi còn nhỏ, H. bỏ học từ năm lớp 2. Lớn lên, H. cũng gầy dựng được cho mình một mái ấm với hai thiên thần nhỏ lần lượt chào đời. Nhưng người vợ sau đó đã bỏ đi, để lại hai con. Bao nhiêu năm H. liên tục vào tù. Bao nhiêu năm người duy nhất nuôi dưỡng hai con thơ của H. không ai khác là người cha dượng.
Người thương binh lam lũ với cái chân bị thương trong chiến đấu đi đâu cũng chống nạng này phải mang thêm gánh nặng con cháu. Hằng ngày, ông phơi mặt ngoài đường nắng bụi chạy xe ôm để ba ông cháu có tiền rau cháo nuôi nhau. Mưu sinh vất vả, ông cũng ráng lo cho hai cháu mình dù không đủ đầy thì cũng được ăn no, mặc ấm.
Hiểu điều ấy nên khi chủ tọa phiên tòa nhẹ nhàng hỏi có thấy xấu hổ với bản thân khi là một thanh niên khỏe mạnh lại để cho cha dượng phải nuôi con thay mình, H. đã bật khóc. Sự chai lỳ gai góc của kẻ nhiều tiền án, tiền sự cũng không giúp H. vượt qua được cảm giác ê chề. H. rơi nước mắt cả khi tòa phạt sáu tháng tù, một bản án khoan hồng hơn so với đề nghị của đại diện VKS (từ 12 đến 18 tháng tù).
Chiếc xe máy và phán quyết của tình người
Ngày gây án, H. đã chạy chiếc xe máy cà tàng mà cha dượng mua giấy tay của người khác từ lâu. Chiếc xe đó là tài sản đáng giá duy nhất của cha dượng, là cần câu cơm hằng ngày của ba ông cháu.
Với chiếc xe này, đại diện VKS đã đề nghị tịch thu vì người cha dượng không có giấy tờ gì chứng minh mình là chủ sở hữu. Thậm chí toàn bộ giấy tờ mua bán xe cũng đã bị thất lạc.
Lúc chuẩn bị xét xử, nghiên cứu hồ sơ, vị thẩm phán chủ tọa đã từng nghĩ là sẽ tuyên tịch thu xe. Nhưng tại phiên tòa, nhìn ánh mắt chất chứa bao niềm hy vọng nhỏ nhoi của người cha dượng tội nghiệp, lương tâm bảo ông không thể làm thế. Làm sao có thể tịch thu cái phương tiện duy nhất để một ông già nuôi nổi mình và hai cháu nhỏ thay cho đứa con hư hỏng đang đứng dưới vành móng ngựa kia.
Bởi vậy, khi vào nghị án, vị thẩm phán đã đưa ý kiến của mình ra thuyết phục các hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử và được đồng cảm. Bản án nhận định do người cha kế chỉ mua xe bằng giấy tay và toàn bộ giấy tờ đã làm mất nhưng ông có làm đủ thủ tục cớ mất tại công an phường. Nay ông xin được nhận lại xe do hoàn cảnh khó khăn và không biết H. sử dụng xe để đi trộm cắp nên hội đồng xét xử chấp nhận trả lại xe cho ông.
Một niềm cảm kích hiện lên trên gương mặt đã lắm khắc khổ của người cha dượng. Phiên xử kết thúc, vị thẩm phán đi ra ngoài, thấy người cha dượng ấy chống nạng đứng chờ và gật đầu chào cảm ơn ông. Ông gật đầu đáp lễ rồi đi lên lầu. Quay lại, vẫn thấy người cha dượng dõi theo và gật đầu cảm ơn ông một lần nữa.
Suốt hôm đó, vị thẩm phán lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. Ông biết mình đã làm đúng, đúng chức trách, đúng lương tâm và thấy lòng thanh thản.
Có lẽ ít nhất cũng đã có hai người cảm ơn ông. Một là người cha dượng ấy, một là tôi vì phán quyết của ông – một phán quyết của tình người đã làm đẹp thêm cho cuộc đời này.