Luật Nuôi con nuôi: Ngăn chặn chuyện “biến tướng”
Thảo luận về Luật Nuôi con nuôi (NCN) sáng qua (26/5) tại hội trường, các Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự nhất trí đối với báo cáo chỉnh lý của dự thảo. Tuy nhiên, các ĐB vẫn có nhiều suy nghĩ về những vấn đề của luật như phí, lệ phí đăng ký NCN, điều kiện nhận NCN, căn cứ chấm dứt NCN, con nuôi biên giới…
Không nên coi nhẹ vấn đề phí
Tuy đa số ĐBQH đề nghị dự án luật quy định lệ phí đăng ký NCN, coi đây là khoản tiền cá nhân phải nộp khi làm thủ tục xin nhận con nuôi, nhưng cũng có những quan điểm mới về vấn đề này.
Mặc dù đồng ý về nguyên tắc phải nộp lệ phí đăng ký NCN, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nhận thấy “đối với luật này thì vấn đề tài chính liên quan đến NCN nước ngoài là vô cùng nhạy cảm” nhưng “không nên coi nhẹ vấn đề này”. Vì vậy, ĐB Thúy đề nghị “phải quy định chặt chẽ và minh bạch hóa các khoản chi phí giải quyết NCN nước ngoài, nhằm ngăn chặn hành vi buôn bán trẻ em và cũng giúp cho cha mẹ nuôi chủ động về mặt tài chính”.
Bên cạnh đó, vì không thể làm ngay “bài toán” chi phí NCN nên theo quan điểm của ĐB này, định lượng luôn vào luật số tiền mà người nhận NCN phải trả để bù đắp một phần chi phí trên một trường hợp, theo hướng quy định mức tối đa.
Phân tích Điều 12, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có những chi phí cần phải nộp (VD lệ phí đăng ký, lệ phí hồ sơ, phí xác minh…) ở “mức hợp lý là được”. Nhưng có những chi phí “không nên bắt người ta nộp” là chi phí nuôi dưỡng giáo dục trẻ từ khi trẻ được giới thiệu làm con nuôi cho đến khi hoàn thành các thủ tục giao nhận con nuôi. ĐB Thuyết đưa ra ví dụ “con nhà mình thì mình nuôi, đến lúc người ta nhận đi thì lúc đó người ta sẽ nuôi, chứ cớ gì mà mình lại đòi người ta trả chi phí từ lúc bắt đầu đặt vấn đề đến lúc anh nhận được về. Tôi nghĩ không có lý”.
ĐB từ Lạng Sơn này cũng băn khoăn về “thù lao hợp lý cho nhân viên cơ sở nuôi dưỡng” vì “nếu mình làm như thế này thì có khả năng tạo ra kẽ hở về mặt pháp luật về buôn bán trẻ con”. Thay vào đó có thể qui định người nước ngoài nuôi trẻ em Việt Nam thì nên thu một khoản ký quỹ để đảm bảo họ thực hiện đúng chế độ báo cáo về tình hình trẻ được nhận nuôi. Sau 3 năm họ thực hiện tốt thì trả lại số tiền đó.
Cũng quan tâm đến lệ phí đăng ký NCN, chi phí giải quyết NCN có yếu tố nước ngoài, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) lại có ý kiến không quy định vấn đề này trong dự án luật này, mà nên quy định việc quản lý nguồn vốn hỗ trợ nhân đạo để giáo dục, nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với định chế thu chi chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch.
Nhận định rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng một số cá nhân, tổ chức lạm dụng qui định về hỗ trợ nhân đạo gắn với NCN trong thời gian qua là do cơ chế quản lý, sử dụng các khoản tài trợ nhân đạo còn lỏng lẻo, thiếu cơ sở kiểm soát, ĐB Cư đưa ra giải pháp “cần có một định chế tài chính mới”. Với vai trò là đầu mối trung tâm các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực NCN, “quĩ này sẽ ngăn chặn việc trao đổi thỏa thuận trực tiếp giữa tổ chức con nuôi nước ngoài với các tổ chức cá nhân có thẩm quyền trong quá trình giải quyết NCN, giảm thiểu khả năng tiêu cực và trục lợi” – ĐB khẳng định.
Xuất phát từ lợi ích của trẻ
ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) nhận ra Khoản 3 Điều 4 “chỉ cho làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước” chưa hợp lý và còn mâu thuẫn vì việc làm con nuôi, quyền nhận con nuôi và làm con nuôi là xuất phát từ tình cảm con người với con người, đã là con người với con người thì dù nước ngoài hay người trong nước, đều mang tình cảm như nhau, không có lý gì chỉ có người trong nước không ai nuôi thì mới cho người nước ngoài. ĐB Hồng không tán thành quan điểm “người nước ngoài nuôi rủi ro cho con nuôi hơn người trong nước” bởi “thực tế đã có con em được người nước ngoài nuôi nay đã trở thành chính khách có tên tuổi trên thể giới”.
Theo so sánh của ĐB này,Khoản 3 Điều 4 còn mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 4 là việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền tự nguyện và bảo đảm quyền lợi. “Vậy thử hỏi khi một đứa trẻ tự nguyện, bình đẳng nhận người nước ngoài làm cha mẹ nuôi thì có cần phải chờ đến lúc khi không còn gia đình thay thế trong nước hay không?” – ĐB Nguyễn Minh Hồng bày tỏ.
Ngược lại, ĐBTrần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lo ngại, quy định không “chào đón” này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao.
Giải đáp cho những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, đây là nguyên tắc quan trọng trong tập quán, luật quốc tế, vì với sự phát triển của trẻ em không môi trường nào tốt bằng gia đình trong nước nơi trẻ được sinh ra.
Chính vì vậy, điều kiện quy định để đưa trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài rất khắt khe. “Đạo lý của việc này là nhà nước chăm lo việc tìm mái ấm gia đình cho trẻ em có điều kiện đặc biệt chứ không phải tìm trẻ em cho cha mẹ nuôi, để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ nuôi. Phải đặt lợi ích của trẻ lên trên hết” – Bộ trưởng Tư pháp khẳng định.
Công ty luật Dragon