Những quy định về bảo lãnh phương tiện khi vi phạm giao thông theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2020
Điểm mới trong vấn đề bảo lãnh phương tiện khi vi phạm giao thông được hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục để bảo lãnh phương tiện khỏi bị công an giao thông tạm giữ.
Công ty Luật TNHH Dragon xin gửi lời chào trân trọng tới Quý khách hàng!
Phúc đáp câu hỏi của Quý Khách liên quan Nghị định 31/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2020 như sau:
1.Theo nhìn nhận của Luật Sư, nguyên nhân nào đến giờ chưa ghi nhận trường hợp nào đứng ra bảo lãnh phương tiện của mình?
2.Thông thường người vi phạm có tâm lý được giải quyết nhanh, gọn. như vậy theo quy định thì thời gian cũng khá lâu (vài ngày), đây có phải là nguyên nhân thưa luật sư?
3.Khoản tiền nộp bảo lãnh có phải cũng là 1 nguyên do để người vi phạm không bảo lãnh?
4.Nghị định đó có cần thiết phải quy định rõ hơn, thời gian giải quyết bảo lãnh từ khi phạt, làm đơn, chính quyền, đoàn thể xác nhận….?
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội) có quan điểm như sau:
- Cho đến giờ chưa ghi nhận trường hợp nào chủ sử dụng phương tiện đứng ra bảo lãnh phương tiện của mình trong trường hợp bị cơ quan công an tạm giữ phương tiện vì vi phạm hành chính, mặc dù đã có VBPL quy định và hướng dẫn về việc này. Theo tôi một trong những nguyên nhân khiến cho quy định này chưa thực sự có “hiệu quả” chưa được người dân rộng rãi sử dụng là vì mặt bất tiện của quy định mới này.
- Thông thường người vi phạm bị tạm giữ xe chờ giải quyết có tâm lý phải giải quyết nhanh gọn để lấy được xe vi phạm về sớm nhất có thể, bởi lẽ phương tiện giao thông gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt, thậm chí kinh doanh của nhiều người. Do đó, bị giữ xe ngày nào thì cuộc sống hàng ngày của chủ phương tiện bị ảnh hưởng ngày đó. Trong khi đó, Nghị định 31/2020/NĐ-CP quy định về việc cho bảo lãnh phương tiện như sau:
Trong thời hạn không quá 2 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo quản.
Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong thời hạn không quá 3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp không giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Khi giao phương tiện, cơ quan có thẩm quyền giữ xe phải lập biên bản giao xe và biên bản tạm giữ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (trường hợp không nộp tiền bảo lãnh)…
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu bảo lãnh xe thì thời gian để chủ phương tiện có thể nhận xe về là 2-3 ngày. Đối với tâm lý muốn nhanh chóng muốn giải quyết nhanh để sớm lấy xe về của chủ phương tiện có sự đối lập. Chưa kể là trên thực tế thời gian có thể kéo dài hơn quy định sẽ gây cản trở lớn cho các chủ phương tiện xe. Ngoài ra khi nộp tiền bảo lãnh xe họ còn phải đáp ứng các điều kiện mà luật định và cần thực hiện các thủ tục giấy tờ mà theo đánh giá của Luật sư là không đơn giản, dễ dàng với người dân. Do đó, dẫn đến tâm lý “ngại” và hình thức bảo lãnh này không được áp dụng trong thực tiễn.
- Mức tiền phải nộp để bảo lãnh xe vi phạm giao thông
Khoản 4 Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BCA quy định như sau: “Tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.”
Như vậy, mức tiền bảo lãnh phải nộp bằng ít nhất tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm của người điều khiển xe khi điều khiển phương tiện đó. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân để người vi phạm không bảo lãnh vì số tiền bảo lãnh còn lớn hơn số tiền mà họ bị xử phạt. Chưa kể thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài. Thay vào đó, người vi phạm sẽ nộp phạt trong thời gian ngắn nhất để nhận phương tiện về sớm nhất có thể.
- Theo tôi, Nghị 31/2020/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành biện pháp đặt tiền bảo lãnh đã hướng dẫn khá chi tiết về thời gian giải quyết bảo lãnh là từ 2-3 ngày làm việc kể từ khi có đơn đề nghị của chủ phương tiện vi phạm, các điều kiện để được bảo lãnh xe, quy trình giải quyết,… do đó, không cần thiết phải quy định thật chi tiết trong Nghị định mới mà đã có các văn bản hướng dẫn quy định làm căn cứ áp dụng.
Công ty Luật Dragon trân trọng cảm ơn!