Các điểm mới của pháp luật về quảng cáo trên mạng và quảng cái in trên bao bì

CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO TRÊN MẠNG XÃ HỘI, QUẢNG CÁO IN TRÊN BAO BÌ SẢN PHẨM

1. QUẢNG CÁO TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Cơ sở pháp lý hiện hành Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13
Luật sửa đổi Luật Quảng cáo số 75/2025/QH15 có hiệu lực từ 01/01/2026
Một số điểm lưu ý được sửa đổi, bổ sung Quốc hội thông qua Luật 75/2025/QH15 sửa đổi Luật Quảng cáo 2012, có hiệu lực từ 01/01/2026.

Tại khoản 16 Điều 1 Luật 75/2025/QH15 sửa đổi Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung Điều 23 quy định về quảng cáo trên mạng:

(1) Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số có kết nối Internet.

(2) Hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ các quy định sau đây:

– Phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh để phân biệt giữa nội dung quảng cáo với các nội dung khác không phải quảng cáo;

– Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ, từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp;

– Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến nội dung khác thì nội dung được dẫn đến phải tuân thủ quy định của pháp luật; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo có giải pháp kiểm tra, giám sát nội dung được dẫn đến;

– Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp cho người sử dụng tính năng để phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác;

– Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội khi thực hiện quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo hoặc được tài trợ với nội dung khác do mình cung cấp.

(3) Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại các điều 12, 13, 14 và 15a của Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi tại Luật 75/2025/QH15 và phải tuân thủ:

(i) Quy định của pháp luật về quảng cáo, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ trẻ em, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế;

(ii) Không đặt sản phẩm quảng cáo vào trong, bên cạnh, liền sau hoặc trước nội dung vi phạm pháp luật; không quảng cáo trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số vi phạm pháp luật;

(iii) Không hợp tác quảng cáo với tổ chức, cá nhân, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số và tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công khai thông báo vi phạm pháp luật;

(iv) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(v) Chấp hành các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý khác của cơ quan, người có thẩm quyền khi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

(4) Người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo khi giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng có quyền và nghĩa vụ sau:

– Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo tuân thủ quy định tại (ii);

– Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người quảng cáo, người phát hành quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

(5) Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng có trách nhiệm sau:

– Thông báo thông tin liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Xác minh danh tính của người quảng cáo, yêu cầu người quảng cáo cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu pháp lý hợp lệ;

– Lưu trữ thông tin, hồ sơ về hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

– Có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ;

– Lưu trữ các thông tin về quy tắc của phương thức phân phối quảng cáo, thuật toán phân phối quảng cáo được sử dụng để phát hành quảng cáo trên mạng;

– Thiết lập cơ chế để tiếp nhận, giải quyết khiếu nại về hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng;

– Tuân thủ quy định về minh bạch trong hoạt động quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ;

– Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(6) Người quảng cáo nước ngoài có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân của mình qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi tại Luật 75/2025/QH15.

(7) Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm chậm nhất 24 giờ kể từ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp không thực hiện theo yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn các vi phạm pháp luật về quảng cáo và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm ngăn chặn quảng cáo vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(8) Chính phủ quy định chi tiết quy định về quảng cáo trên mạng.

2. QUẢNG CÁO IN ẤN TRÊN BAO BÌ SẢN PHẨM

Cơ sở pháp lý hiện hành

Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13
Luật Báo chí số 103/2016/QH13
Nghị định số 38/2021/NĐ-CP
Luật sửa đổi Luật Quảng cáo số 75/2025/QH15 có hiệu lực từ 01/01/2026
Một số điểm lưu ý được sửa đổi, bổ sung 1. Phân biệt nội dung quảng cáo với thông tin trên nhãn, bao bì

Khoản 12 Điều 1 Luật Quảng cáo sửa đổi 2025 (sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Luật Quảng cáo 2012):
“Không coi là quảng cáo đối với nội dung thể hiện trên bao bì, nhãn sản phẩm mà pháp luật chuyên ngành quy định bắt buộc phải có, trừ nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.”

2. Nội dung không bị coi là quảng cáo

Khoản 3 Điều 19 (sửa đổi):
“Các nội dung sau đây không được coi là quảng cáo:
a) Nội dung hỗ trợ bán hàng hóa, dịch vụ như: trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại, hội nghị, hội thảo; tài liệu giới thiệu sản phẩm;
b) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”

3. Yêu cầu về nội dung quảng cáo in ấn (bao gồm trên bao bì nếu không thuộc nhóm loại trừ)

– Phải trung thực, chính xác, không gây nhầm lẫn về sản phẩm, dịch vụ, công dụng, chất lượng, xuất xứ.
– Ngôn ngữ sử dụng trong quảng cáo là tiếng Việt, bảo đảm trong sáng, rõ ràng và chính xác.
– Chỉ các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh hợp pháp và sản phẩm đã được phép lưu hành mới được phép quảng cáo.

4. Xử phạt vi phạm quảng cáo trên bao bì hoặc tài liệu in ấn

– Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn trên nhãn, bao bì sản phẩm có thể bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng.
– Đối với sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nếu vi phạm nhiều lần có thể bị tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đến 24 tháng.

 Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với người đại diện của Chúng tôi.

Trân trọng cám ơn!         

 

CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON

Giám đốc

Luật sư Nguyễn Minh Long        

Bài viết liên quan

    Đăng ký nhận thông tin

    Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger