Tăng mức đóng BHXH từ năm 2010
Mức đóng này sẽ còn tiếp tục tăng thêm vào năm 2012 và năm 2014, mỗi năm 1%. Liệu lộ trình tăng mức đóng BHXH có được thực thi nghiêm minh khi mà chưa tăng đã có nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho NLĐ?
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, với mức độ tăng lương, tăng số cán bộ hưu trí như hiện nay, quỹ BHXH đang có xu hướng mất cân đối và bội chi. Chính vì vậy, tăng mức đóng BHXH vào năm tới để có nguồn bổ sung vào quỹ hưu trí, tử tuất cho NLĐ nhằm bảo đảm sự ổn định của quỹ BHXH. Còn hai quỹ bảo hiểm mang tính ngắn hạn là ốm đau, thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn giữ nguyên mức đóng.
Cũng theo bà Nga, với mức lương hưu trả cho NLĐ bằng 75% mức lương đóng BHXH như hiện nay ở nước ta so với các nước trên thế giới đang chiếm tỷ lệ cao (ở nhiều nước tỷ lệ này chỉ khoảng từ 60% đến 70%). Chưa kể mấy năm trở lại đây tỷ lệ tăng lương hưu quá nhanh. Đơn cử như đầu năm 2008 lương hưu tăng 20%, tiếp đến tháng 10-2008 lương hưu tăng thêm 15%, tháng 5-2009 lại tăng tiếp 5% nữa. Nếu vẫn giữ mức tăng lương hưu thế này mà không có giải pháp tăng đóng, chắc chắn quỹ hưu trí sẽ nhanh chóng bị mất cân đối. Do không thể giảm lương hưu (vì thực tế mức lương hưu vẫn chưa đủ đảm bảo đời sống cho NLĐ) thì chắc chắn sẽ không thể có chuyện tăng mức hưởng.
Đứng về phía doanh nghiệp và NLĐ, chị Phạm Thu Hường – nhân viên văn phòng Công ty Máy Việt cho rằng, NLĐ chỉ được doanh nghiệp trích đóng BHXH theo mức lương cơ bản chứ không theo mức lương thu nhập thực tế. Mức lương này chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chung mà Nhà nước đã quy định. Vì thế, mức lương hưu sau này NLĐ được lĩnh sẽ rất thấp. Chị Hường cũng bày tỏ lo lắng là việc tăng mức phí đóng BHXH sẽ khiến chủ sử dụng lao động tìm cách ký những HĐLĐ ngắn hạn hoặc hạ mức lương, bậc lương để khỏi phải đóng BHXH hoặc đóng ở mức thấp nhất.
Theo kết quả thanh tra việc thực hiện Bộ luật Lao động tại 40 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) trong năm 2009 do đoàn kiểm tra liên ngành LĐLĐ- LĐ-TB&XH – Thanh tra – Kinh tế của quận Ba Đình thực hiện cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vi phạm pháp luật ở các điều khoản về hợp đồng lao động, BHXH, BHYT, thang bảng lương.
Theo Điều 27, Bộ luật Lao động quy định không được ký quá 2 lần hợp đồng xác định thời hạn. Tuy nhiên, Điều 33 luật này lại cho phép trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên có quyền thay đổi nội dung hợp đồng lao động (bao gồm cả thay đổi thời hạn hợp đồng). Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nhiều lao động, thường “sử dụng” đủ 3 lần ký hợp đồng (thử việc, hợp đồng ngắn hạn đến hợp đồng không xác định thời hạn) để trốn tránh các khoản đóng góp thuộc về trách nhiệm xã hội cho NLĐ. Và với quy trình như vậy, số lao động gắn bó với doanh nghiệp đến khi được ký HĐLĐ không xác định thời hạn chẳng còn mấy người. Việc làm này của doanh nghiệp nhằm tránh ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn với NLĐ nhằm mục đích “né” nộp BHXH cũng như tránh phải trả lương cao cho NLĐ.
Vì thế, nếu không có sự thanh, kiểm tra chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh của cơ quan chức năng thì chắc chắn sau khi tăng mức đóng BHXH vào năm tới, doanh nghiệp sẽ càng “trốn” đóng BHXH nhiều hơn và quyền lợi của NLĐ vốn đã bị xâm phạm sẽ càng phải chịu thiệt thòi lớn hơn.
Theo các chuyên gia lao động, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu phương án khả thi hơn ngoài việc tăng mức đóng BHXH nhằm mục đích cân đối quỹ như gia tăng đối tượng bắt buộc đóng BHXH theo phương án số đông bù số ít. Có như vậy mới bảo đảm an sinh xã hội lâu dài và bền vững.
(Nguồn: dangcongsan.vn)