Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí trợ cấp thôi việc và chi phí đào tạo
Thông tư số 89/2006/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc và kinh phí thu hồi bồi thường chi phí đào tạo
THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc và kinh phí thu hồi bồi thường chi phí đào tạo
______
Căn cứ Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả chế độ thôi việc và kinh phí thu hồi bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước như sau:
I. Chi trả trợ cấp thôi việc:
1. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc cho các đối tượng được hưởng chế độ thôi việc thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức; cụ thể như sau:
a) Cơ quan nhà nước chi trả trợ cấp thôi việc từ nguồn chi phí hoạt động thường xuyên đã được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm.
b) Đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên chi trả trợ cấp thôi việc từ nguồn chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, bao gồm chi phí hoạt động được cơ quan có thẩm quyền giao và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
c) Đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên chi trả trợ cấp thôi việc từ nguồn chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị.
2. Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thực hiện quyết toán khoản chi trợ cấp thôi việc khi quyết toán kinh phí hành chính sự nghiệp hàng năm với cơ quan tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
II. Thu hồi bồi thường chi phí đào tạo:
1. Trong thời hạn ba (03) tháng kể từ khi có quyết định bồi thường chi phí đào tạo của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền, công chức, viên chức phải hoàn thành việc nộp đủ số tiền phải bồi thường (theo đúng quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền) cho bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan, đơn vị.
2. Trình tự xử lý đối với khoản thu về bồi thường chi phí đào tạo cụ thể như sau:
2.1. Đối với các khoá đào tạo có thời gian từ 3 (ba) tháng trở lên mà chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) được chi trả trực tiếp từ nguồn tài chính hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm nguồn ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trực tiếp cho cơ quan, đơn vị; nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật):
a) Mức chi phí phải bồi thường bao gồm tất cả các khoản chi phí mà cơ quan phải chi trả trực tiếp để công chức, viên chức tham dự khoá học.
b) Đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên:
Bộ phận tài chính – kế toán khi nhận tiền bồi thường chi phí đào tạo do công chức, viên chức nộp phải lập các chứng từ thu tiền theo quy định hiện hành và lập bảng kê nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Tiền bồi thường chi phí đào tạo của công chức, viên chức do cấp nào quản lý nộp ngân sách cấp tương ứng và hạch toán như sau:
– Trường hợp cơ quan, đơn vị nộp khoản thu về bồi thường chi phí đào tạo cho những năm trước: nộp theo chương, loại, khoản tương ứng mà cơ quan, đơn vị đã chi đào tạo; Mục 062 “Thu khác”, tiểu mục 02 “Thu hồi các khoản chi năm trước”.
– Trường hợp cơ quan, đơn vị nộp khoản thu về bồi thường chi phí đào tạo trong năm: nộp giảm cấp phát theo chương, loại, khoản, mục đã chi.
c) Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên:
Bộ phận tài chính – kế toán khi nhận tiền bồi thường chi phí đào tạo do công chức, viên chức nộp phải lập các chứng từ thu tiền theo quy định hiện hành; đồng thời phản ánh trong sổ sách kế toán như là nguồn thu hợp pháp từ hoạt động sự nghiệp trong năm của đơn vị.
2.2. Đối với các khoá đào tạo có thời gian từ 3 (ba) tháng trở lên mà chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) được chi trả tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn tài chính viện trợ chính thức của nước ngoài cho Việt Nam (không chi trả trực tiếp từ nguồn tài chính hàng năm của cơ quan, đơn vị):
a) Mức chi phí phải bồi thường được tính cho cả khoá đào tạo, cụ thể:
– Đối với những người tốt nghiệp các khoá đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước: mức chi phí phải bồi thường bao gồm các khoản học bổng, trợ cấp xã hội do ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho người học (nếu có); chi phí thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục đào tạo được tính bình quân trên một sinh viên.
– Đối với những người tốt nghiệp các khoá đào tạo ở nước ngoài: mức chi phí phải bồi thường là mức nhà nước đảm bảo chi phí học tập (học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại theo quy định của chương trình học, chi phí về bảo hiểm, các chi phí hợp lý khác của khoá học) hoặc toàn bộ học bổng do phía nước ngoài tài trợ theo hiệp định.
b) Cơ quan, đơn vị có công chức, viên chức thuộc diện phải bồi thường chi phí đào tạo có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở giáo dục đào tạo; các cơ quan được nhà nước giao quản lý tập trung các chương trình, đề án, dự án đào tạo để được cung cấp thông tin cần thiết về chi phí đào tạo mà ngân sách nhà nước đã cấp hoặc học bổng do phía nước ngoài tài trợ theo hiệp định, làm cơ sở để tính thu hồi chi phí bồi thường.
c) Bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan, đơn vị khi nhận tiền bồi thường chi phí đào tạo do công chức, viên chức nộp phải lập các chứng từ thu tiền theo quy định hiện hành và lập bảng kê nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Tiền bồi thường chi phí đào tạo của công chức, viên chức do cấp nào quản lý nộp ngân sách cấp tương ứng và hạch toán như sau:
– Chương: cơ quan, đơn vị nộp tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước.
– Loại 14.
– Khoản: tương ứng với loại hình đào tạo.
– Mục 062 “Thu khác”.
– Tiểu mục 02 “Thu hồi các khoản chi năm trước”.
Trường hợp khoản bồi thường chi phí đào tạo nộp ngân sách nhà nước trong cùng niên độ ngân sách thì hạch toán nộp giảm chi ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục đã chi.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2000/TT-BTC ngày 18/1/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp, quản lý, hạch toán, quyết toán kinh phí thôi việc và nộp ngân sách tiền bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức.
3. Đối tượng điều chỉnh; thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc và cách tính trợ cấp thôi việc; thời gian yêu cầu phục vụ sau khi đào tạo và cách tính chi phí bồi thường đào tạo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07/12/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ;
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
KT.Bộ trưởng
Thứ trưởng
(đã ký)
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 54/2005/NĐ-CP VỀ CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC, CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Căn cứ Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định nêu trên như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn cụ thể các trường hợp được hưởng chế độ thôi việc, thời gian làm việc và cách tính trợ cấp thôi việc; trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo, trường hợp không phải bồi thường chi phí đào tạo, thời gian yêu cầu phục vụ và cách tính chi phí bồi thường đối với cán bộ, công chức quy định tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, ché độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 54/2005/NĐ-CP).
2. Đối tượng điều chỉnh
2.1. Những người được quy định tại điểm c và điểm e khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị sau:
2.1.1. Các tổ chức thuộc Văn phòng Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2.1.2. Các tổ chức giúp việc Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước trong việc phục vụ Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
2.1.3. Các tổ chức giúp Bộ trưởng, Người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
2.1.4. Các tổ chức giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2.1.5. Các tổ chức giúp Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
2.1.6. Cơ quan đại diện Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
2.1.7. Đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
2.2. Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân.
2.3. Những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại điểm h khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
2.4. Những người quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP biệt phái sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Những người nêu tại điểm 2.1, 2.2, 2.3 và điểm 2.4 mục 2 Phần I của Thông tư này sau đây gọi chung là công chức.
2.5. Những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được thành lập đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật, có con dấu, có tư cách pháp nhân và có tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước (sau đây ogị chung là viên chức).
2.6. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch nhân viên phcụ vụ không thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước.
II. CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC
1. Trường hợp được hưởng chế độ thôi việc
1.1. Công chức, viên chức được hưởng chế độ thôi việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP.
1.2. Viên chức đang thuộc một trong các trường hợp chưa được cho thôi việc quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP nhưng vẫn có nguyện vọng xin thôi việc thì phải làm đơn tự nguyện xin thôi việc để cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ thôi việc.
2. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc
2.1. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc đối với công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP, đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP.
Trường hợp viên chức được tuyển dụng mà trước đó đã thực hiện ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước thì thời gian ký hợp đồng lao động được tính để hưởng trợ cấp thôi việc.
3. Cách tính trợ cấp thôi việc
3.1. Tháng lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp hiện hưởng do nhà nước quy định tại Điều 8 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP bao gồm:
3.1.1. Mức lương theo ngạch, bậc: là tiền lương đang hưởng theo ngạch, bậc được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
3.1.2. Các khoản phụ cấp được tính bao gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên vượt khung, hệ số chênh lệch bảo lưu.
3.2. Trợ cấp thôi việc được tính như sau: lấy tổng thời gian quy định tại Điều 9 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP nhân với 1/2 (một phần hai) tháng lương và các khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có) tại thời điểm công chức, viên chức có quyết định thôi việc.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A có quyết định tuyển dụng từ tháng 5/1995 đến tháng 4/2005 ông A tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý và có quyết định cho thôi việc. Như vậy ông A có thời gian công tác và đóng bảo hiểm xã hội 10 năm. Ông A đang giữ ngạch chuyên viên (mã số 01.003), hệ số lương 3.00, hưởng phụ cấp phó phòng 0,4. Tổng số tiền trợ cấp thôi việc ông A nhận được là:
Tổng số tiền trợ cấp | = 10 năm | x 1/2 {(3,00 + 0,4) x 350.000đ} | = 5.950.000 đồng |
III. CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO
1. Trường hợp công chức, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo
1.1. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài có thời gian từ 3 (ba) tháng tập trung trở lên mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
1.2. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo đã làm thủ tục nhập học và được cơ quan, đơn vị cấp kinh phí đào tạo mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
2. Trường hợp công chức, viên chức không phải bồi thường chi phí đào tạo
2.1. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài có thời gian từ 3 (ba) tháng tập trung trở lên mà đã làm việc đủ thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 của nghị định số 54/2005/NĐ-CP tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
2.2. Công chức, viên chức được cử đi đào tạo nhưng chưa làm thủ tục nhập học và cơ quan, đơn vị chưa cấp kinh phí đào tạo hoặc đã làm thủ tục nhập học nhưng cơ quan, đơn vị chưa cấp kinh phí đào tạo thì không phải bồi thường chi phí đào tạo của khóa học đó.
3. Thời gian yêu cầu phục vụ và cách tính chi phí bồi thường
3.1. Thời gian yêu cầu phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo được tính gấp 3 (ba) lần so với thời gian của khóa đào tạo.
3.2. Công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó.
Ví dụ 2: Bà Nguyễn Thị B công tác tại đơn vị sự nghiệp P, được đơn vị cử đi học cao học có thời gian đào tạo 2 (hai) năm. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo bà B phải làm việc tại đơn vị P 6 (sáu) năm tiếp theo thì khi bà B thôi việc sẽ không phải bồi thường chi phí đào tạo.
Trường hợp bà B mới làm việc được 2 (hai) năm sau khi hoàn thành khóa đào tạo cao học mà chi phí của khóa học là 15 (mười lăm) triệu đồng (bao gồm cả chi phí đi lại) thì chi phí đào tạo bà B phải bồi thường là:
(2 năm x 3) – 2 năm
6 năm |
x 15 triệu đồng | = 10 triệu đồng |
Trường hợp bà B sau khi hoàn thành khóa đào tạo trên mà thôi việc ngay hoặc đang học mà bỏ việc thì bà B phải bồi thường 15 triệu đồng.
3.3. Công chức, viên chức được cử đi nhiều khóa đào tạo không liên tục hoặc trong cùng một thời gian được cử đi nhiều khóa mà trong thời gian đào tạo của một khóa học tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay hoặc khi về cơ quan, đơn vị tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì thời gian để tính chi phí phải bồi thường là tổng cộng thời gian của toàn bộ các khóa học đó so với tổng thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị kể từ khi trở về làm việc sau khóa đầu tiên.
Ví dụ 3: Ông Trần D công tác tại cơ quan M, được đơn vị cử đi học cao học có thời gian đào tạo 2 (hai) năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 15 triệu đồng. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo trên ông D về làm việc tại cơ quan M 3 (ba) năm tiếp theo. Sau 3 năm làm việc tại cơ quan ông D lại được cơ quan cử đi học nghiên cứu sinh có thời gian đào tạo là 3 năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 10 triệu đồng. Trong thời gian học lớp cao cấp lý luận chính trị ông D tự ý bỏ việc. Do vậy chi phí đào tạo ông D phải bồi thường là:
[(2 năm x 3n + 2n) x 3] – (3n + 4n)
21 năm |
x (15 triệu đ + 20 tr. đ + 10 tr. đ) | = 30 triệu đồng |
Ví dụ 4: Bà Nguyễn Thị H công tác tại đơn vị X, được đơn vị cử đi học đại học có thời gian đào tạo 4 (bốn) năm, chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 20 triệu đồng. Đồng thời với thời gian này bà H được cử đi học khóa ngoại ngữ trình độ B có thời gian đào tạo 6 tháng (học sau giờ làm việc), chi phí đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) là 2 triệu đồng. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo ngoại ngữ trình độ B và tốt nghiệp đại học, bà H về đơn vị X làm việc 2 năm thì đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Do vậy chi phí đào tạo bà H phải bồi thường là:
[(4 năm + 0,5 năm) x 3] – 2 năm
13,5 năm |
x (20 triệu đ + 2 triệu đ | = 18,74 triệu đồng |
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Thông tư này thay thế thông tư số 28/1999/TT-BTCCBCP ngày 31 tháng 7 năm 1999 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ảnh kịp thời về Bộ Nội vụ để nghiên cứu giải quyết.
BỘ TRƯỞNG
(đã ký)
Đỗ Quang Trung
Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.
NGHỊ ĐỊNH
Về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo
đối với cán bộ, công chức
______
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (sau đây gọi chung là cơ quan), đơn vị sự nghiệp của nhà nước (sau đây gọi chung là đơn vị).
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
Đối tượng điều chỉnh tại Nghị định này gồm :
1. Những người được quy định tại các điểm b, c, đ, e và h (sau đây gọi chung là công chức) và những người được quy định tại điểm d (sau đây gọi chung là viên chức) khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này biệt phái sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo
Cơ quan, đơn vị khi thực hiện chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với công chức, viên chức phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Giải quyết nguyện vọng thôi việc của công chức, viên chức đúng quy định của pháp luật và sử dụng có hiệu quả chi phí hoạt động thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật;
2. Công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo (ở trong nước và nước ngoài) mà trong thời gian đang học tập hoặc khi trở về cơ quan, đơn vị tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải bồi thường chi phí đào tạo;
3. Cơ quan, đơn vị phải thành lập Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo; Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo căn cứ vào thâm niên công tác, cống hiến của công chức, viên chức để quyết định mức bồi thường một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo được tính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Nghị định này;
4. Công chức, viên chức được giải quyết chế độ thôi việc hoặc phải bồi thường chi phí đào tạo có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật;
Cơ quan, đơn vị khi nhận được khiếu nại của công chức, viên chức phải có trách nhiệm trả lời đương sự theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
5. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ của công chức, viên chức thôi việc, người phải bồi thường chi phí đào tạo;
Cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền quản lý hồ sơ của công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi làm mất, làm hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ của công chức, viên chức thôi việc, người phải bồi thường chi phí đào tạo.
Điều 4. Công chức, viên chức thôi việc do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế
Công chức, viên chức thôi việc do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế theo quyết định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền không thuộc đối tượng thực hiện chế độ thôi việc theo quy định của Nghị định này.
Chương II
Chế độ thôi việc
Điều 5. Trường hợp công chức, viên chức được hưởng chế độ thôi việc
1. Công chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
2. Viên chức được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp sau:
a) Viên chức tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;
b) Viên chức tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 có đơn tự nguyện xin thôi việc được người đứng đầu đơn vị đồng ý chấm dứt hợp đồng làm việc;
c) Viên chức tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 hết thời hạn của hợp đồng làm việc mà không được người đứng đầu đơn vị ký tiếp hợp đồng làm việc.
Điều 6. Trường hợp công chức, viên chức không được hưởng chế độ thôi việc
1. Công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật hình thức buộc thôi việc.
2. Công chức, viên chức tự ý bỏ việc hoặc xin thôi việc mà chưa được sự đồng ý của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
3. Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Điều 7. Trường hợp công chức, viên chức chưa được giải quyết chế độ thôi việc
1. Công chức, viên chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Công chức, viên chức đang phải bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định của pháp luật.
3. Viên chức đang thuộc một trong các trường hợp sau chưa được cho thôi việc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Nghị định này:
a) Nghỉ phép hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị cho phép;
b) ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên;
c) Có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 (mười hai) tháng tuổi.
Điều 8. Trợ cấp thôi việc
Công chức, viên chức thôi việc theo quy định tại Nghị định này thì cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng (là mức lương theo ngạch, bậc) và các khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có gồm các khoản phụ cấp được đóng bảo hiểm xã hội) do nhà nước quy định; trường hợp thấp nhất cũng được hưởng bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có) do nhà nước quy định.
Điều 9. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc
1. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc đối với công chức quy định tại Nghị định này là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi có quyết định tuyển dụng đến khi công chức có quyết định thôi việc của cơ quan có thẩm quyền.
Tổng thời gian làm việc bao gồm:
a) Thời gian công chức làm việc thực tế tại cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước;
b) Thời gian làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang mà chưa được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa được hưởng chế độ phục viên, chế độ xuất ngũ;
c) Thời gian được cơ quan, đơn vị ký hợp đồng lao động;
d) Thời gian được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
đ) Thời gian nghỉ theo quy định tại các Điều 73, 74, 75 và Điều 78 của Bộ luật Lao động;
e) Thời gian nghỉ việc để chữa bệnh có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên và thời gian này được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;
g) Thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Lao động;
h) Thời gian bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai theo quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức;
i) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức;
k) Thời gian chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án (trường hợp được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ) và trong thời gian này được cơ quan, đơn vị bố trí làm việc.
2. Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức quy định tại Nghị định này:
a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003: là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi có quyết định tuyển dụng đến khi viên chức có quyết định thôi việc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền;
Tổng thời gian làm việc bao gồm thời gian quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều 9 của Nghị định này;
b) Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003: là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) tại đơn vị đó đến khi viên chức có quyết định thôi việc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Tổng thời gian làm việc bao gồm:
– Thời gian viên chức làm việc thực tế theo hợp đồng làm việc tại đơn vị nơi viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc;
– Thời gian tham gia lực lượng vũ trang thuộc thời gian viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc tại đơn vị nơi viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc mà thời gian này chưa được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa được hưởng chế độ phục viên, chế độ xuất ngũ;
– Thời gian quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều 9 của Nghị định này thuộc thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc tại nơi viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc.
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 9 của Nghị định này là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan, đơn vị của Nhà nước.
4. Cách tính thời gian làm việc đối với tháng lẻ được quy định như sau:
a) Từ 01 (một) tháng đến dưới 07 (bảy) tháng thì được tính bằng (một phần hai) năm làm việc;
b) Từ đủ 07 (bảy) tháng đến 12 (mười hai) tháng thì được tính bằng 01 (một) năm làm việc.
Điều 10. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc
Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được quy định như sau:
1. Trong các cơ quan nhà nước thì nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với công chức do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy trong chi phí hoạt động thường xuyên đã được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm;
2. Trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước:
a) Đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên thì nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc lấy trong chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, bao gồm chi phí hoạt động được cơ quan có thẩm quyền giao và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật;
b) Đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên thì nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc lấy trong chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Điều 11. Các chế độ khác
1. Công chức, viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này, được hưởng trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công chức, viên chức thôi việc quy định tại Điều 5 của Nghị định này được chính quyền địa phương giúp đỡ, đăng ký hộ khẩu và tạo điều kiện để làm ăn sinh sống.
Chương III
Chế độ bồi thường chi phí đào tạo
Điều 12. Trường hợp công chức, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo
1. Công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
2. Công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Điều 13. Các khoản chi phí đào tạo được tính để bồi thường và cách tính chi phí bồi thường
1. Các khoản chi phí đào tạo được tính để bồi thường bao gồm: các khoản chi cho khóa đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) tính theo từng người được đào tạo có thời gian từ 03 (ba) tháng trở lên từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn tài chính viện trợ chính thức của nước ngoài cho Việt Nam, từ nguồn tài chính của cơ quan, đơn vị.
2. Cách tính chi phí bồi thường:
a) Đối với công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc trở về cơ quan, đơn vị mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó.
b) Đối với các trường hợp khác thì chi phí bồi thường được tính như sau:
Căn cứ vào thời gian yêu cầu phục vụ và thời gian công chức, viên chức làm việc liên tục tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành khóa đào tạo và tổng chi phí của khóa đào tạo để tính mức bồi thường như sau:
Chi phí đào tạo phải bồi thường = (Thời gian yêu cầu phục vụ – Thời gian làm việc sau khi đào tạo) * Tổng chi phí của khóa đào tạo / Thời gian yêu cầu phục vụ
Trong đó: thời gian yêu cầu phục vụ được quy định gấp 03 (ba) lần so với thời gian của khóa đào tạo.
Điều 14. Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo và quy trình xét bồi thường
1. Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định thành lập. Hội đồng có 05 thành viên gồm:
a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là Chủ tịch Hội đồng;
b) Đại diện lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp hoặc đại diện công đoàn cơ quan, đơn vị là ủy viên;
c) Người phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của bộ phận tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị là ủy viên;
d) Người phụ trách bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan, đơn vị là ủy viên;
đ) Người phụ trách trực tiếp cơ quan, đơn vị của người phải bồi thường là ủy viên;
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số. Hội đồng chỉ tiến hành họp xem xét khi có đủ các thành viên Hội đồng.
2. Quy trình xét bồi thường chi phí đào tạo được thực hiện theo trình tự sau :
Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký;
Người phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng của bộ phận tổ chức cán bộ báo cáo nội dung liên quan đến việc bồi thường và các quy định về chế độ bồi thường;
Người phụ trách bộ phận tài chính – kế toán báo cáo mức bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này;
Người phụ trách trực tiếp cơ quan, đơn vị của người phải bồi thường báo cáo quá trình công tác của người phải bồi thường;
Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu kín về mức bồi thường sau khi căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định này. Kiến nghị mức bồi thường của Hội đồng được lập thành văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quyết định;
Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 15. Thu hồi chi phí bồi thường
1. Người bồi thường chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả khoản tiền phải bồi thường cho bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan, đơn vị trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ khi có quyết định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
2. Chi phí bồi thường đào tạo được giải quyết như sau:
a) Đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thì chi phí bồi thường đào tạo được nộp vào ngân sách nhà nước;
b) Đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên thì chi phí bồi thường đào tạo do đơn vị sự nghiệp quyết định trong cân đối thu, chi để thực hiện các hoạt động về đào tạo của đơn vị theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người phải bồi thường chi phí đào tạo không thực hiện nộp trả khoản tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan, đơn vị không làm thủ tục chuyển trả sổ bảo hiểm và xác nhận các giấy tờ cần thiết khác, đồng thời có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Chương IV
Điều khoản thi hành
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức.
Điều 17. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả chế độ thôi việc và kinh phí thu hồi bồi thường chi phí đào tạo.
3. Cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội căn cứ các quy định tại Nghị định này hướng dẫn áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này ./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phan Văn Khải – Đã ký