Tư vấn doanh nghiệp về thủ tục mua bán sát nhập theo luật doanh nghiệp
Câu hỏi luật sư Hà Nội về thủ tục mua bán sát nhập doanh nghiệp
Kính thưa Luật sư tư vấn – Công ty luật Dragon. Công ty chúng tôi có tên là A, một công ty cổ phần với 2 cổ đông sáng lập. Cả hai đều là người Hàn Quốc. Công ty chúng tôi sáp nhập vào đơn vị khác để hoán đổi cổ phần (49%) của một công ty liên doanh mới ( theo thỏa thuận 10 triệu USD). Công ty chúng tôi sẽ được hưởng $ 4.6 tỉ đô la. Đánh thuế của việc giao dịch mua lại theo pháp luật Việt Nam là gì? Chúng tôi có phải trả 0.1% tổng chi phí của thủ tục này không hoặc thuế từ vốn này hay cái gì đó không? Cảm ơn công ty luật tại Hà Nội và mong muốn nhận được phản hồi sớm.
Luật sư tư vấn trực tuyến:
Ban tư vấn luật Công ty Luật Dragon giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Theo như bạn trình bày thì về hình thức công ty mà bạn đang nói là có 2 cổ đông sáng lập, vậy bạn có thể xác định vai trò của 1 cổ đông nữa mà bạn chưa nhắc tới…. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì công ty cổ phần phải có số lượng cổ đông tối thiếu là ba thành viên. Do đó, chúng tôi có thể tạm hiểu công ty của bạn hiện có hai thành viên sáng lập góp vốn là người Hàn Quốc.
Hơn nữa, bạn cũng cung cấp cho chúng tôi là công ty bạn sáp nhập vào một công ty khác để hoán đổi cổ phần. Tuy nhiên, bạn lại nói giao dịch mua lại công ty bạn được hưởng 4.6 tỉ đô la. Do đó, chúng tôi xác định trường hợp của công ty bạn là bán doanh nghiệp. Bởi vì, khi sáp nhập doanh nghiệp thì không dùng tiền mặt mà được thực hiện bằng cách chia sẻ cổ phiếu.
Sau khi bán doanh nghiệp thì công ty bị mua lại có thể vẫn còn tồn tại. Nhưng dù công ty bị mua lại còn tồn tại hay không thì tư cách của các thành viên góp vốn cũng chấm dứt. Như vậy, số tiền $ 4.6 tỉ đôla là lợi nhuận của các thành viên góp vốn. Vì đây là thu nhập phát sinh trong lãnh thổ Việt nam do đó các thành viên phải chịu thuế thu nhập cá nhân tương ứng với phần lợi nhuận được hưởng. Để xác định mức thuế suất thì bạn phải xác định hai thành viên góp vốn người Hàn Quốc là cá nhân cư trú hay không cư trú theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam
2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1, Điều này.”
Nếu là cá nhân cư trú thì mức thuế suất đối với “Thu nhập từ chuyển nhượng vốn” là 20%. Trong đó thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.
Nếu là cá nhân không cư trú thì mức thuế suất 0.1%. Trong đó, tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.
Tóm lại, hai thành viên sáng lập góp vốn của công ty bạn sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân và Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân nêu trên.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty Luật Dragon để phục vụ Quý khách vào mục đích tham khảo.
Để được tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp xin vui lòng liên hệ:
Luật sư Nguyễn Minh Long Giám đốc công ty luật Dragon
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Điện thoại : 098 301 9109