Văn phòng luật sư Dragon Hà Nội – Nên xã hội hóa phát triển công chứng theo cung cầu xã hội
Tại buổi giao ban báo chí chiều 7-8, ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 224 công chứng viên, 10 phòng công chứng, 69 văn phòng công chứng. Tuy chất lượng lượng văn phòng công chứng vẫn còn nhiều vấn đề song phát triển số lượng thế nào cũng là điều đáng bàn.
Theo phê duyệt của Chính phủ, Hà Nội được Bộ Tư pháp duyệt cho thành lập 221 văn phòng công chứng mặc dù việc thành lập phòng công chứng là việc đã được xã hội hóa.
Trước đây khi chúng ta làm Luật Luật sư, lúc đầu trên cả nước chúng ta chỉ có trên 100 luật sư, sau khi có Luật Luật sư thì số lượng của chúng ta tăng lên từng ngày, từng giờ và đến bây giờ có khoảng 2000 luật sư. Hiện văn phòng luật sư cũng đang ngày càng phát triển với tốc độ như vậy. Trước tình trạng đó nhiều người đề xuất phải có sự kìm hãm lại, vì nhiều luật sư khi đi tư vấn, có luật sư tư vấn có vấn đề đúng, có vấn đề sai.
“Nhưng theo tôi nghĩ, trong cơ chế thị trường cần phải mạnh dạn cho phát triển thì mới có sự đào thải, đến một thời điểm nào đó thì tự nó đi vào trật tự. Công chứng cũng vậy”, ông Phương nói. Đúng là theo quy hoạch thì từ nay đến 2020 Hà Nội được thành lập thêm 221 văn phòng công chứng, nhưng đến giờ phút này nhu cầu công chứng của Hà Nội là rất lớn.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, ở đây có hai vấn đề, thứ nhất là Bộ Tư pháp tiếp tục hạn chế thì việc việc thành lập văn phòng công chứng sẽ ngày càng khó khăn. Trong khi số người có đủ điều kiện trở thành công chứng viên ngày càng tăng lên mà không được thành lập văn phòng công chứng thì mọi người không biết đi đâu, làm gì.
Thứ hai là nhu cầu của nhân dân. Trước đây cấp xã, phường cũng được chứng thực hợp đồng, dẫn đến việc quản lý các hợp đồng đó không được theo như quy trình chuyên nghiệp hóa. Từ thực tế đó, Bộ Tư pháp quy định đưa tất cả việc công chứng tất cả các hợp đồng về văn phòng công chứng. Sở Tư pháp Hà Nội rất tích cực triển khai, và thành lập mỗi huyện có một văn phòng công chứng, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thí dụ như Ba Vì hiện chỉ có một văn phòng công chứng, nhưng có xã cách điểm công chứng đến 70km, nên việc đi lại công chứng của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhu cầu của nhân dân là rất lớn, vì thế họ mong muốn có văn phòng công chứng ở khắp các địa bàn xã, phường. Đây là một bài toán rất khó khăn. Theo quy định của Bộ Tư pháp, để thành lập một văn phòng công chứng có hàng chục hồ sơ xin thành lập, do vậy bỏ ai, lấy ai sẽ dẫn đến tình trạng xin cho, chạy chọt cửa trước cửa sau…Vì vậy, nên xã hội hóa việc thành lập văn phòng công chứng không nên cứng nhắc mà nên định hướng nó phát triển theo quy luật tự nhiên, cung cầu xã hội.