Quyền tự bào chữa
Văn phòng luật sư Dragon – Quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền và tự do cơ bản của công dân, đã được quy định rõ ràng trong các bản Hiến pháp của nước ta. Bên cạnh việc xác lập nguyên tắc “tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dânViệt Nam”, điều 67 Hiến pháp năm 1946 đã quy định “người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Để có thể đảm bảo quyền cơ bản nói trên, Tòa án được xác định là cơ quan tư pháp không chỉ khi xét xử có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình, mà các phiên tòa đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt.
Điều 101 Hiến pháp 1959 khẳng định “quyền bào chữa của người bị cáo được đảm bảo”. Vào thời điểm lúc bấy giờ, điều khá đặc biệt là Hiến pháp 1959 đã cơ cấu lại tổ chức của Chính phủ theo hướng không duy trì Bộ Tư pháp độc lập. Do đó, các luật sư hoạt động dưới sự quản lý của Tòa án nhân dân tối cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hình sự. Đến năm 1980, Hiến pháp thứ ba – Hiến pháp của nướcViệt Nam thống nhất, đã khẳng định lại tại điều 133 là “quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm”. Lần đầu tiên, tổ chức luật sư với tính chất là một thiết chế hiến định đã được trang trọng ghi vào đạo luật cơ bản với sứ mệnh: “Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đươngsự khác về mặt pháp lý”. Đây chính là nền tảng mở ra thời kỳ chuyển chế định bào chữa viên nhân dân trong thời kỳ chiến tranh thành hệ thống các tổ chức nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi cả nước theo Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987.
Đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), tại điều 132 tiếp tục quy định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Các quy định về bảo đảm thực hiện quyền cơ bản này cùng với hoàn thiện tổ chức hành nghề và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư đã được cụ thể hóa trong Pháp lệnh luật sư năm 2001, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật Luật sư năm 2006.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử lập hiến qua bao biến cố, thăng trầm cùng lịch sử đất nước, có thể khẳng định từ khi giành được chính quyền, Nhà nước ta đã có sự quan tâm đến việc bảo đảm quyền của những người bị tình nghi phạm tội, trong đó quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được coi là một trong những quyền Hiến định, được cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp. Tuy nhiên, có một điều khá đặc biệt nhưng chưa được lý giải một cách thấu đáo ở chỗ, điều khoản quy định về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa trong các bản Hiến pháp không được quy định tại chương về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, mà được đặt ở vị trí trong chương về tổ chức bộ máy của Tòa án ?
Nguyên nhân của việc thiết kế vị trí điều luật nêu trên có thể xuất phát từ quan niệm coi hoạt động nghề nghiệp luật sư gắn rất chặt với hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử ở Tòa án. Điều này giải thích trước đây, tổ chức luật sư thường được thành lập trong phạm vi thẩm quyền tài phán của Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án địa phương theo mô hình: Tòa án địa phương/ Đoàn Luật sư địa phương/ Luật sư địa phương. Trong khi đó, xét về bản chất thì chức năng bào chữa tồn tại độc lập và đối trọng với chức năng buộc tội như một tất yếu khách quan tự thân của tố tụng hình sự.Việc giới hạn hoạt động nghề nghiệp luật sư thuộc phạm vi “bổ trợ tư pháp”, thực chất và chủ yếu trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự, vô hình trung đã làm giảm nhẹ ý nghĩa và các giá trị xã hội mà nghề nghiệp này đóng góp vào quá trình phát triển dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.
Thực tế cho thấy, khi giải quyết mối quan hệ hoặc tranh chấp giữa công dân với cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, hầu hết các nước trên thế giới đều thành lập ba chế định: Cơ quan công tố làm nhiệm vụ buộc tội, Luật sư làm nhiệm vụ gỡ tội và Tòa án thực hành thiên chức trọng tài của mình một cách công bằng thông qua chức năng xét xử. Chính thông qua quá trình đấu tranh và phản biện nêu trên, bản chất dân chủ của hoạt động tố tụng hình sự được thể hiện.Nhìn từ khía cạnh này, cần quan niệm quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện. Như Thông tư 2225-HCTP ngày 24/10/1956 của Bộ Tư pháp đã mạnh mẽ khẳng định: Xâm phạm đến quyền tự do bào chữa thì không thể nào thực hiện được các quyền tự do dân chủ khác, mặc nhiên thủ tiêu các quyền tự do đó.Nếu bị can không được sử dụng đầy đủ quyền bào chữa thì không gọi là có công lý.
Xuất phát từ cách tiếp cận như vậy, trong quá trình nghiên cứu và sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới, thiển nghĩ cần điều chỉnh vị trí điều luật quy định về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa từ chương về tổ chức Tòa án sang chương quy định về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đưa quyền này trở thành quyền Hiến định đúng nghĩa, gắn chặt với bản chất hoạt động nghề nghiệp và chức năng xã hội của luật sư.
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Ủy viên Ban Thường vụ
Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư
Công ty luật Dragon