Nguyên tắc xử lý nợ của Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Văn phòng luật sư: Theo Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và cá nhân khác có liên quan trong việc theo dõi, thu hồi và thanh toán các khoản nợ; đồng thời phải đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ tồn đọng theo quy định của pháp luật.
Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ và báo cáo cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý. Đối với các khoản nợ phải thu, trả bằng ngoại tệ, thực hiện quy đổi sang đồng Việt Nam tại thời điểm hạch toán và lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải thu, trả cuối năm được xử lý theo quy định của Bộ Tài chính.
Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 03 lần theo quy định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khi có nhu cầu huy động vốn vượt quy định để đầu tư các dự án quan trọng, doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể, xác định rõ kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền trả nợ, báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014.
Dịch vụ thu hồi nợ
Văn phòng luật sư Dragon