Tính độc lập của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng
Luật sư Hà Nội – Một bản án được tuyên dù là hình sự hay dân sự nó ảnh hưởng trực tiếp đến các người tham gia tố tụng; gián tiếp đến thân nhân của họ nhưng lại có tác động đến tâm lý của nhiều người trong xã hội.
Với Bác sĩ, khách hàng là bệnh nhân và bệnh nhân luôn luôn nói thật căn bệnh của mình. Nhưng đối với Luật sư thì khách hàng thường không nói hết sự thật với Luật sư. Họ chỉ trình bày hoặc cung cấp tài liệu chứng cứ được xem là có lợi cho mình để Luật sư ứng xử theo hướng có lợi cho khách hàng.
Trong quá trình hành nghề tôi nghĩ rằng không riêng gì tôi mà các đồng nghiệp cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh một bị cáo luôn luôn phủ nhận một phần hay toàn phần hành vi bị truy cứu, trong khi những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ lại thể hiện một hướng ngược lại. Một trường hợp tương tự cũng đặt ra cho Luật sư phải tìm cách ứng xử trong một vụ án có nhiều bị cáo mà trách nhiệm hình sự có thể đối lập nhau.
Luật sư phải có tính độc lập với cơ quan tiến hành tố tụng
Trong trường hợp này Luật sư cũng phải hiểu không thể bào chữa cho khách hàng của mình bằng cách buộc tội bị cáo khác để gián tiếp trở thành đại diện thứ ba của Viện Kiểm sát.Nếu Luật sư hành sử ngược lại Luật sư cũng tự mình đánh mất đi tính độc lập của nghề Luật sư vì chức năng của Luật sư là bào chữa cho bị cáo.
Một bản án được tuyên dù là hình sự hay dân sự nó ảnh hưởng trực tiếp đến các người tham gia tố tụng; gián tiếp đến thân nhân của họ nhưng lại có tác động đến tâm lý của nhiều người trong xã hội. Luật sư chỉ có thể góp phần vào việc hoàn thiện để Tòa án đưa ra một bản án công bằng, hợp lý nhằm phù hợp với các quy định của luật pháp nếu Luật sư giữ được tinh thần độc lập trước các cơ quan và người tiến hành tố tụng.
Góp phần tạo nên một bản án công bằng và đúng luật là chung sức tạo nên một xã hội văn minh là gián tiếp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Vì vậy những đóng góp về mặt trí tuệ nhất là tại các vụ án có tính phức tạp hay nhạy cảm nếu được Tòa thừa nhận thì sự đóng góp này đã góp phần làm thêm vẻ đẹp của nội dung bản án. Mỗi khi Luật sư làm tròn chức năng của mình với đầy đủ tinh thần độc lập thì chính những đóng góp của Luật sư đích thực đã thể hiện tình nhân ái của con người với con người.
Nhưng để có thể đưa ra một bản án công bằng và đúng luật thì tất cả các quan hệ nhất là quan hệ giữa Luật sư với những cơ quan, những người tiến hành tố tụng phải được thiết lập trên mối quan hệ công. Mối quan hệ công nếu thuần túy thì phải đặt trên cơ bản của mối “quan hệ đô thị” chứ không phải là “quan hệ làng xóm” hay còn gọi là “quan hệ nghĩa tình” tức là mọi sự việc đều được giải quyết trên cơ sở quy định của luật pháp hơn là được giải quyết trên cơ sở nghĩa tình.
Tôi nói đến mối “quan hệ đô thị” vì chỉ có mối quan hệ này mới đem lại sự tỉnh táo cho người trực tiếp hay gián tiếp giải quyết vụ việc còn không thì hình như mọi giải pháp và quyết định được đưa ra đều có tính ban phát như một ly cà fê không đường cùng một cái bánh ngọt và mỗi người nếm một chút vị đắng lẫn vị ngọt trong đó có phần nào trách nhiệm của Luật sư vì đã không tôn trọng tính độc lập của nghề mà mình đã chọn và đã đem tâm huyết ra mà sống với nghề.
Tuy nhiên Luật sư độc lập trong hoạt động hành nghề không có nghĩa là tự tách hoạt động của mình ra khuôn khổ của các hoạt động tố tụng khác.Tính độc lập nói trên không thể đồng nghĩa với sự cô lập, tự tách mình ra, coi mình là tuyệt đối, mà nó cần hòa quyện trong trật tự của một nền pháp chế thống nhất.
Có như vậy Luật sư sẽ đảm bảo được tính độc lập trong hành nghề mà vẫn giữ được sự tôn trọng từ các cơ quan tố tụng và người tiến hànhtố tụng. Vì vậy bảo đảm được sự độc lập của mình, người luật sư phải tuân thủ các quy tắc trong quan hệ với cơ quan tố tụng; ví dụ không được cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ không xác thực và đi xa hơn nữa không được móc nối, lôi kéo cán bộ làm việc trái quy định của pháp luật…
Luật sư có thể trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết án nếu xét thấy cần thiết và có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, luật sư phải giữ tính độc lập, không bị chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến khác làm ảnh hưởng tới xây dựng quan điểm, phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng vì việc Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng xuất phát từ sự tín nhiệm, ủy thác tự nguyện của khách hàng..
Do đó, có thể khẳng định bản chất mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan và người tiến hành tố tụng thực chất là mối quan hệ có tính phản biện, tác động hổ tương lẫn nhau vì nói cho cùng sự độc lập của Luật sư khi hành nghề sẽ góp phần tạo nên nguồn gốc của phép ứng xử tôn trọng lẫn nhau giữa Luật sư, khách hàng và các cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Để giữ được tinh thần độc lập khi hành nghề không phải là một điều dễ dàng vì trên thực tế Luật sư có thể bắt gặp những rào cản hữu hình lẫn vô hình khi tiếp cận với yêu cầu của khách hàng cũng như đối với một số người tiến hành tố tụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong vài trường hợp Luật sư cần biết quên và hy sinh đi cái lợi ích của mình nhằm bảo đảm được một nền pháp chế dân chủ, công bằng phù hợp với quy định hiện hành.
Hơn ai hết, chính Luật sư là người phải chấp nhận mọi rủi ro khi xem trọng tinh thần độc lập trong quá trình hành nghề. Giữ được tinh thần độc lập chính là giữ lại cái tinh túy của nghề và người Luật sư để trước hết giữ được lòng tự trọng của chính mình và sau nữa để được xã hội tôn vinh và trân trọng. Tôi nghĩ con đường mà bất cứ Luật sư nào đi cũng là con đường sỏi đá, không bao giờ được trải hoa nếu Luật sư đứng và đi bằng đôi chân độc lập.
Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng – Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế (Nguồn: TTĐT Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Luật sư tại hà nội, công ty luật hà nội, văn phòng luật hà nội, dịch vụ luật hà nội, luat su ha noi