Sumidenso Việt Nam lạm dụng lao động chưa thành niên?
“Làm thêm quá nhiều là lạm dụng lao động chưa thành niên”. Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Minh Long-Trưởng văn phòng luật sư Dragon khi trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này tại công ty Sumidenso Việt Nam.
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tư vấn pháp luật miễn phí, bất cứ người lao động chưa thành niên nào trong vụ việc Công ty Sumidenso Việt Nam, nếu họ gửi đơn đến Báo điện tử Infonet nhờ can thiệp.”
Luật sư Minh Long- Trưởng Văn phòng luật Dragon |
Vụ việc đang gây chú ý là Công ty Sumidenso Việt Nam tuyển gần 500 lao động chưa thành niên vào làm việc trong nhà máy của công ty như lao động đã thành niên mà Báo điện tử Infonet đã có loạt bài tìm hiểu về sự việc theo phản ánh của người lao động. Để cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện khách quan trên cơ sở luật pháp, chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Minh Long- Trưởng văn phòng Luật sư Dragon |
Theo quy định hiện hành của Bộ luật Lao động, việc làm thêm của lao động chưa thành niên (LĐCTN) phải theo danh mục ngành nghề do luật quy định. Hiện nay việc làm thêm, làm đêm của LĐCTN sẽ áp dụng thế nào, thưa luật sư?
Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể danh mục ngành nghề làm thêm đối với LĐCTN nhưng lại có Danh mục ngành nghề mà LĐCTN không được làm. Tuy nhiên dù là việc làm thêm hay công việc chính vẫn phải tuân theo quy định hiện hành của pháp luật lao động đối với LĐCTN được quy định tại các VBPL sau: TTLT Số: 21/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 09/12/2004 về việc hướng dẫn, quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, Thông tư liên bộ Số: 09-TT/LB ngày 13/04/1995 quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên
Đối với LĐCTN từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc ban đêm trong một số nghề và công việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. (Điều 122 BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2007). Tuy nhiên hiện nay chưa có danh mục ngành nghề cho phép LĐCTN làm thêm và làm việc ban đêm.
Nếu chưa có danh mục này thì có thể coi là về nguyên tắc không được sử dụng LĐCTN làm thêm và làm đêm không?
Hoàn toàn có thể coi như vậy. Trên tinh thần của Bộ Luật lao động là hạn chế việc dùng LĐCTN làm thêm, làm đêm dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của đối tượng này. Có thể coi LĐCTN là “lãnh địa” hạn chế chờ Bộ LĐTBXH có quy định “thông đường” thì NSDLĐ mới được vào. Khi chưa có quy định thông đường thì có thể coi là về nguyên tắc NSDLĐ không được phép dùng LĐCTN làm đêm làm thêm giờ.
Hiện nay, Nhà nước có quy định DN phải đảm bảo làm thêm 1 tuần không quá 16 giờ? Theo ông nếu công ty để công nhân làm 88,2 giờ 1 tháng có vi phạm Luật Lao động không?
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về số giờ làm thêm của LĐCTN. Tuy nhiên Thông tư số 15/2003/TT- BLĐTBXH ngày 03-6-2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo quy định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ đối với người lao động đã thành niên như sau: Tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 16 giờ
Như vậy, đối với người lao động đã thành niên cũng chỉ được làm thêm tối đa 64 giờ/ 4 tuần (1 tháng)
Nếu có việc NSDLĐ sử dụng LĐCTN làm thêm 88,2 giờ /tháng là đã vi phạm pháp luật lao động về thời giờ làm thêm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các em, vi phạm pháp luật Việt Nam. Như vậy rất cần có sự can thiệp, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Mục II phần 1 điểm 1.1 tiết c Thông tư số 15/2003/TT- BLĐTBXH ngày 03-6-2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 16 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 12 giờ; |
Bảng lương của một NLĐCTN làm thêm 88,2 giờ/ tháng |
Trên cơ sở pháp luật, theo ông thế nào là “lạm dụng LĐCTN”?
Khoản 2 Điều 119 BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2007 quy định “Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên”
Hiện tại chưa có văn bản pháp luật giải thích thế nào là “lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên”. Tuy nhiên, theo từ điển tiếng Việt có thể hiểu lạm dụng sức lao động của LĐCTN là việc NSDLĐ sử dụng quá mức sức lao động của LĐCTN.
Ví dụ, NSDLĐ tăng giờ làm việc quá quy định của pháp luật lao động, thậm chí tăng giờ làm việc nhưng không tăng lương, hoặc sử dụng LĐCTN để làm những công việc không phù hợp với sức khỏe của các em… Tất cả những hành động đó đều có thể gọi là hành vi lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên.
Như vậy theo ông có thể nói, Công ty “để” công nhân chưa thành niên làm đêm, làm thêm quá nhiều trong 1 tháng chính là “lạm dụng LĐCTN”?
Không những là “lạm dụng” mà còn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động Việt Nam. Cần phải xử lý ngay không để gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội đặc biệt là tầng lớp tương lai của đất nước.
Hiện nay đã có chế tài xử lý việc lạm dụng LĐCTN chưa? Nếu công ty “để” LĐCTN làm thêm, làm đêm quá giờ nhiều như vậy không bị coi là “Lạm dụng LDCTN” thì chế tài xử phạt sẽ thế nào?
Chế tài xử lý việc lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên được quy định cụ thể tại Nghị định Số: 47/2010/NĐ-CP ngày 06/05/2010 Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động
Điều 13 Nghị định 47/2010/NĐ-CP quy định như sau:
– Hành vi lạm dụng sức lao động của NCTN của NSDLĐ có thể bị phạt tiền từ 300.000 – 3.000.000 VNĐ
– Hành vi sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá bảy giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần có thể bị phạt tiền từ 300.000 – 3.000.000 VNĐ.
Như vậy có quá nhẹ, để các doanh nghiệp tái phạm nhiều lần?
Cái này cũng khó nói. Nhưng ở một số nước các Hội bảo vệ quyền trẻ em họ sẽ ra lời kêu gọi tẩy chay trừng phạt những doanh nghiệp như vậy. Tôi nghĩ đấy là sự trừng phạt thích đáng nhất với doanh nghiệp vi phạm.
Nếu NLĐCTN (bao gồm cả công nhân đã nghỉ) làm việc có đơn đến Báo điện tử Infonet yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả số giờ làm việc chưa trả theo luật, luật sư có đứng ra tư vấn và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho họ không?
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tư vấn pháp luật miễn phí bất cứ người lao động chưa thành niên nào đã đang làm việc tại Sumidenso VN, nếu họ gửi đơn đến Báo điện tử Infonet nhờ can thiệp. Tôi nghĩ, bảo vệ quyền lợi của các em là nghĩa vụ công dân, là trách nhiệm nghề nghiệp của những người làm luật sư và nhà báo như chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên
Thực hiện