0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Tăng Đình Hiếu – Đại ca khét tiếng xứ Nghệ

Văn phòng luật sư Chúng tôi về xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tìm gặp đại ca Tăng Đình Hiếu. Đã một thời, khi nhắc đến cái tên này, giới anh chị xứ Nghệ đều phải khiếp danh. Sau khi mãn hạn tù, Tăng Đình Hiếu đã chọn cho mình một cách hoàn lương khá đặc biệt: Hàng mấy năm trời một mình cuốc xới biến 5ha đồi hoang thành mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) lớn nhất nhì huyện.

Tăng Đình Hiếu nhớ lại quãng đời đã qua

Nửa đời làm cướp

Nằm ở phía trước ngọn đồi, trang trại của Tăng Đình Hiếu lọt thẳm giữa một vùng không gian rộng lớn. Để đến được, phải phóng xe trên con đường nhỏ, cỏ mọc um tùm, phía bên phải là con mương dẫn nước đầy những hố sâu. Chúng tôi bỏ lại xe máy đi bộ khoảng 500m đến được trang trại của anh Tăng Đình Hiếu. Bên ấm nước chè xanh được hái và chế biến từ trang trại, Hiếu đã hồi tưởng lại một quãng đời lầm lạc.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, cha là chiến sỹ chống Pháp, hai anh trai của Hiếu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bản thân anh Hiếu cũng đã được học và công tác trong ngành công an. Tuy nhiên, vì vướng vào một rắc rối nhỏ, nên Hiếu bị điều chuyển về quê nhận nhiệm vụ khác. Không thích công việc được phân công, Hiếu xung phong đi tham gia Chiến dịch biên giới phía Bắc. Đất nước yên bình trở lại, Hiếu về quê và mơ về một cuộc sống tốt đẹp.

Do vậy, Hiếu tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luôn là người tiên phong trong các phong trào thi đua của làng, xã. Hồi ấy, Tăng Đình Hiếu là cầu thủ bóng đá giỏi nhất xã, từng tham gia nhiều trận đấu trên sân Vinh với những tên tuổi nổi tiếng lúc bấy giờ như Vũ Quang Bảo, Thủy “nghêu”, Nguyễn Quang Hải… Nhưng một người đã dọc ngang tứ xứ, giờ cứ quanh quẩn mãi dưới lũy tre làng, nên Tăng Đình Hiếu lại cảm nhận cuộc sống hơi tẻ nhạt. Hiếu quyết định vào miền Nam làm thêm với hy vọng kiếm ít vốn liếng về quê cưới vợ.

Đầu năm 1985, Hiếu có mặt ở Đồng Nai. ở đây, Hiếu gặp một số đồng hương xứ Nghệ. Trong một bận nhậu, anh em phàn nàn với Hiếu, thường bị dân bản xứ bắt nạt. Với một chút võ học có được từ thời ở lực lượng vũ trang, lại sẵn máu yêng hùng, Hiếu chủ trương tập hợp chiến hữu để vừa bảo vệ anh em nhưng cũng là để thể hiện cái uy của mình. Chẳng mấy chốc Hiếu nổi đình nổi đám, trở thành cái gai của các nhóm anh chị người bản xứ. Và điều gì đến sẽ phải đến, những cuộc chiến phân định ngôi thứ liên lục diễn ra giữa nhóm của Hiếu với những nhóm giang hồ khác.

Trong lần đánh nhau ở bến xe Đồng Nai, Hiếu lập chiến tích khi đánh phủ đầu tên đại ca của nhóm bản địa. Một thời gian sau, giang hồ ở Đồng Nai hợp quân quyết dạy cho Hiếu một bài học. Tăng Đình Hiếu bị truy đuổi và may mắn lắm mới toàn thân trở về quê.

Về lại quê hương, không có việc làm, Hiếu đâm ra khủng hoảng. Tụ tập bạn bè, rượu chè, hàng ngày ăn chơi lêu lổng. Rồi máu giang hồ nổi lên, Hiếu tập hợp các đệ tử tham gia việc cướp giật, phục vụ cho những thú vui thác loạn. Ngày ấy, uy danh của Hiếu nổi tiếng trong đám giang hồ khắp xứ Nghệ. Những băng nhóm khét tiếng khác như Tám “trắng” hay Tư “râu” cũng phải quy hàng. Hiếu và đồng đội làm ăn trên những con dao, lưỡi kiếm, khi kiêm tất các dịch vụ như đâm chém thuê, đòi nợ thuê và sẵn sàng làm thịt bất cứ kẻ nào làm ảnh hưởng đến lợi ích băng nhóm này.

Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, cuối cùng thì Tăng Đình Hiếu cũng vướng lưới pháp luật. Lần ấy, có tên tội phạm bị truy nã trốn vào nhà Hiếu. Khi bị công an đến truy bắt, Hiếu nổi máu đại ca, cùng tên trộm đó dùng vũ khí chống lại lực lượng công an. Hiếu bị bắt, phải ngồi tù. Lũ đàn em như rắn mất đầu, tan rã. Loay hoay trong 4 bức tường của nhà giam, khi đó Hiếu mới thấm thía được giá trị của tự do.

Hiếu càng ân hận và đau xót hơn khi chứng kiến cảnh bố mẹ già ngày ngày còm cõi, vượt đường xa vào thăm con trai trong trại giam. Hiếu cũng cảm nhận được tình yêu của chị Lê Thị Tứ, người đã vượt qua mọi can ngăn của gia đình và làng xóm để một lòng, một dạ đợi chờ. Sự quan tâm của gia đình và động lực từ người yêu đã giúp Hiếu quyết tâm cải tạo, tu dưỡng đạo đức từ những ngày ở tù. Cũng chính nỗ lực ấy đã giúp Hiếu được mãn hạn tù trước thời hạn.

Nửa đời tu thân

Ra tù, Hiếu lấy vợ. Được sống bên người con gái đã gần chục năm trời đợi chờ mình, đó là hạnh phúc thật lớn lao đối với một con người từng lầm lỡ. Hiếu lấy đó làm động lực để vượt khó khăn, mặc cảm. Vợ mang bầu, sinh con, Hiếu không muốn vì khó khăn của cuộc sống lại khiến mình quay lại con đường cũ nên làm đủ thứ: ngược lên miền núi các huyện Yên Thành, Đô Lương mua chuối, mít về đổi lấy lương thực, xuống miền biển thồ muối thuê. Hiếu còn nhận cày thuê cho hàng xóm và đi tứ xứ buôn đồng nát. Việc gì Hiếu cũng làm, miễn sao có tiền và không cảm thấy xấu hổ với lương tâm. Hiếu tu chí làm ăn, không ngại gian khổ và từ đó, ánh mắt người đời dần bớt đi sự nghi kỵ, xa lánh.

Rồi bước ngoặt cuộc đời cũng đến với Hiếu. Cuối năm 1999, huyện Diễn Châu có chủ trương cho các hộ gia đình thầu khoán vùng núi đất ven bờ kênh Nam để làm trang trại VAC. Trong khi nhiều người bĩu môi với chủ trương hoang tưởng của huyện, thì Hiếu đã khiến tất cả ngỡ ngàng khi nhận thầu khu đất nói trên. Một năm, hai năm, rồi ba năm, từ mảnh đất hoang vắng đó, một tay Hiếu đã cải tạo nó thành một trang trại VAC với đầy những cây ăn quả, gia súc, gia cầm và hàng chục ao nuôi cá, tổng cộng đến 5ha.  Hiếu nhớ lại, ngày mới lên đây lập nghiệp, khu đất toàn là đồi hoang, nham nhở, không đường, không nước, không điện. Nhưng Hiếu xác định, phải vực dậy trang trại này vì anh xác định nó vừa là chiếc cầu cũng là cánh cửa để quay lại cuộc sống của một người bình thường.

“Xuống tóc” vì con

Ngày đứa con gái thứ hai thi vào trường huyện, thiếu nửa điểm nên cả nhà rất lo lắng. Người ta mách với Hiếu rằng, trường có 3 suất ưu tiên xét tuyển dành cho những gia đình khó khăn, gia đình chính sách và gợi ý lên gặp hiệu trưởng trình bày và nộp đơn. Hiếu đã quyết định cắt đi mái tóc dài ngang lưng đã nuôi trong mấy năm và lần đầu tiên mặc áo trắng đóng thùng đi gặp thầy giáo xin cho con được học. Lần ấy, hồ sơ con gái anh được duyệt, bởi đúng đối tượng và chỉ thiếu có nửa điểm, anh mừng đến rơi cả nước mắt. Cũng từ đó, anh đoạn tuyệt với mái tóc dài.

Và sau bao nỗ lực, dù thành công chưa có gì đáng kể nhưng điều lớn nhất mà Hiếu có được là nhiều người đã nhìn Hiếu với con mắt khác trước nhiều. Ai ai đến với trang trại của Hiếu cũng tấm tắc khen, bởi khó hình dung được bàn tay một con người đã biến 5ha đồi hoang thành vườn cây ao cá như hôm nay.

Ngày chúng tôi về thăm anh, cũng là dịp con gái út của anh là Tăng Thị Xuân nhận tin thi đậu đại học. Anh tâm sự, cả đời mình khổ rồi, giờ nhìn thấy con cái học hành chu đáo, thành đạt trong cuộc sống thật mãn nguyện. Bên ly chè ấm, Hiếu tâm sự: “Thằng đầu thì đã yên bề gia thất nhưng dạo đó còn khó khăn quá chưa cho con học cao được. Năm nay đứa con gái thứ hai tốt nghiệp đại học, cô thứ ba đậu đại học và cậu út cũng đỗ cấp ba lên trường huyện học. Trong mơ tôi cũng không nghĩ có ngày mình lại hạnh phúc như vậy. Sang tháng, vợ tôi sẽ sang Lào mở đại lý làm ăn, tôi ở nhà chăm lo cho trang trại, tất cả phải tập trung cho mấy đứa con học hành chu đáo, nên người, chứ đừng như một thời của bố nó”.

Kim Thoa – Thúy Hường

Theo DSPL

Công ty luật Dragon