Văn phòng luật sư Dragon: Luật sư nội bộ – Một nghề triển vọng
Nếu hiểu rõ, nắm bắt kịp thời và tỉnh táo trong các vấn đề liên quan luật kinh tế, thương mại, dân sự, sở hữu trí tuệ…, doanh nghiệp sẽ không chỉ tránh được những tình huống xấu bất ngờ mà có thêm lợi thế cạnh tranh. Hiểu được như thế, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm và xây dựng cho mình một hoặc nhiều cố vấn pháp luật. Một số doanh nghiệp xây dựng cả một phòng luật sư nội bộ (phòng pháp chế) để giải quyết mọi các vấn đề liên quan văn bản, hợp đồng, luật, cố vấn tranh tụng, dự báo và xử lí khủng hoảng.
“Luật sư nội bộ” – từ gốc tiếng Anh là “In House Counsel”. Khái niệm này còn có thể hiểu là “luật sư riêng”, “luật sư công ty”, “luật sư gia đình”, “cố vấn pháp luật”… Theo định nghĩa của Association of Corporate Counsel, luật sư công ty là nhân viên được tuyển dụng vào công ty để làm công việc luật sư. Theo luật một số bang của Mỹ, luật sư công ty bị hạn chế một số nghiệp vụ, trong đó có việc tranh tụng trước toà với tư cách đại diện công ty mình. Theo Luật luật sư của Việt Nam (có hiệu lực từ năm 2007), luật sư chỉ được hành nghề trên các hình thức Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh và công ty luật TNHH. Do đó luật sư nội bộ tại Việt Nam phần lớn mới ở dạng tư vấn pháp luật, xử lí hợp đồng…
Trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, các doanh nghiệp lớn đều có luật sư riêng. Những luật sư này có vị trí cao trong công ty và thường ở dạng cố vấn cao cấp cho chủ doanh nghiệp. Trong những nền kinh tế phát triển cao, luật sư là một nghề sáng giá. Nhiều chính khách vốn hoặc đồng thời là luật sư (như Đimitơrôp, Phiđen Caxtrô, Milôsêvích, Bin Clintơn, Nguyễn Hữu Thọ…). Những luật sư nội bộ cũng được hình tượng hóa qua các tiểu thuyết nổi tiếng thế giới (như Jenifer Packer trong “Thiên thần nổi giận” của Shedney Sheldon, Tom Haghen trong “Bố Già” của Mario Puzo…) Trong những cuốn sách đó, các luật sư nội bộ đều ở vị trí cao chỉ sau ông chủ và là nhân vật cực kỳ quan trọng đối với công ty, gia đình và cả đối thủ của họ.
Để làm tốt vai trò này, ngoài việc am hiểu rộng pháp luật dân sự, thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ…, luật sư nội bộ phải có nhiều yếu tố khác:
Luật sư nội bộ phải là người chủ động và sáng tạo trong cả nghiên cứu, suy nghĩ và hành động. Thực tiễn pháp lý và các xu thế biến động của pháp luật không chấp nhận những người bị động. Có thể, vài năm sau khi nhận vị trí, luật sư nội bộ mới trở thành “người hùng” của công ty, khi xử lí tốt những sự vụ “đùng một cái”. Sự sáng tạo và nhạy cảm sẽ giúp doanh nghiệp có thể đi tắt đón đầu, tránh những khó khăn, phòng ngừa rủi ro, hạn chế khủng hoảng…
Luật sư nội bộ phải có tính quyết đoán cao. Những tình huống nguy hiểm cần xử lí trong doanh nghiệp liên quan pháp lý và khủng hoảng thường xảy ra rất nhanh và nhiều khi luật sư nội bộ phải “tiền trảm hậu tấu”. Cả nể đồng nghiệp hay bàng quang trước sai lầm của người khác không phải là đức tính của một luật sư nội bộ tốt. Tính quyết đoán cao cũng thể hiện ở niềm tin nội tâm đủ khả năng quyết định mọi việc với những rủi ro, những lợi ích mà công ty có thể đạt được trong xác lập giao dịch. Vậy thì “in-house counsel” phải giàu kinh nghiệm sống và kinh nghiệm nghề nghiệp.
Luật sư nội bộ phải là người bình tĩnh, khách quan. Có thể, trong tư vấn pháp luật thông thường, những người có kiến thức và trí nhớ tốt về luật sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, đã là luật sư nội bộ, bạn sẽ phải đương đầu những thử thách lớn; khi đó bản lĩnh thể hiện trước hết ở sự bình tĩnh. Có trái tim nóng và cái đầu lạnh mới hy vọng giải quyết êm đẹp những vấn đề phức tạp. Khi nhìn nhận dưới góc độ luật sư nội bộ cần hết sức khách quan. Nhiệm vụ của In house Counsel là bảo vệ quyền lợi công ty mình nhưng nếu bảo vệ với tâm lí chủ quan thì không thể làm tốt nhiệm vụ ấy.
Luật sư nội bộ phải là người có bề dày văn hóa và thạo ngoại ngữ. Những cái đó không chỉ giúp luật sư có thể tìm hiểu văn bản pháp luật toàn cầu, những sự vụ, những trải nghiệm thực tế và tiền lệ, mà còn tạo thuận lợi để luật sư có thể giúp Công ty đàm phán, ký kết những hợp đồng lớn với đối tác nước ngoài.
In House Counsel là vị trí nhiều hứa hẹn cho những cử nhân luật, luật sư trẻ. Nhưng đáng tiếc nghề này ở VN chưa phát triển nhiều. Các doanh nghiệp VN chưa có ý thức cao trong việc tạo riêng cho mình những cố vấn pháp luật, vì kiến thức pháp luật của các doanh nghiệp VN (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa cao; tính cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp VN mới thể hiện ở giá, quảng cáo, chất lượng dịch vụ. Sinh viên hoặc cử nhân luật, luật sư mới ra trường chưa có nhiều người định hướng trở thành luật sư nội bộ. Hệ thống giáo dục cũng chưa chỉ cho người học luật nhiều sự lựa chọn định hướng nghề nghiệp.
Hi vọng, trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng phát triển, nhất là Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta sẽ có những lứa luật sư nội bộ được đào tạo bài bản và định hướng ngay từ đầu. Luật sư nội bộ thực sự là một nghề nghiệp thú vị và đầy bản lĩnh.
Nguồn: Tạp chí nhà quản lý số 65
Văn phòng luật sư Dragon